(HBĐT) - Theo Nghị quyết (NQ) của Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 tỉnh Hòa Bình, tổng diện tích đất trồng lúa của tỉnh là 27.122 ha. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh còn 30.988 ha đất trồng lúa các loại.


Cán bộ UBND xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) rà soát quy hoạch các loại đất trên địa bàn.

Dự án thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất - "vênh nhau" giữa nhu cầu và khả năng thực hiện

Theo báo cáo của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh, việc thực hiện các dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 58, Điều 61, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 tại các NQ của HĐND tỉnh đã được ban hành, các dự án đầu tư có sử dụng đất được tổng hợp phù hợp với tiêu chí sử dụng đất trong Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Hòa Bình, được Chính phủ phê duyệt theo NQ số 96/NQ - CP. Tính từ năm 2016 đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 966 dự án có thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất là 1.478,85 ha. Tuy nhiên, tính đến nay mới thực hiện được 81/966 dự án, với diện tích 120,86/1.478,85 ha thực hiện thu hồi, chuyển mục đất, đạt tỷ lệ 8,17%. Theo thống kê của Sở TN&MT, có nhiều huyện trong 4 năm từ 2016 - 2020, mới chỉ thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 1 dự án như: Huyện Đà Bắc, Kim Bôi. Cá biệt có huyện Yên Thủy chưa triển khai được dự án nào. Đặc biệt, hiện nay có 57 dự án chuyển mục đích sử dụng đất đã quá 3 năm chưa thực hiện đã chuyển tiếp tại NQ số 276/NQ - HĐND ngày 23/7/2020 của HĐND tỉnh với diện tích thực hiện là 152,41 ha. Có 48 dự án chưa chuyển tiếp đối với NQ số 77/NQ - HĐND ngày 8/12/2017 với diện tích là 51,25 ha. Đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đã quá 3 năm chưa thực hiện theo các NQ của HĐND tỉnh là 339 dự án, với diện tích 437,6 ha. Đánh giá về tiến độ thực hiện các dự án có thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng: Các dự án có thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hiện nay tương đối lớn, tuy nhiên, việc thực hiện mới đạt tỷ lệ thấp. Đây là bất cập, khó khăn của tỉnh nhưng cũng là của nhiều tỉnh, thành phố hiện nay. Các dự án chậm triển khai có những dự án từ nguồn ngân sách Nhà nước không đảm bảo thực hiện và các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án về nhà ở thương mại.


Quản lý và bảo vệ diện tích đất trồng lúa là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Ảnh chụp tại xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc).

Phân tích về những nguyên nhân tình trạng nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thực hiện chậm và thấp, báo cáo của ngành TN&MT cho rằng: Có nhiều dự án từ nguồn ngân sách chậm thực hiện chủ yếu do thiếu nguồn vốn, vì vậy có nhiều dự án đủ căn cứ pháp lý để tổng hợp, trình duyệt nhưng không đủ nguồn vốn để đầu tư. Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nguyên nhân chính là việc thẩm định năng lực của nhà đầu tư. Rất nhiều dự án được triển khai, nhà đầu tư không đủ năng lực để triển khai thực hiện. Ngoài ra, những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa. Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Bạch Công Ban, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi chia sẻ: Có nhiều dự án khi triển khai xin thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích lớn, trong đó có cả đất lúa nhưng thực tế năng lực đầu tư kém, không có khả năng tài chính để thực hiện giải phóng mặt bằng và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thành ra có sự "vênh nhau" giữa nhu cầu và khả năng nguồn lực tài chính nên kết quả thực hiện dự án đạt tỷ lệ thấp.

Thiếu sự phối hợp triển khai thực hiện và hậu kiểm

Tuy nhiên, hiện nay, một trong những vấn đề nổi cộm trong việc quản lý các dự án có thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa là việc quản lý dự án và thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất. Thực tế, việc tổng hợp số liệu giữa ngành TN&MT và UBND các huyện, thành phố trong việc theo dõi, quản lý các dự án thu hồi, chuyển mục đích đất trồng lúa hiện nay cũng đã có sự "vênh nhau" đáng kể. Mặt khác, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Theo đồng chí Trần Thị Kim Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tại hội nghị giám sát của HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong thực hiện quản lý, sử dụng đất lúa cho thấy, sự phối hợp giữa ngành TN&MT, Tài chính với ngành Thuế trong việc thực hiện các thủ tục tài chính đối với chuyển mục đích sử dụng đất lúa hiện nay còn bất cập. Cụ thể, đồng chí Xuân cho biết: Theo quy định, để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thì Sở TN&MT phải có công văn đề nghị xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, Sở Tài chính sẽ thẩm định, xác định số tiền cần nộp. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua, công tác phối hợp để thực hiện tài chính về đất vẫn còn những vướng mắc. Vì vậy, đến thời điểm này còn nhiều dự án đã chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Ngoài những bất cập trong công tác quản lý, đồng chí Hoàng Đức Chính, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) cho rằng: Ngoài các quy định của Nhà nước, tỉnh chưa có chính sách gì để bảo vệ đất lúa. Thực tế khá phổ biến hiện nay là có nhiều dự án lấy đất lúa là chính. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư khi vào tỉnh có lập dự án đầu tư, liên quan đến đất lúa chuyển đổi việc chuyển mục đích sử dụng này luôn luôn được tạo điều kiện bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà không có việc điều chỉnh dự án khi vướng vào đất trồng lúa. Chính vì không tôn trọng quy hoạch nên việc quản lý đất nói chung và đất lúa hiện nay rất bất cập, manh mún. Mặt khác, các cơ quan chức năng thực tế không đi thẩm tra, thẩm định các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi trình HĐND tỉnh. Chính vì vậy, nhiều dự án khi được thông qua đã bị biến tướng, tạo cơ hội hợp thức hóa việc tự ý san lấp, tạo mặt bằng, xây dựng nhà trái phép, sử dụng đất sai mục đích trước đây.

Đâu là giải pháp?

Để nâng cao công tác quản lý, thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất thực hiện dự án đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa theo NQ của Chính phủ, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát trình tự thủ tục, quy định cụ thể về căn cứ pháp lý, điều kiện để đưa một dự án vào danh mục các dự án cần thu hồi đất, danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng khi HĐND tỉnh thông qua. Đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện các NQ của HĐND tỉnh về danh mục các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đối với các dự án quá 3 năm không thực hiện, đã được gia hạn nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện để đưa ra khỏi NQ HĐND tỉnh tại các kỳ họp theo quy định của pháp luật. Thẩm định các dự án đưa vào danh mục dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo sát với nhu cầu thực tế, có tính khả thi cao. "UBND tỉnh hiện đang xây dựng quy chế thu hút đầu tư đối với tỉnh Hòa Bình, trong đó sẽ có những quy định cụ thể về việc thẩm định năng lực của các nhà đầu tư như việc doanh nghiệp phải đặt cọc trước kinh phí giải phóng mặt bằng, hoặc những doanh nghiệp muốn gia hạn cũng phải có thỏa thuận đặt cọc vốn để khẳng định năng lực của nhà đầu tư. Cùng với nhiều giải pháp khác sẽ lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực, có trách nhiệm và tâm huyết để triển khai dự án. UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố nghiêm túc, chủ động phối hợp với các chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về đất đai, nhất là thủ tục về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp; việc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các hộ gia đình để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu cụm công nghiệp; kiểm tra đề xuất các dự án chậm triển khai, sử dụng đất kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường để điều chỉnh tiến độ, quy mô đầu tư hoặc chấm dứt đầu tư xử lý tài sản trên đất, thu hồi đất để quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật" - đồng chíQuách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

NQ số 134/2016/QH13 nhấn mạnh: "Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được. Thực tế tại tỉnh ta, dư địa đất trồng lúa có thể chuyển đổi hiện nay vẫn còn. Tuy nhiên, bài toán chính ở đây là làm sao quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, trong đó có đất trồng lúa để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, để mỗi "tấc đất" thực sự là "tấc vàng".

Đinh Hòa


Nhóm ý kiến:


Kiên quyết chưa xem xét chuyển đổi vào đất lúa khi vẫn còn đất loại khác ở vùng khác

Hiện nay, có nhiều dự án lấy vào đất với diện tích lớn nhưng lại chậm triển khai tiến độ. Để bảo vệ đất trồng lúa, tỉnh ta cần phải xem xét lại công tác phối hợp giữa UBND tỉnh, sở, ngành và các huyện trong việc triển khai, quản lý các dự án có thu hồi đất, trong đó có đất trồng lúa. Đặc biệt là công tác kiểm tra tình hình chuyển đổi mục đích đất lúa hiện nay như thế nào? Cơ quan nào, ngành nào chịu trách nhiệm chính, chịu đến đâu, sự phối hợp giữa ngành chức năng với các huyện, thành phố ra sao? Tôi cũng đề nghị về việc bảo vệ đất lúa cần kiên quyết chưa xem xét chuyển đổi vào đất lúa khi vẫn còn đất khác ở vùng khác. Rà soát, lập quy hoạch về việc sử dụng đất lúa, cắm mốc diện tích đất lúa.

 

Nguyễn Hữu Chương

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh


Quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với các hộ gia đình

Hiện nay, qua quá trình giám sát, khảo sát tại một số huyện, thành phố, chúng tôi thấy có một thực tế là rất nhiều hộ đã tự ý san lấp đất lúa, đất lúa một vụ thành đất vườn, thậm chí xây dựng nhà ở, công trình mà chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý đất nói chung và đất lúa nói riêng, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, những hành động này vẫn diễn ra thường xuyên gây bức xúc trong dư luận. Vậy thiết nghĩ, ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương cần có những giải pháp để xử lý và chấm dứt tình trạng này. Điều này cũng cho thấy, người dân và ngay cả chính quyền địa phương ở cơ sở không hiểu đúng luật pháp về quản lý đất đai, hoặc coi thường pháp luật. Vì vậy, đề nghị ngành chức năng cần làm rõ vấn đề này trong công tác quản lý đất nói chung, đất lúa nói riêng.

 

Phạm Thanh Bình

Phó Ban Kinh tế - ngân sách (HĐND tỉnh)



Cần thẩm định dự án, xác định rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư

Là đơn vị nhiều dự án, lấy nhiều diện tích đất, hiện, huyện Lương Sơn có 34 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa đang thực hiện. Nguyên nhân là do năng lực của các chủ đầu tư có vấn đề, chậm triển khai, như dự án Nhà ở cao cấp dầu khí, hơn 70 ha, dự án từ năm 2009, đến 2019 mới bắt tay vào triển khai. Có nhiều dự án đã nhiều lần đề nghị thu hồi nhưng chưa thu hồi được. Chưa thực sự kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai. Giải pháp đưa ra là cần xác định rõ năng lực tài chính của các nhà đầu tư, nguồn vốn rõ ràng. Chậm thực hiện phải kiên quyết thu hồi.


Nguyễn Anh Đức

Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục