(HBĐT) - Những tháng đầu năm 2019, chúng tôi đi khắp các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm và thực sự thấy ấn tượng với không khí lao động, sản xuất đầy hứng khởi của người dân địa phương. Dù cấy lúa hay trồng màu, dù chăn nuôi hay đầu tư vào lâm nghiệp, công việc có khác nhau, nhưng tất cả đều tập trung hết mình và tin tưởng vào những giá trị đang hướng tới. Theo khẳng định của đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT: Chính ý thức của người dân đã tạo ra những khởi sắc đáng mừng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Từ đó, tạo ra nhiều thay đổi lớn trong đời sống KT - XH của các vùng nông thôn.


Chiếm trên 60% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt đang phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được sản xuất thành vùng hàng hóa tập trung như: cam, quýt, bưởi, thanh long... Ảnh: Cán bộ Sở NN&PTNT và huyện Kim Bôi thăm mô hình trồng thanh long tại xã Kim Bình (Kim Bôi).

Thay đổi bắt đầu từ ý thức của người dân – điều này được bản thân ông Chu Văn Đương, Trưởng xóm Đông Hà, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) hiểu hơn bất cứ ai trong xóm. Bởi, ông là người đầu tiên đã thay đổi từ ý thức đến hành động rồi thuyết phục được nhiều người khác làm theo trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích vườn tạp. Từ năm 2013, ông Đương đã tiên phong chuyển đổi gần 1 ha vườn tạp của gia đình để trồng cây cam, quýt. Trong 2 niên vụ gần đây, diện tích này đều đặn mang về cho gia đình ông nguồn thu trên 200 triệu đồng. Học theo ông, cả xóm Đông Hà đến nay đã có trên 60 ha cam, quýt, dần bỏ hết vườn tạp để trồng một số loại cây có giá trị gia tăng cao như cam, quýt, bưởi, rau, đậu thực phẩm…

Ông Chu Văn Đương tâm sự: "Chính hiệu quả kinh tế là sự thuyết phục lớn nhất để người dân thay đổi từ ý thức đến hành động, quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sử dụng đất cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp”.

Không chỉ xóm Đông Hà, nhiều nơi trên địa bàn huyện Kim Bôi cũng có nhiều khởi sắc làm tươi sáng hơn bức tranh kinh tế nông nghiệp. Với quyết tâm hướng tới những giá trị cao hơn, bền vững hơn, người dân đã thay đổi tư duy, cách làm để nâng cao hiệu quả sản xuất trong các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến lâm nghiệp, thủy sản. Riêng đối với lĩnh vực trồng trọt – vốn được xác định là chủ lực của kinh tế nông nghiệp huyện Kim Bôi, các xã, thị trấn tích cực triển khai Đề án Cải tạo vườn tạp, coi đây là động lực cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt của địa phương. Được biết, năm 2018, sản xuất nông nghiệp của huyện không những phát triển ổn định mà còn đạt giá trị tăng thêm 23,4%/năm, tăng gấp 5 lần mục tiêu đề ra, chiếm trên 32% cơ cấu kinh tế. Trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng mạnh với mức 22,8%, giá trị sản xuất trung bình đạt 138,2 triệu đồng/ha/năm, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Nhìn rộng ra phạm vi toàn tỉnh. Những khởi sắc trong phát triển nông nghiệp được thể hiện rõ nét qua kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 của ngành NN&PTNT. Vượt qua nhiều thách thức, ngành NN&PTNT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất. Kết quả là đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đi vào cuộc sống. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 5,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (3,76%). Giá trị sản xuất hiện hành đạt 15.767 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá so sánh đạt 10.441 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,5%, vượt 1,6% kế hoạch. Độ che phủ rừng đạt 51,1%, vượt 2,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 63 xã đạt chuẩn NTM, vượt 2 lần so chỉ tiêu giao. Đặc biệt, vừa qua, TP Hòa Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng NTM, thể hiện quyết tâm vượt bậc của toàn tỉnh khi thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành NN&PTNT.

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Phát huy thành quả đạt được trong năm 2018, những tháng đầu năm 2019 tiếp tục ghi nhận những khởi sắc đáng mừng trong phát triển nông nghiệp, tạo một bức tranh sinh động và tươi sáng về đời sống KT - XH của các vùng quê Hòa Bình. Có thể nói, những khởi sắc hiện nay đều được bắt đầu từ ý thức của người dân với vai trò là chủ thể trung tâm cũng như mục tiêu cuối cùng của sự phát triển. Chính vì thế, trong các giai đoạn tiếp theo, ngành NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của người dân và tin tưởng rằng với sự đồng thuận cao, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM sẽ tiếp tục đạt nhiều giá trị bền vững.

Thu Trang


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục