(HBĐT) - Mấy năm nay, môi trường kinh doanh, diện mạo kinh tế của huyện Kỳ Sơn có chuyển biến rõ rệt. Nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai dự án. Nhiều dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh đang đóng góp tích cực cho chuyển dịch kinh tế bền vững trên địa bàn.


Công ty CP Sơn Thủy đóng tại xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) tích cực đóng góp cho ngân sách và giải quyết việc làm cho 200 lao động trên địa bàn. ảnh: P.V

Công ty CP Sơn Thủy, tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gỗ, là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo được sự tăng trưởng ổn định từ việc đầu tư trang thiết bị máy móc, áp dụng khoa học công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Ngoài duy trì xuất khẩu sản phẩm tại thị trường Hàn Quốc, châu âu, công ty đã liên kết sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa. Năm 2017, công ty đóng góp cho ngân sách huyện Kỳ Sơn xấp xỉ 20 tỷ đồng, thực hiện tốt chính sách đối với người lao động, duy trì thu nhập ổn định cho khoảng 200 người (ở cả hai cơ sở), thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo công ty mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền để triển khai mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất. Cùng với đó, tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng có nhiều khởi sắc, tích cực đóng góp cho ngân sách và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện như Công ty Khải Hưng, Công ty Nguyên liệu mới Khu công nghiệp (KCN) Mông Hóa)...

Huyện Kỳ Sơn nằm trong quy hoạch vùng động lực kinh tế của tỉnh, trên địa bàn có hàng chục dự án đang được triển khai. Nhờ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền cơ sở tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Hầu hết các dự án trên địa bàn không gặp trở ngại lớn; chưa có dự án không thực hiện đầu tư được do không đền bù, GPMB; không có đơn thư, khiếu nại, tố cáo phức tạp xảy ra. Đặc biệt, trong 2 năm (2015-2017, huyện đã GPMB và bàn giao mặt bằng dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình; cơ bản hoàn thành GPMB dự án sân golf Hòa Bình - Geleximco và dự án KCN Mông Hóa, đây là những dự án lớn trên địa bàn...

Cấp ủy, hính quyền huyện Kỳ Sơn đã nghiêm túc chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tạo điều kiện giúp các thành phần kinh tế phát triển. Các quy hoạch, kế hoạch, quy trình thủ tục hành chính được công khai rộng rãi. Việc gắn trách nhiệm của tổ chức cá nhân đã tạo chuyển biến về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rút ngắn so với quy định. Hoạt động thanh, kiểm tra bảo đảm không trùng lắp. Huyện đã rà soát, lựa chọn, đề xuất bổ sung các dự án ưu tiên đầu tư có tính khả thi trên địa bàn như: dự án khu du lịch Đỉnh Viên, xã Phúc Tiến; dự án khu dân cư Hải Cao, xã Hợp Thịnh; dự án san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật xóm Mỏ, xã Dân Hạ; đề xuất các dự án đưa vào danh mục đầu tư của tỉnh như: dự án Nhà máy sản xuất da giày, dự án trồng, sản xuất rau an toàn, dự án san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật xóm Đồng Sông, xã Dân Hạ…

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Nguyễn An Hà cho biết: Trên địa bàn huyện có 37 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 17,5 triệu USD và trên 12.000 tỷ đồng vào những lĩnh vực có lợi thế như công nghiệp, du lịch, trồng rừng, khai thác chế biến khoáng sản, hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có hàng chục dự án đang nghiên cứu đầu tư. Dự kiến trong tương lai khi các dự án đi vào hoạt động sẽ tạo bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế khi nằm trong quy hoạch vùng động lực kinh tế của tỉnh, huyện Kỳ Sơn đã đề xuất với tỉnh ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xử lý rác thải, môi trường và hạ tầng KCN. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn cũng như quyết liệt chỉ đạo các dự án dự cấp phép thực hiện theo tiến độ, xem xét thu hồi các dự án triển không bảo đảm tiến độ cam kết như: dự án Viện dưỡng lão Việt Nguyên, xã Hợp Thành; dự án trồng rừng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản, xã Mông Hoá, dự án trồng và chế biến cây dược liệu, xã Hợp Thành của Công ty TNHH MTV Malarica… Đốc thúc nhà đầu tư triển khai dự án hạ tầng KCN Yên Quang vì quy hoạch KCN này đã bao trọn hết trụ sở UBND xã, 2 trường học, nghĩa trang xã Yên Quang, không thể đầu tư, sửa chữa xây dựng hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng đề nghị nhà đầu tập trung thi công dứt điểm dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT, mở ra cơ hội khả thi thu hút các dự án đầu tư dọc tuyến đường.

LC

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục