Rất đau buồn phải nhắc lại sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, chấn động cả nước, hy hữu trên thế giới xảy ra tại Đơn nguyên Thận nhân tạo - Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK tỉnh) ngày 29/5/2017. Quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric và Axit Clohydric (hóa chất chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép) để sục rửa các vỏ màng lọc. Quốc không sục xả hết lượng hóa chất đã dùng, để tồn dư vượt quá mức an toàn trong hệ thống nước. Khi chưa lấy mẫu nước để kiểm định tiêu chuẩn theo thỏa thuận nhưng Quốc vẫn thông báo cho cán bộ bệnh viện là đã sửa xong. Trần Văn Sơn, cán bộ BVĐK tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý sửa chữa, bảo dưỡng dù biết rõ Quốc chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng vẫn để đưa vào sử dụng. Nguyên Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế Trần Văn Thắng và nguyên Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát, nhắc nhở cấp dưới, không sâu sát trong công tác quản lý. Nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Trương Quý không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ người đứng đầu bệnh viện, buông lỏng quản lý, chỉ đạo, điều hành, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. Còn bác sĩ Hoàng Công Lương khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa đã ra y lệnh lọc máu làm 9 bệnh nhân tử vong, 10 bệnh nhân phải chuyển Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Hàng loạt gia đình thực sự sốc khi đột ngột rơi vào cảnh éo le, con mất bố mẹ, ông bà, vợ chồng lìa xa… Hơn 100 người nhà bệnh nhân đã vây kín bệnh viện, yêu cầu những người có trách nhiệm phải đối chất, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự nếu không bình tĩnh và có cách giải quyết hợp lý. Vụ việc khiến dư luận cả nước quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải trực tiếp về tỉnh cùng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ Y tế chỉ đạo, giải quyết sự cố.


Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Khánh nhận định đây là "một thảm họa, bài học xương máu, đắt giá đối với ngành Y tế tỉnh”. Hậu quả, ngoài sự ra đi đau xót của bệnh nhân, xáo trộn nhân sự, các y bác sĩ khác bị khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là khủng hoảng niềm tin của Nhân dân vào bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, vào ngành Y tế, vào những CB, ĐV có trách nhiệm. Sau đó, nhiều người không dám đến bệnh viện để khám chữa bệnh, lượng bệnh nhân sụt giảm mạnh, bệnh nhân xin chuyển tuyến tăng vọt. 117 bệnh nhân suy thận mãn có chỉ định lọc máu chu kỳ cũng phải chuyển đến các tuyến khác điều trị tiếp. Không chỉ vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong cả nước cũng bất an sau sự cố nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này. 

Khi cả BVĐK tỉnh đang tập trung sức lực khắc phục sự cố y khoa thì chính 8 cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện lại làm vấy bẩn màu áo blouse, gây bức xúc thêm dư luận khi cố tình lợi dụng kẽ hở để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế hơn 273 triệu đồng. Trong đó, có những cán bộ, đảng viên là trưởng, phó các khoa giỏi chuyên môn nhưng lại kém về đạo đức, nêu gương xấu.



Nhận định của đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế và đồng chí Nguyễn Đức Cường, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh về trách nhiệm của CB, ĐV trong vụ sự cố y khoa, trục lợi bảo hiểm y tế và gian lận điểm thi.



Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thế nhưng trong lúc vụ án về ngành Y tế chưa kịp "hạ nhiệt”, dư luận cả nước lại "nóng” lên với vụ gian lận thi cử xảy ra tại một số tỉnh năm 2018, trong có Hòa Bình. 


Lẽ ra trách nhiệm của những thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, công an phải nêu gương tốt như cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, "Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, thì họ lại đảo chiều, nêu gương ngược, gây hậu quả và hệ lụy xấu. Với những người nặng lòng với ngành như nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Thị Lợi "cảm thấy đau đớn, xót xa. Đối với người dân bình thường có con đi học cảm thấy bức xúc, thất vọng, bất bình khi 15 người là CB, ĐV được xã hội tôn trọng gọi bằng thầy cô, đồng chí lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, dùng thủ đoạn để móc ngoặc, tác động, can thiệp chỉnh sửa đáp án nâng điểm 145 bài thi của 58 thí sinh, ít nhất từ 0,2 đến 9,25 điểm/môn thi, kiếm chác tiền triệu, tiền tỉ.



Trong đó, nhiều người là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, bí thư, phó bí thư chi bộ, đứng đầu cấp phòng của Sở GD&ĐT và Công an tỉnh. Đó là: Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng Phòng Khảo thíKhương Ngọc Chất, nguyên Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ; Phùng Văn Thụ, nguyên Trưởng phòng GDTX, giáo dục chuyên nghiệpĐỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng trường PT DTNT THCS huyện Lạc Thủy... Họ đã "cướp” mất cơ hội mở cánh cửa vào đời của những học sinh khác, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, làm suy giảm và mất lòng tin rất lớn của Nhân dân vào các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung, ngành GD&ĐT nói riêng và cả cấp ủy, chính quyền. Đáng suy ngẫm là câu trả lời tại tòa của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí khiến dư luận chú ý về việc nhiều trường hợp được nâng điểm, không làm theo sẽ khó vì "ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Đằng sau đó còn là những CB, ĐV có con được nâng điểm và các lãnh đạo có trách nhiệm liên quan. Điểm đáng lưu ý nữa là từ vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 bị vỡ lở, phát hiện ra gian lận xảy ra cả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017; như vậy là vi phạm đã kéo dài.



Gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42, ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và chưa từng có trong tiền lệ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện nhằm đảm bảo gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, công bằng, chính xác, kịp thời. MTTQ đã ban hành kế hoạch giám sát ngay từ khâu lập danh sách đến quá trình chi trả. Song, vẫn xuất hiện những "con sâu” là CB, ĐV, công chức lộng quyền, không công tâm, làm sai.

Đến xã Kim Bôi (Kim Bôi) gặp bà Bùi Thị Ruổn, xóm Vó Khang ngồi trong nhà cấp 4 đơn sơ, chỉ che được nắng, khó che được mưa nghẹn lòng, ứa nước mắt khi nhìn người làng kéo nhau đi nhận tiền hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có cả gia đình bí thư chi bộ xóm Gò Cha Quách Văn Xiến được nhận 4,5 triệu đồng. Ở xóm Đồi, gia đình trưởng xóm Bùi Văn Hiệu nhà khang trang, vợ chồng và 2 con khỏe mạnh cũng trong diện được nhận tiền hỗ trợ.

Ở huyện Lạc Sơn, công chức LĐ-TB&XH xã Quý Hòa đã tự ý đưa 3 hộ vào danh sách không đúng đối tượng hộ cận nghèo để được hưởng hỗ trợ. Việc chi trả hỗ trợ không đúng đối tượng, trùng đối tượng tại xã dẫn đến phải thu hồi nộp lại ngân sách Nhà nước 94,5 triệu đồng. Đối với xã Tân Lập, Ban giảm nghèo và công chức LĐTB&XH xã đưa hộ có mức thu nhập khá vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để đề nghị được hưởng hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 và các chính sách an sinh xã hội khác. Trong khi đó, bỏ sót đối tượng thụ hưởng, chi trả trùng lắp và phải thu hồi nộp lại ngân sách Nhà nước 132 triệu đồng. Đáng nói là có cán bộ còn thách thức người phản ánh khi chưa bị cấp trên xem xét, làm tổn thương niềm tin của Nhân dân, gây bức xúc, chia rẽ trong cộng đồng. Những đồng tiền, việc làm tưởng chừng nhỏ nhưng hậu quả vô cùng lớn, gây ra những phản ứng, khiếu nại, đợt "sóng ngầm”.



Ngoài các vụ việc nổi cộm nêu trên xảy ra trên địa bàn tỉnh gây tai tiếng trong cả nước, thời gian qua còn một số vụ việc, vụ án khác liên quan đến CB, ĐV từ cấp xóm, xã, huyện đến cấp tỉnh về các lĩnh vực đất đai, đạo đức lối sống, sách nhiễu khi thi hành công vụ, vi phạm những điều đảng viên không được làm… Cán bộ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào từng vị trí việc làm là để phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Thế nhưng, một số CB, ĐV lại làm ngược, không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, gây hại cho dân, cho nước, cho tổ chức Đảng. Thực tế cho thấy, gương ngược CB, ĐV không chỉ là một cá nhân, mang tính chất đơn lẻ mà còn là một nhóm liên quan, câu kết với nhau rất nguy hại, trong đó có cả CB, ĐV là lãnh đạo các cấp. Nếu không kiên quyết, nghiêm minh răn đe, phòng ngừa lây lan từ "một số” trở thành "một bộ phận không nhỏ” suy thoái như Đảng ta đã thẳng thắn nhắc đến trong các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hậu quả sẽ lớn hơn.

Qua công tác giám sát, phản biện xã hội, nắm bắt, tổng hợp ý kiến Nhân dân, cử tri của Ủy ban MTTQ tỉnh cho thấy, người dân còn băn khoăn về tình trạng một số CB, ĐV thiếu đạo đức, trách nhiệm công vụ, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nói không đi đôi với làm, xa dân, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi; chưa phát huy được trách nhiệm người đảng viên để dân mến, dân tin, dân làm theo. Trong khi đó, các đối tượng phản động thường lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của cá nhân, một nhóm nhỏ để thổi phồng và nhìn góc phiến diện, tiêu cực, quy chụp cho cả tập thể. Do đó, vừa cần cảnh giác, sàng lọc thông tin, nhất là trên không gian mạng, vừa ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm gương xấu.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Đức Trường, Trưởng đoàn giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính tại 8 sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh (tháng 10/2020) khi kết luận đều nêu: Cán bộ lẽ ra là công bộc của dân theo lời Bác Hồ dạy thì một số người lại làm quan dân, gây khó dễ cho dân. Đề nghị kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ yếu về năng lực, phẩm chất, vi phạm khuyết điểm, ảnh hưởng đến uy tín của tập thể.


 



Minh Châu

Các tin khác


"Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững"

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và phát triển, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng trở nên mật thiết và không thể tách rời. Có thể nói, "đồng cam cộng khổ” là cách mà báo chí và doanh nghiệp cần thực hiện nhất lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển.

Hội thảo công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh

Ngày 30/5, Đảng bộ Khối Các cơ quan (CCQ) tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề "Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối CCQ tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo".

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 29/5, tại Ban Dân tộc tỉnh, đoàn giám sát do đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan, các Ban của HĐND tỉnh.

Đại hội Hội Luật gia tỉnh nhiệm kỳ 2024 – 2029

Ngày 28/5, Hội Luật gia (HLG) tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu HLG tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Dự đại hội có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch HLG Việt Nam; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 120 đại biểu đại diện cho hơn 800 hội viên toàn tỉnh.

Tiếp tục trình Quốc hội thảo luận hai phương án rút bảo hiểm một lần

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục