Dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu, ngoài việc ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của nhân dân còn gây khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) nói chung, DN tư nhân Việt Nam nói riêng.

Ðồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Toàn cảnh cuộc họp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nhiều DN đã sụt giảm lợi nhuận, phải cắt giảm lao động, thu nhập của người lao động, đình trệ SXKD, thiếu nguồn cung nguyên liệu và lao động... Trước tình hình đó, sáng 13-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, DNTN nhằm lắng nghe ý kiến để đề ra các giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết giúp các DN vượt khó trong giai đoạn này.

Ảnh hưởng nặng nề

Dịch Covid-19 đã gây ra những tác động to lớn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân (TÐKTTN). Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, chỉ tính từ cuối tháng 1 đến nay, ước tính tập đoàn thiệt hại ở mảng kinh doanh khách sạn là 100 tỷ đồng và 11 tỷ đồng kinh doanh sân gôn với 12 nghìn phòng đã bị hủy. Tổng Giám đốc Tập đoàn Sungroup Bùi Thanh Hương cho biết, hàng loạt khu nghỉ, công viên giải trí của tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu, thiệt hại dự kiến 1.200 tỷ đồng cả năm 2020.

Tỷ lệ lấp đầy phòng cho phân khúc khách sạn cấp cao chỉ khoảng 10 đến 20%. Khách từ thị trường Hàn Quốc bị giảm 100%; các thị trường khác giảm từ 60 đến 80%, trong khi thị trường trong nước sụt nghiêm trọng. Các điểm kinh doanh của Sungroup ở Quảng Ninh phải đóng cửa do lệnh đóng cửa của UBND tỉnh. Tập đoàn phải lùi tiến độ khai trương một số khách sạn; đóng cửa tạm thời một số khách sạn để bảo đảm an toàn; 30% số cán bộ, nhân viên phải bố trí nghỉ luân phiên, thu nhập và đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, Hãng hàng không Vietjet Air bị sụt giảm doanh thu từ 30 đến 50% quý I này; phải cắt giảm 30% lương của lãnh đạo; bảo đảm việc làm của người lao động nhưng phải cắt giảm giờ làm, duy trì mức lương chỉ bằng hai phần ba trước đây. Tập đoàn FLC dự kiến hết tháng 3 sẽ thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng. Hãng hàng không Bamboo Airways của FLC vừa mới mua máy bay mới, tốn chi phí lớn, lại bị thiệt hại vì phát sinh nhiều chi phí phòng dịch. Chủ tịch HÐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Ðỗ Minh Phú cho biết, hiện có 1.000 khách hàng của ngân hàng với khoảng 10 nghìn tỷ đồng vay đến hạn không trả nợ được. Còn Tổng Giám đốc Công ty Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, thị trường du lịch của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch với thiệt hại lớn. Theo ông, từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ "ngồi chờ" đón khách du lịch chứ không chủ động kết nối các hãng lữ hành, hãng vận chuyển; việc ra nước ngoài quảng bá du lịch còn quy mô nhỏ lẻ, tự phát…

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiến hành khảo sát 1.200 DN, chủ yếu là DN vừa và nhỏ, kết quả cho thấy phần lớn các DN bị sụt giảm 20 đến 50% doanh thu. Nếu sáu tháng nữa mới hết dịch thì 74% số DN được hỏi cho biết sẽ phá sản. Lo ngại hơn, 40% số DN cho biết, đối sách chỉ có thể là cắt giảm lao động.

Vươn lên trong khó khăn

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, song các TÐKTTN đều rất ủng hộ, tin tưởng vào nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19; bày tỏ trách nhiệm đồng hành cùng Chính phủ tham gia chống dịch hiệu quả bằng cách đẩy mạnh hoạt động SXKD, bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, cung ứng các hàng hóa thiết yếu cho đời sống và xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội và việc làm cho người lao động.

Ðánh giá cao các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, bà Thái Hương - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á - BacABank (người sáng lập Tập đoàn TH) cho biết, là đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng sạch như sữa, gạo, rau sạch…, TH không bị ảnh hưởng nhiều vì dịch, thậm chí còn tăng doanh số các mặt hàng bởi thị trường đang có nhu cầu lớn. Trong đợt phòng, chống dịch này, TH luôn nỗ lực bảo đảm cung ứng đầy đủ các sản phẩm cho thị trường, coi đây là trách nhiệm góp phần cùng Chính phủ bình ổn thị trường.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kiến nghị Chính phủ áp dụng tín dụng ưu đãi và cho vay các DN sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm với mức 0% để kích cầu xuất khẩu; áp dụng các gói tín dụng tiêu dùng kích cầu trong nước, để thúc đẩy SXKD. DN hoan nghênh Bộ Tài chính có phương án giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng dự kiến với thời hạn 5 tháng là rất tốt nhưng tập đoàn đề nghị nộp chậm chín tháng đến một năm; tiền thuê đất, gia hạn nộp 12 tháng so với thời gian mà Bộ Tài chính đề xuất là 5 tháng… Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong thời kỳ này vắng khách, các dự án phục vụ du lịch như khách sạn, khu vui chơi giải trí vẫn phải đạt tiến độ và phát triển để đón đầu thời kỳ phục hồi. Vì vậy, các dự án này cần được các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp giải quyết thủ tục nhanh chóng. Phó Chủ tịch BacABank, Thái Hương kiến nghị Chính phủ cần có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về nông sản, thực phẩm để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa.

Lãnh đạo Vietjet Air cho biết, hãng đang tập trung mở thị trường mới. Hãng đề xuất Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ, gói tín dụng giảm lãi suất trong vòng hai đến ba năm là cần thiết vì vòng quay vốn bị chậm lại; giảm thuế, phí bởi lĩnh vực hàng không có thuế bảo vệ môi trường tính trong giá xăng, khoảng 3.000 đồng/lít; giảm 50 đến 70% chi phí cất hạ cánh, sân đỗ… để tăng sức cạnh tranh. Chính phủ các nước cũng thường kích cầu hàng không và du lịch thành một gói đi kèm. Nhân dây, Chính phủ cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt bởi Vietjet Air thu tiền qua mạng khoảng hai tỷ USD hằng năm.

Lãnh đạo Tập đoàn Sungroup đề nghị Chính phủ có chiến dịch kích cầu du lịch trong nước và quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đẩy mạnh truyền thông Việt Nam an toàn; các địa phương áp dụng miễn giảm giá vé tham quan danh lam thắng cảnh để kích cầu du lịch. Lãnh đạo Tập đoàn FLC kiến nghị Chính phủ quan tâm, ưu đãi đối với các dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn hơn 10 nghìn tỷ đồng; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Chủ tịch HÐQT Thaco Group, Trần Bá Dương chia sẻ, vấn đề trong lúc này là tính đồng hành, chia sẻ và gắn kết giữa cộng đồng DN và chính quyền, người dân là cần thiết. Thaco vẫn đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm ô-tô mới, sản xuất và xuất khẩu nông sản. Theo ông, trong lúc này, Chính phủ cũng cần xem xét, không phải ngành nghề nào, DN nào cũng cần được hỗ trợ. Ðồng quan điểm, lãnh đạo Viettravel kiến nghị Chính phủ cần phân loại theo từng nhóm bị ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ chứ không phải rải đều. Các ngành hàng không, du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dòng tiền bị gián đoạn. Chính phủ cần coi du lịch thật sự là một ngành kinh tế mũi nhọn để có các chính sách ứng xử phù hợp. Bây giờ chính là lúc các DN cần kết nối lại với nhau để trở thành chuỗi giá trị, vượt qua khủng hoảng. Hiệp hội nghề nghiệp cần thể hiện vai trò, hỗ trợ mạnh các DN.

Ðối với FPT, tập đoàn đang triển khai các công cụ giúp DN trong thời gian dịch vẫn làm việc bình thường. Trong hoàn cảnh công việc đang giảm thì chúng ta cần tăng cường cải tiến, như là chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả DN. FPT vẫn bảo đảm việc làm cho 36 nghìn cán bộ, công nhân viên nhưng mức thu nhập ít hơn và mỗi người phải làm việc bằng hai. Tập đoàn vẫn không điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh. Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Ðăng Quang cho rằng, khủng hoảng vì dịch bệnh mới bắt đầu nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu đang sập. Ðây sẽ là cơ hội nếu chúng ta biết tận dụng. Khủng hoảng kích hoạt sự thay đổi mạnh mẽ hơn, bản lĩnh, quyết liệt hơn thì sẽ tận dụng cơ hội để thành công.

Bên cạnh các kiến nghị nêu trên, các lãnh đạo TÐKTTN cũng kiến nghị sớm sửa đổi khoản 3 Ðiều 8 của Nghị định 20/2017/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, nhất là hồi tố khoản 3 Ðiều 8 của Nghị định được tính từ năm 2017 để tạo thuận lợi cho DN có nguồn lực phục hồi...

Ðồng hành cùng DN

Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo các bộ, ngành bày tỏ sự đồng hành, chia sẻ với các TÐKTTN. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng bày tỏ, hệ thống ngân hàng luôn đồng hành cùng DN và nền kinh tế. Về hỗ trợ lãi suất, ngân hàng sẽ có những biện pháp tiếp theo; bảo đảm ổn định tỷ giá, ổn định VND; gia tăng dự trữ ngoại hối. Việt Nam hiện vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Ðây chính là yếu tố then chốt để bảo đảm ổn định vĩ mô; theo dõi chặt mọi diễn biến để có biện pháp phù hợp về lãi suất, kiểm soát lạm phát; vấn đề quan trọng là kiểm soát tốt giá thịt lợn thời gian tới. Trong bối cảnh này, các biện pháp kích cầu tiêu dùng, đầu tư công, đầu tư xã hội là then chốt. Chúng ta cần chọn một số dự án đầu tư công lớn có hiệu quả đang triển khai để hỗ trợ tín dụng. Chọn một số dự án đầu tư tư nhân để giải quyết thủ tục, giải tỏa áp lực tăng trưởng năm nay. Hệ thống ngân hàng cam kết đáp ứng thanh khoản của hệ thống ngân hàng; đáp ứng đủ nguồn vốn cho các DN. Các ngân hàng tiếp tục làm việc trực tiếp với khách hàng, đánh giá tình hình để có biện pháp phù hợp.

Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đang quyết liệt triển khai giải pháp tài khóa. Dự thảo Nghị định Chính phủ về gia hạn nộp thuế đang tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh, cuối tháng 3 hoàn thành. Theo đó, đưa ra thời hạn 5 tháng là vì trong thẩm quyền của Chính phủ, nếu dài hơn vượt thẩm quyền Chính phủ, phải trình Quốc hội. Có thể kéo dài thêm. Về vấn đề các DN kiến nghị điều chỉnh hồi tố về năm 2017 trong Nghị định 20/2017/NÐ-CP, Bộ sẽ tính toán thêm. Theo Bộ trưởng, chúng ta đang kích cầu, nguồn lực lớn là đầu tư công với hơn 600 nghìn tỷ đồng. Nếu giải ngân được hết số tiền này thì sẽ kích thích tăng trưởng mạnh mẽ.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta cần chủ động, hạn chế thiệt hại, tháo gỡ khó khăn. 97% số DN của Việt Nam là DN vừa và nhỏ, chịu tác động lớn. Bộ đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nông thủy sản xuất khẩu. Thủ tướng đã cho phép thí điểm cơ chế thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, hai tháng qua, chúng ta không những đã giải tỏa xuất khẩu các mặt hàng đang ùn ứ mà còn đạt mức tăng trưởng mạnh. Bộ đã chủ động làm việc, đánh giá toàn diện vướng mắc của DN, đó là nguồn cung cho chuỗi cung ứng dệt may, da giày…

Hiện Trung Quốc đã bắt đầu đi vào khôi phục sản xuất sau thời gian bị dịch, nhất là ngành dệt may, da giày. Chúng ta phải tính toán lại, cơ cấu lại sản xuất tốt hơn thì sẽ chiếm lĩnh thị trường. Trung Quốc cũng đang thiếu nguồn hàng và đang mở cửa nhập khẩu các sản phẩm. Ðây là cơ hội cho các DN. Bộ trưởng Công thương sẽ điện đàm sớm với lãnh đạo các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) để khôi phục hoạt động thương mại biên giới bình thường. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nếu chúng ta xây dựng giải pháp bao trùm thì sẽ "biến nguy thành cơ". Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để khi dịch hết, thế giới bùng nổ nhu cầu thì Việt Nam đáp ứng được ngay và phải quyết tâm làm được. Nếu có chính sách đồng bộ tín dụng, thuế... thì ngành nông nghiệp sẽ thuận lợi trong phát triển. Còn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, lúc này khoan sức dân, dưỡng sức dân là đúng. Ðây là cơ hội cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong SXKD. Vì vậy, Chính phủ và DN nên đầu tư nhiều và mạnh vào công nghệ số, chuyển đổi số, thay đổi cách làm việc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của lãnh đạo các TÐKTTN, sự chung tay vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các bộ, ngành và đánh giá cao các DNTN đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam, có sức "đề kháng" tốt, chủ động đề ra được chương trình hành động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh: Như "chiếc lò xo bị nén lại", bây giờ chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ của đất nước, mà trong đó, những tập đoàn, DNTN có vai trò rất quan trọng. Chính phủ có một chương trình tổng thể với các giải pháp toàn diện, giảm chi phí cho DN, kể cả giảm thuế, phí, bảo hiểm, lãi suất vay, giãn hoãn nợ… cho các DN chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Các bộ, ngành đã làm hết sức để tạo sức sống mới, thị trường mới, nhưng sự thành bại chính là các DN.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Một số Nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI

(HBĐT) - Nghị quyết về phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và một số nguồn vốn đầu tư khác Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 241/NQ-HĐND về cho ý kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư năm 2020 từ nguồn vốn dự phòng chung và khoản vốn 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia.

Nắm chắc tình hình, bảo đảm sự bình yên cho Thủ đô

Ngày 11-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đã làm việc với Công an TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019, hai tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 10 tháng còn lại của năm 2020.

Huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

(HBĐT) - Chiều 11/3, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với 1.576 đại biểu tham gia. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế và các tổ chức CT-XH.

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Đoàn ĐBQH tỉnh: Giám sát thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Sáng 11/3, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV gồm các đồng chí: Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình tại huyện Kim Bôi. Dự buổi giám sát có lãnh đạo HĐND tỉnh; một số sở, ban, ngành.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (MTTQ tỉnh) cho biết: Có 3 hình thức phản biện xã hội: Tổ chức hội nghị phản biện; gửi dự thảo văn bản được phản biện đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện. Những năm gần đây, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp được tăng cường, trở thành hoạt động thường xuyên và có tác động thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục