(HBĐT) - Đó là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp tỉnh ta gắn kết với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2030 theo hướng hiện đại, giúp nông dân sản xuất bền vững và tăng thu nhập trên một diện tích canh tác. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nông sản thực phẩm có chất lượng cao, an toàn cho cộng đồng người tiêu dùng và không gây tổn hại tới môi trường, thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những mô hình nông nghiệp sạch tiên phong

10 năm - quãng thời gian đủ dài để nông dân thị trấn Lương Sơn, các xã: Nhuận Trạch, Cư Yên, Hòa Sơn, Tân Thành (Lương Sơn)… tiếp cận, ứng dụng và củng cố niềm tin vào một nền sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng. Từ chỗ thực hiện điểm với sự hỗ trợ, hướng dẫn của tổ chức ADDA, diện tích rau - củ - quả hữu cơ đã được mở rộng lên 27 ha, bao gồm 22 ha rau - quả và 5 ha bưởi. Lương Sơn cũng là vùng nông nghiệp tiên phong, tiêu biểu trong việc sản xuất nông sản chất lượng cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hữu cơ, VietGAP. 


HTX rau hữu cơ Thành Lập (Lương Sơn) bền bỉ canh tác theo quy trình, góp phần cung ứng nông sản an toàn thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và TP Hà Nội. 

Trong vài năm gần đây, cùng với việc xây dựng, phát triển thương hiệu, tỉnh ta đã triển khai các giải pháp ứng dụng tiến bộ KHKT để vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn ngày càng nhân rộng cả về diện tích lẫn quy mô. Từ đó, giúp tăng năng suất, giảm thiểu chi phí và đảm bảo chất lượng nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 ha cây ăn quả có múi áp dụng biện pháp tưới phun, nhỏ giọt. Biện pháp đặt bẫy pheromon phòng trừ ruồi vàng, quy trình xử lý ra hoa, đậu quả, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây cam, bưởi được áp dụng tại các vùng sản xuất lớn. Trong hơn 9.800 ha cây ăn quả có múi toàn tỉnh đã có trên 600 ha diện tích được chứng nhận hữu cơ, VietGAP, ATTP, giá trị thu nhập đạt 400 - 500 triệu đồng/ha.

Tại thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) có một mô hình tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP. Quá trình thăm quan, học tập từ tỉnh bạn cùng sự mạnh dạn, nhạy bén chuyển đổi tư duy sản xuất, công ty đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới của Isarel, tuyển dụng nhân lực đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Với hướng đi này, doanh nghiệp đã tạo được sản phẩm nông sản có chất lượng, đạt tiêu chuẩn GAP, được người tiêu dùng đánh giá cao và không đủ cung ứng cho thị trường.

Nhiều giải pháp thúc đẩy

Tỉnh ta đang rà soát quy hoạch vùng trồng trọt đã được phê duyệt và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch. Các tiến bộ KHKT được tăng cường đưa vào sản xuất, chế biến sản phẩm, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn, chuyển giao kỹ thuật làm dịch vụ cho nông hộ...

Ngoài các chính sách của T.Ư, tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đơn cử như hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất cây có múi 20 triệu đồng/ha. Hỗ trợ toàn bộ chi phí chứng nhận VietGAP với tổng kinh phí đã giải ngân từ năm 2015 đến nay đạt gần 40 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí vận chuyển nông sản với mức 1.500 đồng/tấn/km. Tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề trồng trọt theo phương pháp canh tác hữu cơ, sản xuất sạch, đảm bảo ATTP với hàng vạn lượt hộ tham gia. Bên cạnh đó, đã và đang xây dựng quyền sở hữu trí tuệ nhiều sản phẩm như: Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, rau hữu cơ Lương Sơn, rau su su VietGAP Tân Lạc, nhãn hiệu tập thể bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cam, quýt Mường Động (Kim Bôi), quýt Nam Sơn (Tân Lạc), nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi), mía tím Cao Phong, gà Lạc Sơn, Lạc Thủy, đặc sản cá, tôm sông Đà…

 

Có chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ là "chìa khóa vàng” nông sản sạch để cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc có được lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong "nếp nghĩ, cách làm” của người sản xuất, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng lựa chọn nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ. Khuyến khích phát triển hình thức hợp tác, liên kết, coi doanh nghiệp là trung tâm, HTX là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học). Ưu tiên, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, tham gia các dự án sản xuất nông nghiệp sạch hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục HTX thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, nông sản hữu cơ, điển hình như HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động (Kim Bôi), HTX Hà Phong (Cao Phong), HTX bưởi đỏ Giang Lộc (Tân Lạc)…

Tạo vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ

Xây dựng và từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ là thành quả đáng ghi nhận của nông nghiệp tỉnh ta, song hành cùng công cuộc tái cơ cấu với định hướng đúng đắn phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều liên kết "4 nhà” đã được triển khai hiệu quả, các chuỗi giá trị nông sản bền vững xuất hiện ngày càng nhiều và từng bước tạo dựng được chỗ đứng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trong đó, đáng kể với định hướng, mục tiêu phấn đấu nêu trên, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã xây dựng thành công nhiều chuỗi giá trị tiêu chuẩn VietGAP như chuỗi sản xuất và cung ứng cam an toàn xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (Cao Phong), chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm rau an toàn xã Tân Sơn (Mai Châu), chuỗi thịt lợn sạch xã Hợp Kim (Kim Bôi), cá sông Đà (TP Hòa Bình). Các chuỗi giá trị vận hành và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển thương hiệu cho các đặc sản nông sản của tỉnh. Sở Công Thương trong năm 2017 đã xây dựng chuỗi giá trị bưởi đỏ Tân Lạc, hỗ trợ HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc tại xã Tử Nê (Tân Lạc) về máy móc, thiết bị bảo quản, sơ chế sau thu hoạch và tem nhãn, bao bì sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trường ngoại tỉnh. Nhờ đó, bưởi đỏ Tân Lạc ngày càng khẳng định thương hiệu, khả năng tiêu thụ tốt trên thị trường.

Nhiều chuỗi giá trị liên kết "4 nhà” cũng được tổ chức thực hiện ở hầu hết các địa phương như chuỗi cam VietGAP ở huyện Cao Phong, bưởi VietGAP ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lương Sơn, chuỗi rau, ớt xuất khẩu ở huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, trồng rau an toàn ở huyện Đà Bắc, TP Hòa Bình… Qua thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 800 ha được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ… với hơn 20 cơ sở được chứng nhận. Trong đó, tiêu thụ qua hợp đồng giữa các công ty, HTX, trang trại với các doanh nghiệp, siêu thị chiếm khoảng 18% sản lượng; qua hệ thống các tư thương hợp tác với nông dân chiếm gần 60%; qua kênh bán lẻ trực tiếp từ các nhà vườn chiếm 20%; qua các điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, hội chợ chiếm khoảng 2 - 3%.

Với định hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh ta đang đón cơ hội lớn mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Trước đây, thị trường tiêu thụ chủ yếu tập trung tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận thì từ năm 2016, sản phẩm nông nghiệp đã tiến vào các tỉnh phía Nam, một phần được xuất sang Campuchia. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh gợi mở: Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đã và đang tạo ra những dấu ấn và khởi sắc về một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Tỉnh ta đã rà soát, xác định được các vùng và khu sản xuất trồng trọt ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ để mời gọi đầu tư với 24 vùng và khu sản xuất trồng trọt tại 11 huyện, thành phố, quy mô trên 1.250 ha. Tập trung tối đa nguồn lực nâng cao diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, GAP cũng như tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương cấp mã số vùng trồng, quản lý các đối tượng kiểm dịch thực vật, đáp ứng các yêu cầu về ATTP. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực, đưa các sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ, đảm bảo ATTP vào thị trường xuất khẩu.

                                                                                                    Bùi Minh

 


Các tin khác


Vùng cam Cao Phong hân hoan đón Tết

(HBĐT) - Dường như cũng hân hoan đón Tết như con người, những vùng cam bạt ngàn trải khắp huyện Cao Phong đang đồng loạt khoác lên mình tấm áo tươi mới mà mùa xuân ban tặng. Sức sống căng tràn khắp nơi. Trên những nẻo đường uốn quanh đồi cam ngập nắng, nếu hít thật sâu sẽ cảm nhận hơi thở ấm áp của đất trời, báo hiệu một năm mới an yên, hạnh phúc.

Kho bạc Nhà nước tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2019

(HBĐT) - Ngày 29/1, Kho bạc Nhà nước tỉnh (KBNN) tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả hoạt động 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Huyện Yên Thủy: Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 100%

(HBĐT) - Năm 2018, trên địa bàn huyện Yên Thủy có 79 công trình đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, gồm 56 công trình chuyển tiếp, 23 công trình khởi công mới với tổng mức đầu tư 566,68 tỷ đồng.

Cao Phong đón mùa mía ngọt

(HBĐT) - Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề, nông dân ở vùng mía tím Cao Phong đang đón niềm vui được mùa mía ngọt. Những chiếc xe tải nối nhau chở những thùng mía đầy tiêu thụ khắp nẻo ngược, xuôi. Mía tím không những được giá mà gần như đã được đặt hết, dự báo thời tiết thuận lợi sẽ bán hết trước khi đón Tết.

Đổi thay từ những con đường vùng cao ở huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao xã Lũng Vân ngày cuối năm đông vui, nhộn nhịp. Đây là trung tâm của 5 xã vùng cao huyện Tân Lạc nên mỗi phiên chợ, bà con từ các nẻo đường tấp nập đổ về. Sắp xếp lại hàng hoá chuẩn bị cho buổi chợ, chị Bùi Thị Nga ở xã Bắc Sơn vui chuyện: "Trước kia, các xã trên này toàn đường đất, đi lại khó khăn, vất vả lắm. Bây giờ có đường nhựa, mọi người đi làm bằng xe máy, không phải đi bộ nữa. Đi chợ hay lên nương cứ thẳng đường mà đi thôi. Cũng nhờ con đường mà nhiều gia đình ở xóm tôi đã thoát nghèo do bán được hàng hóa làm ra.

Huyện Lạc Sơn: Huy động các nguồn vốn tín dụng trên 754 tỉ đồng

(HBĐT) - Năm 2018, các ngân hàng trên địa bàn huyện Lạc Sơn tích cực huy động các nguồn vốn, mở rộng tín dụng theo hướng đáp ứng có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương; triển khai, tổ chức thực hiện các giải pháp về lãi suất, tín dụng, giảm nợ xấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục