Sáng 30-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch đang có diễn biến phức tạp. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo một số bộ, ngành.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp ứng phó dịch Covid-19. Ảnh: VGP

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, nhất là từ các nước chung quanh và khi chúng ta tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về nước, các mầm bệnh từ đó có thể thâm nhập. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc một số ca bệnh vừa bùng phát ở Hà Nam và một số địa phương. Ngoài ra, công tác quản lý cách ly y tế chưa tốt, chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý cách ly, theo dõi tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Ý thức, hợp tác của gia đình, người thân trong việc theo dõi cách ly tại nhà chưa tốt, chưa nghiêm. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thành tích, kinh nghiệm của quá trình phòng, chống dịch thời gian qua, những bài học phòng, chống dịch từ các nước trên thế giới. Chúng ta vẫn tự tin có thể xử lý tốt được tình hình, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không nóng vội. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, khích lệ, động viên các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân làm hay, làm tốt, hy sinh hết mình vì cộng đồng thời gian qua. Thủ tướng lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế phải siết chặt, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải vào cuộc tích cực hơn, căn cứ tình hình thực tế để có giải pháp quyết liệt hơn. Luôn bám sát thực tiễn, bổ sung các quy định, quy chế; tích cực tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo. 

Thủ tướng nhắc lại mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phải tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5 tới. Trước mắt, phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với phương châm "chống dịch như chống giặc”. Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, sáng tạo, linh hoạt, chủ động, tích cực trong xử lý vấn đề cụ thể, không bi quan nhưng không chủ quan. 

Đề cập các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh và tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Yêu cầu cả hệ thống chính trị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phải vào cuộc, phòng, chống dịch. 

Thủ tướng đánh giá cao, cảm ơn các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đã hy sinh vì sự bình yên của nhân dân - đây thật sự là lực lượng nòng cốt, linh hoạt, sáng tạo. Cùng với đó, phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước, chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiện các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch vì sức khỏe của mỗi cá nhân, của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; phải thực hiện "5K + vắc-xin”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần "xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và tôn trọng thực tiễn” chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình. 

Bộ Y tế cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí về dịch bệnh, về nguy cơ lây nhiễm (thế nào là nguy cơ cao, thấp, trung bình, thế nào là có dịch...) và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phân cấp cho các cấp chính quyền căn cứ vào tình hình, vào tiêu chí đó để lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định các biện pháp, không trông chờ, ỷ lại. Bộ Y tế tích cực, quyết liệt, đẩy mạnh tìm nguồn vắc-xin và tổ chức tiêm vắc-xin theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, có ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong công tác này. 

* Ngày 29-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc, nội dung cấp bách cần giải quyết của bộ và ngành tài chính. Cùng dự có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành tài chính phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng chính sách trên tinh thần khơi thông, huy động và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực, thúc đẩy giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mạnh mẽ phát triển đất nước cả trước mắt và trong trung, dài hạn. Công tác tham mưu thiết kế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, phải công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, ổn định và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách; mạnh dạn điều chỉnh, hoàn thiện chính sách khi có điểm bất cập, không phù hợp. 

Việc thiết kế, xây dựng cơ chế, chính sách phải tham khảo ý kiến các đối tượng bị tác động và dự báo, đánh giá đầy đủ những tác động, ảnh hưởng. Vì vậy, cần tập trung đầu tư hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) bằng công nghệ số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quốc gia, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả, ổn định hệ thống, nhất là trong công tác quản lý thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước. Bộ cần tập trung hơn cho công tác quản lý nhà nước, nhất là xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát và việc cơ cấu lại, đổi mới tổ chức bộ máy cũng cần tập trung theo hướng này; tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, phát huy hơn nữa vai trò của tài chính - NSNN phục vụ phát triển đất nước. 

Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính phải cương quyết chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, "chống lobby chính sách”, chống lợi ích nhóm. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII và Kết luận 39, 74 của Bộ Chính trị. Phát huy tối đa yếu tố con người, coi đây là yếu tố mang tính quyết định, yếu tố quan trọng nhất; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung. 

Đề cập các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải nghiên cứu, thiết kế chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trên tinh thần phát huy cao nhất sự sáng tạo, tự lực, tự cường của các cấp, các ngành. Dứt khoát xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, xóa bỏ cơ chế xin - cho để mọi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự lực, tự cường phấn đấu với tinh thần cao nhất, bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích các bên và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN và tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền; phải thiết kế công cụ, cơ chế phù hợp, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát công tác quản lý thu, chi NSNN theo tinh thần đề cao trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhất là người đứng đầu. Tiếp tục đổi mới cách làm; rà soát và điều chỉnh lại việc thu thuế hiệu quả hơn; chi ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng hướng và đẩy mạnh xã hội hóa hợp lý đối với cả các lĩnh vực chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; cần tổng kết mô hình một số nơi đã làm tốt về xã hội hóa, giảm gánh nặng chi thường xuyên để nhân rộng. 

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ưu tiên nguồn lực đầu tư, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sớm rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế phù hợp thực tế của đất nước và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu việc xây dựng luật về đăng ký và quản lý tài sản; đẩy nhanh chuyển đổi số, số hóa công tác quản lý tài chính, NSNN. Thiết kế công cụ quản lý, kiểm soát nợ công phù hợp, hiệu quả. Bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng. 

Về bố trí kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm hiệu quả, rõ ràng, minh bạch, theo hướng khuyến khích tự lực, vươn lên thoát nghèo.Về phân cấp quản lý NSNN, cần nghiên cứu, có cơ chế phù hợp, hiệu quả để phát huy vai trò chủ đạo của T.Ư nhưng tạo sự linh hoạt, sáng tạo, có trách nhiệm của địa phương, cân đối thu chi ngân sách. Tập trung cho chi đầu tư phát triển nhiều hơn và giảm chi thường xuyên; còn nhiều dư địa cho tiết kiệm chi và cần đặt mục tiêu tiết kiệm chi cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện dự toán NSNN. Khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực tài chính - NSNN; chuẩn bị phương án bố trí nguồn để thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của T.Ư; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của bộ... 

* Ngày 28-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ. 

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bộ Nội vụ phải phát huy tối đa tính chủ động, tích cực sáng tạo, năng động của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Công việc của Bộ Nội vụ rất nặng nề, đụng đến bộ máy, đến con người là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Vì thế, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cầu thị, xem xét nhiều chiều, lắng nghe ý kiến trái chiều, ý kiến phản biện, trao đi đổi lại rồi mới làm. Khi đã thống nhất nhận thức thì quyết tâm chính trị phải rất cao. Nỗ lực rất lớn bởi vấn đề tổ chức, tinh gọn bộ máy sẽ đụng đến lợi ích cá nhân; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Hành động phải quyết liệt, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm.Vấn đề càng khó, càng nhạy cảm, phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, tạo đồng thuận, thống nhất cao... 

Đi vào một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII; Kết luận 74 của Bộ Chính trị và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tinh thần là phải lựa chọn mục tiêu khả thi để bố trí nguồn lực, hoàn thành trong một thời gian nhất định. 

Gợi mở tinh thần giải quyết các khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "3 không”: dứt khoát là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; khó mấy cũng phải làm, cũng phải có giải pháp xử lý. Bộ Nội vụ cần tập trung cao độ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các bộ, các ngành theo Luật Tổ chức Chính phủ. Xây dựng Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, một Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân. Phải rõ chức năng, rõ nhiệm vụ, không chồng chéo, tinh thần là một việc chỉ giao một người làm và một người làm nhiều việc. Tập trung rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của các bộ, ngành với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm cấp phó, cương quyết bỏ cấp phòng trong vụ... Khẩn trương hoàn thiện đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cương quyết giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Tập trung nghiên cứu xây dựng quy định phân cấp, phân quyền. Khắc phục các vướng mắc, bất cập về thi nâng ngạch công chức. 

Nhấn mạnh việc tinh giản bộ máy biên chế, Thủ tướng lưu ý nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; xây dựng đề án trọng dụng nhân tài trong năm 2021. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ. Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức T.Ư trong xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực; hoàn thiện chức danh tương đương trong hệ thống chính trị... 

Theo  Báo Nhân Dân

Các tin khác


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 6/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp

Sáng 6/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sébastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 5/5/2024, Cầu truyền hình đặc biệt "Dưới lá cờ quyết thắng" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tại 5 điểm cầu, trong đó sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên; 4 điểm cầu còn lại gồm: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng trường Lam Sơn (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Nhà rông Kon Klor (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Tây Ninh công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều 5.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra

Ngày 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024 để đánh giá về hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ

Sáng 3/5, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng T.Ư; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục