Thời gian qua, tuy ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTÐ) miền trung vẫn được duy trì và có bước phục hồi đáng kể. Từ bức tranh kinh tế ảm đạm, nay đã có những điểm sáng và đạt tăng trưởng dương.
Từ đầu năm đến nay, Doosan Vina (Quảng Ngãi) xuất khẩu hơn 18.000 tấn sản phẩm đến nhiều quốc gia. Ảnh: HIỀN CỪ
Vùng KTTÐ miền trung, trải dài ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Ðịnh. Ðây là vùng kinh tế lớn thứ ba tại Việt Nam; có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, là vùng động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực miền trung và Tây Nguyên phát triển cùng với hai đầu đất nước. Thế nhưng, trong năm 2020, tác động của đại dịch đã làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ; hàng loạt DN, cơ sở hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ ở Huế, Ðà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn… phải đóng cửa trong thời gian dài. Hoạt động kinh tế trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề và kết thúc năm tài chính với mức tăng trưởng âm (-1,02%). Trong đó, ngành dịch vụ, du lịch bị tụt dốc nghiêm trọng, với mức tăng trưởng -2,65%…
Bước sang năm 2021, các tỉnh, thành phố Vùng KTTÐ miền trung vẫn kiên trì với mục tiêu kép; gắn công tác phòng, chống dịch Covid-19 với duy trì sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN đã thực hiện phương châm: "hai tại chỗ", "ba tại chỗ" để tiếp tục sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải (THACO) Nguyễn Quang Bảo cho biết, dịch bệnh tái bùng phát đã làm cho hoạt động sản xuất của công ty cũng như nhiều DN ở Quảng Nam gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch đề ra, nhất là để bảo đảm đời sống và an toàn sức khỏe hơn 9 nghìn công nhân, THACO luôn tăng cường công tác phòng, chống dịch trong các nhà máy tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Ngoài việc thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, THACO Chu Lai luôn quan tâm bố trí lao động hợp lý, thường xuyên theo dõi tình hình dịch trong tỉnh và các địa phương lân cận để có phương án xử lý kịp thời. Khi dịch bùng phát tại Quảng Ngãi lần thứ tư, công ty đã tổ chức đưa người lao động đang cư trú tại tỉnh Quảng Ngãi ra tạm trú tại tỉnh Quảng Nam để vừa tránh dịch, vừa tham gia sản xuất. Nhờ vậy, giá trị sản xuất tăng đáng kể; trong tám tháng đầu năm 2021, công ty sản xuất gần 58.600 xe các loại (tăng 40,7 % so với cùng kỳ năm 2020); nộp ngân sách nhà nước hơn 12.870 tỷ đồng (gấp hai lần so với cùng kỳ), trong đó, nộp tại tỉnh Quảng Nam hơn 9.900 tỷ đồng.
Cơ sở chế biến của Công ty cổ phần Thủy sản Bình Ðịnh. Ảnh: CÁT HÙNG
Cũng như nhiều DN tại Vùng KTTÐ miền trung, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) luôn đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu. Ngoài việc thực hiện nghiêm 5K, chủ động test nhanh Covid-19 định kỳ, công ty còn bố trí cho 1.500 cán bộ, kỹ sư và công nhân (trên tổng số gần 12.000 lao động) ăn, ở và làm việc ngay tại nhà máy. Nhờ đó, tám tháng qua, sản lượng thép thô của công ty cao gấp hai lần so cùng kỳ 2020; thép xây dựng thành phẩm tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina), ông Jeong Young Chil chia sẻ, nhờ sự quyết tâm đồng lòng và kiên quyết chung tay đẩy lùi dịch bệnh mà chuỗi hoạt động sản xuất của Doosan Vina vẫn diễn ra bình thường. Từ đầu năm đến nay, Doosan Vina đã xuất hơn 18.000 tấn sản phẩm đến các quốc gia Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, góp phần nâng cao sản lượng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Qua thực hiện nhiệm vụ kép, những tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh tế của các địa phương trong vùng đã phục hồi đáng kể. Bên cạnh sản xuất, các hoạt động xuất, nhập khẩu tại một số địa phương đã đạt những kết quả khá ấn tượng. Năm 2020, TP Ðà Nẵng bị thiệt hại nặng bởi dịch Covid-19; các chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, làm cho kinh tế Ðà Nẵng bị sụt giảm. Bước vào năm 2021, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục kinh tế. Ðiểm sáng kinh tế của Ðà Nẵng trong những tháng đầu năm là hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tám tháng đầu năm 2021, ước đạt 1.154,3 triệu USD (tăng 20,3% so cùng kỳ) và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 875,1 triệu USD (tăng 15% so cùng kỳ năm 2020).
Tại tỉnh Bình Ðịnh, dù ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được phục hồi và phát triển. Giám đốc Sở Công thương Bình Ðịnh Ngô Văn Tổng thông tin, trong sáu tháng đầu năm 2021, GRDP của tỉnh tăng trưởng 6,1%, đứng thứ hai trong vùng (sau Quảng Nam) và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,38% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 59,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 873,1 triệu USD (tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2020). Trong đó, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: sản phẩm từ chất dẻo (tăng 87%); sản phẩm gỗ (tăng 46,1%), hàng thủy sản (tăng 42,2%)... Tổng thu ngân sách nhà nước trong tám tháng hơn 8.670 tỷ đồng, đạt 82,2% dự toán năm (tăng 36,2% so cùng kỳ); trong đó, thu nội địa 4.429 tỷ đồng, đạt 85% dự toán năm (tăng 30,5% so cùng kỳ); thu hoạt động xuất, nhập khẩu 808 tỷ đồng, đạt 102,3% dự toán năm (tăng 127,4% so với cùng kỳ).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh cho hay, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân và DN, Quảng Ngãi cơ bản thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Trong tám tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng gần 9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.221 triệu USD (tăng 41,6% so với cùng kỳ). Tổng thu ngân sách ước đạt 13.131 tỷ đồng (tăng 30,8% so với cùng kỳ); trong đó, thu nội địa ước đạt 8.096 tỷ đồng, đạt 62% dự toán năm (tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2020). Quảng Ngãi đã thu hút 85 nghìn tỷ đồng đầu tư lĩnh vực công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh bộc bạch, từ đầu năm 2021 đến nay, bức tranh kinh tế Quảng Nam có nhiều khởi sắc. Trong sáu tháng đầu năm, GRDP tăng 11,7%; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2020. Quảng Nam là một trong chín địa phương của cả nước có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, đứng thứ 5 trên cả nước và cao nhất trong Vùng KTTÐ miền trung về tốc độ tăng trưởng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tính đến cuối tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 14.131 tỷ đồng, đạt 73% dự toán năm 2021 (tăng 54% cùng kỳ); trong đó, thu nội địa 12.448 tỷ đồng, đạt 78% dự toán và tăng 61% cùng kỳ năm 2020.
Dù đạt những kết quả đáng kể như vậy, nhưng nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế của các địa phương trong Vùng KTTÐ miền trung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Những tháng gần đây, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến hàng loạt DN, cơ sở sản xuất trong vùng tiếp tục rơi vào khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Hơn nữa, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; dẫn đến nguồn thu tại các địa phương trong hai tháng gần đây sụt giảm, lao động thiếu việc làm và không có nguồn thu nhập.
Các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để khôi phục nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ðể làm được điều này, ngoài việc tiếp tục thực hiện 5K, nâng tỷ lệ tiêm vắc-xin cho công nhân, người lao động, các địa phương trong vùng tiếp tục thắt chặt liên kết, sớm có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm tạo ra "luồng xanh" trong vận chuyển hàng hóa; cung ứng vật tư, nguyên liệu… bảo đảm nhu cầu sản xuất. Trước hết, các địa phương trong vùng tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép; triển khai kịp thời các gói hỗ trợ của Chính phủ và sớm có chính sách hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là chuẩn bị các phương án khôi phục lại hoạt động du lịch, dịch vụ khi dịch bệnh lắng xuống…
Theo Báo Nhân Dân
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, kể từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.
UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP với cơ chế đặc thù…
(HBĐT) - Đến thời điểm này, huyện Lạc Thủy có 4 sản phẩm chủ lực được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, có 1 nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy”; 3 nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), gồm "Na Lạc Thủy”, "Dê Lạc Thủy” và "Gà Lạc Thủy”. Việc sử dụng nhãn hiệu bảo hộ góp phần xác định thương hiệu, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị nông sản. Đa số các sản phẩm sau khi bảo hộ, giá bán tăng, thị trường mở rộng, thuận lợi trong việc đàm phán, tiếp thị, cung ứng cho các siêu thị, trung tâm thương mại.
Chỉ còn 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong tổng số 75.000 doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp đã "kiệt sức” không thể khôi phục sản xuất nếu không được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Sau hơn một tháng ra mắt, trang web kết nối cung - cầu (htx.cooplink.com.vn) của Tổ Công tác 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hơn 1.400 đơn vị đăng ký và truy cập thường xuyên, kết nối tiêu thụ thành công khối lượng lớn hàng hóa mỗi ngày cho các tỉnh, thành phố phía nam.
(HBĐT) - Ngày 12/9, tại huyện Cao Phong, Bưu điện tỉnh tổ chức hội thảo tiêu thụ cam Cao Phong. Tham gia hội thảo có lãnh đạo UBND huyện Cao Phong và các hộ sản xuất, HTX kinh doanh cam trên địa bàn.