(HBĐT) - Hiện nay, hiện tượng vật tư nông nghiệp (VTNN) giả, kém chất lượng vẫn xảy ra ở một số địa phương với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi là mối lo ngại, lưu tâm. Vấn đề quản lý chất lượng "đầu vào” nhằm tránh gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản và ô nhiễm môi trường đang đặt ra bức thiết.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Lê Ánh, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy).

Khó trong kiểm soát VTNN trôi nổi

Theo thống kê, toàn tỉnh có 392 cơ sở sản xuất - kinh doanh (SX-KD) VTNN và nông, lâm, thủy sản, trong đó có 244 cơ sở sản xuất - kinh doanh VTNN các loại. Mạng lưới cung ứng VTNN phục vụ sản xuất nông nghiệp khá rộng khắp.

Có một thực tế là bên cạnh các cơ sở sản xuất – kinh doanh VTNN có địa chỉ, đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vẫn còn không ít trường hợp buôn bán, kinh doanh không tuân thủ quy định dẫn đến khó kiểm soát chất lượng VTNN. Các vi phạm chủ yếu như không có biển hiệu kinh doanh, nhãn hàng hóa ghi chưa đúng quy định, hàng hóa hết hạn sử dụng, các loại thuốc BVTV độc hại bày bán chung với các hàng hóa khác. Nhiều cửa hàng, đại lý không niêm yết giá công khai. Với mức xử phạt theo quy định của pháp luật còn nhẹ như hiện nay chưa đủ sức răn đe, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tuy đã bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm.


Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV (đúng cách, đúng thuốc,đúng liều lượng, đúng thời điểm) đang được nông dân huyện Lương Sơn thực hiện, giúp đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt. 

Một thực trạng không kém phần nhức nhối diễn ra ở các chợ, đặc biệt là các chợ vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế, trình độ dân trí còn hạn chế là hiện tượng các tiểu thương, hộ kinh doanh bày bán các sản phẩm hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, trôi nổi. Đáng lo ngại, các điều kiện kinh doanh của tiểu thương, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ ở các chợ, nhất là các chợ phiên không đảm bảo, thường bày bán lẫn lộn các sản phẩm phân bón, hạt giống với các hàng hóa khác, kể cả thực phẩm dẫn đến nguy cơ ngộ độc.

Theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chi cục QLTT tỉnh, do địa bàn rộng, lực lượng kiểm soát viên còn mỏng nên việc kiểm soát hàng hóa nói chung, chất lượng VTNN ở các chợ phiên chưa thường xuyên. Những hiện tượng bày bán chung VTNN với các mặt hàng khác như mì chính, nước mắm… là có thực. Cán bộ QLTT địa bàn có nhiệm vụ nhắc nhở, lưu ý để hộ kinh doanh chấn chỉnh nhưng trên thực tế hiện tượng này vẫn chưa chuyển biến nhiều. 

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan gồm Công an, phòng NN&PTNT, Kinh tế - Hạ tầng, Trồng trọt & BTVT, Chăn nuôi & Thú y, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTNN. Trong đó, tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất, gia công, hồ sơ công bố hợp quy, chất lượng, việc chấp hành các quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, việc ghi nhãn hàng hóa, trách nhiệm của bên thuê sản xuất trong kiểm tra, giám sát tại nơi nhận thuê sản xuất, kiểm tra chất lượng phân bón nơi thuê sản xuất…Qua kiểm tra 82 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 12 vụ, phạt tiền vi phạm hành chính 13 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu về quy định bảo quản, nhãn hàng hóa, niêm yết giá bán.
 
Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng VTNN
 
Để quản lý tốt chất lượng VTNN, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho rằng, giải pháp hiệu quả trước tiên là nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. 6 tháng đầu năm, Chi cục chuyên ngành, phòng NN & PTNT các huyện đã tổ chức 44 hội nghị/hội thảo/lớp tập huấn cho 1.803 lượt người, in, phát hành 29.700 tờ rơi và hàng chục chuyên mục đăng, phát trên Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh, 15 pano đặt tại các vùng sản xuất, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh treo 37 băng rôn. Ngoài ra, các thông tin về quản lý chất lượng VTNN, các quy trình sản xuất an toàn được đăng tải thường xuyên trên Website của Sở, chi cục chuyên ngành. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định đã tạo dư luận tốt góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất – kinh doanh, người tiêu dùng được trang bị kiến thức trong lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm VTNN có chất lượng, đã được kiểm soát.
 
Cùng thời gian này, Sở NN & PTNT đã chỉ đạo chi cục chuyên ngành, phòng NN & PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố kiểm tra đối với 244 lượt cơ sở kinh doanh VTNN. So với cùng kỳ năm trước, số lượng cơ sở được kiểm tra tăng 98,37%. Qua đánh giá có 71 cơ sở xếp loại A , 78 cơ sở xếp loại B. Đáng chú ý, số cơ sở vi phạm nặng (xếp loại C) có 97 cơ sở, chiếm tỷ lệ 39,75%. Các cơ sở xếp loại C đã bị xử lý bằng biện pháp lập biên bản yêu cầu chủ cơ sở tổ chức khắc phục các điều kiện chưa đảm bảo theo quy định và xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về chất lượng VTNN được tăng cường.
 
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, VTNN là hàng hóa có ý nghĩa then chốt đối với sản xuất góp phần tạo sản phẩm theo chuỗi, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên do còn nhiều cơ sở kinh doanh các loại VTNN nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động tính chất thời vụ nên công tác QLNN về mặt hàng VTNN còn hạn chế. Giải pháp đang được các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt. BCĐ 389/ĐP và các sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng và duy trì kế hoạch thường xuyên, nhất là phía chính quyền cơ sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, kiên quyết đình chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN không đủ điều kiện.
 
Năm 2017 tiếp tục là Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 6 tháng cuối năm, lực lượng chuyên ngành sẽ tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh VTNN, xử lý nghiêm các vụ việc VTNN nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTVgiả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, phổ biến các quy định về chất lượng VTNN được đẩy mạnh. Khuyến cáo người sản xuất, người tiêu dùng thận trọng khi mua các sản phẩm hàng hóa, tránh dễ dãi khi lựa chọn. Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, hãy tố giác, khiếu kiện tới các cơ sở có thẩm quyền để bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Bùi Minh

Tăng cường kiểm tra đột xuất để xử lý, chấn chỉnh

Nguyễn Hữu Tài Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm - thủy sản

Các cuộc thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp quan trọng được các ngành chức năng thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng VTNN. Quá trình thanh, kiểm tra, các đơn vị liên ngành đã phát hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng VTNN góp phần kiểm soát thị trường, hạn chế các hành vi kinh doanh gây thiệt hại cho người sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên ngành cũng lấy các mẫu sản phẩm VTNN như thuốc BVTV, phân bón kiểm định chất lượng giúp giám sát việc sử dụng hóa chất cấm, tồn dư kháng sinh và thuốc BVTV, vi sinh vật.

Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra chưa duy trì thường xuyên, liên tục, chủ yếu theo kế hoạch nên việc phát hiện các vi phạm còn hạn chế. Để phục vụ cho Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm 2017 theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT vừa thành lập đoàn thanh tra đột xuất VTNN và ATTP. Trên tinh thần đó, chúng tôi đang cùng với các lực lượng hữu quan khác gồm Sở Công Thương, Y tế, Công an tỉnh tổ chức đợt thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý dấu hiệu vi phạm, chấn chỉnh để hoạt động của các cơ sở đi vào nề nếp, ổn định thị trường.

 

Quyết liệt hơn trong xử phạt các cơ sở kinh doanh VTNN xếp loại C

Phạm Minh Tuấn Phó phòng NN & PTNT huyện Yên Thủy

 

Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN vi phạm còn cao, còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV trong trồng trọt, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong chế biến và bảo quản thực phẩm… là thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi. Trên địa bàn, việc buôn bán thuốc BVTV và thuốc thú y nhỏ lẻ khá phổ biến tại các chợ cóc, chợ phiên gây khó khăn cho công tác quản lý. Tôi cho rằng hiện nay, việc phân công quản lý Nhà nước về chất lượng VTNN đã được UBND tỉnh ban hành. Nếu được tăng cường về nguồn lực, mặt khác vai trò của địa phương cấp huyện, cấp xã được phát huy, quyết liệt trong việc thu hồi giấy phép và xử phạt hành chính các cơ sở kinh doanh VTNN xếp loại C (vi phạm nặng), chất lượng VTNN sẽ được quản lý, giám sát hiệu quả.

 

Có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn VTNN chất lượng

Đinh Thị Giang, Nông dân xóm Mon, xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn)

Hiện nay, nông dân vùng sâu, vùng xa chúng tôi còn khó khăn về kinh tế, điều kiện đi lại. Vì thế nên nhiều khi cần mua hạt giống, thuốc BVTV, phân bón thường tiện thể đi chợ và mua luôn ở đó. Nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng có lúc còn chưa chú tâm xem kỹ, thậm chí kiến thức phân biệt đâu là hàng thật - hàng giả, hàng trôi nổi cũng chưa có. Chính vì vậy, chỉ khi cây trồng chậm tăng trưởng, năng suất kém, chúng tôi mới nghi ngờ đã mua phải VTNN kém chất lượng. Mong muốn của chúng tôi là được cung cấp các kiến thức phân biệt vật tư hàng hóa nông nghiệp, các điểm cung cấp VTNN uy tín quanh vùng giúp mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, các thông tin quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm nông sản cũng rất cần đối với nhà nông.

 


 


Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục