(HBĐT) - Sau hơn 1 năm thực hiện, cuộc Tổng điều tra kinh tế (TĐTKT) và điều tra cơ sở hành chính (ĐTCSHC) năm 2021 trên toàn tỉnh được đánh giá thành công tốt đẹp. Những kết quả thống kê có tính chất rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong thời gian tới.


Điều tra viên thu thập thông tin tại doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Bo (Kim Bôi).

Báo cáo của Ban Chỉ đạo TĐTKT - ĐTCSHC năm 2021 tỉnh cho thấy, quá trình tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc tổng điều tra (TĐT) diễn ra trong bối cảnh yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin, tính kịp thời của thông tin thống kê; thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động quản lý, tạo thuận lợi cho chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên dữ liệu hành chính. Nhìn chung, công tác chỉ đạo thực hiện, tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên, tập huấn, tuyên truyền và thu thập thông tin được thực hiện đồng bộ, bài bản. 

Theo đồng chí Trần Văn Thạch, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, xác định vai trò quan trọng của đợt TĐT, Cục Thống kê tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cuộc TĐT theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của tỉnh. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực các cấp; tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên các cấp; lập bảng kê các đơn vị điều tra; tập huấn nghiệp vụ; tiến hành thu thập thông tin; kiểm tra, làm sạch và xác minh thông tin... Về triển khai thực hiện, đơn vị điều tra trong TĐTKT năm 2021 bao gồm 4 loại: Doanh nghiệp, hợp tác xã; cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) cá thể; đơn vị sự nghiệp (ĐVSN), hiệp hội và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng (TG, TN).

Kết quả cho thấy, đối với số lượng cơ sở và lao động trong các cơ sở kinh tế (CSKT), cùng với xu hướng chung của cả nước trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, số lượng cơ sở và lao động trong các CSKT có xu hướng tăng lên, riêng đơn vị sự nghiệp và hiệp hội giảm cả về số cơ sở và số lao động.

Tổng số CSKT năm 2020 là 37.374 đơn vị, tăng 3,29% so với năm 2016 (tăng 1.190 đơn vị), bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 0,81%/năm, thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước 1,09 điểm %/năm. Tổng số lao động trong các CSKT năm 2020 là 128.753 người, tăng 3,88% so với năm 2016 (tăng 4.806 người), bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 0,95%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước 0,25 điểm %/năm. 

Các CSKT, cơ sở cá thể và doanh nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu, lần lượt là 92,3% và 5,1%, tỷ lệ này tương đương với mức chung cả nước. Cùng với số cơ sở, lao động do doanh nghiệp và cơ sở cá thể thu hút cũng chiếm tỷ trọng chủ yếu, chiếm 77,9% tổng số lao động; doanh nghiệp chiếm 5,1% số lượng, nhưng thu hút tới 39,2% số lao động.

Phân bố CSKT, lao động theo địa bàn hành chính và khu vực kinh tế, số CSKT năm 2020 của tỉnh chiếm 7,04% tổng số đơn vị điều tra của vùng trung du và miền núi phía Bắc, thấp hơn trung bình của vùng 1,34 điểm %; số lao động 128.753 người, chiếm 6,2% tổng số lao động của vùng và thấp hơn trung bình của vùng 13,1 điểm %. Theo địa giới hành chính, số lượng CSKT tập trung cao ở TP Hoà Bình, huyện Lạc Sơn và Lương Sơn; TP Hoà Bình chiếm 27%, Lạc Sơn chiếm 13,1%, Lương Sơn 12,2%.

Đối với cơ sở SXKD cá thể, năm 2020 toàn tỉnh có 34.514 cơ sở, tăng 4,11% so với năm 2016 (tăng 1.362 cơ sở); số lao động tham gia cơ sở SXKD cá thể là 49.775 lao động, tăng 4,62% so với năm 2016 (tăng 2.197 lao động). Bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm số cơ sở tăng 1,01%, số lao động tăng 1,13%. Hoạt động kinh doanh của lĩnh vực cá thể đóng góp giá trị đáng kể vào tình hình kinh tế chung của tỉnh.

Doanh thu bình quân 1 cơ sở trên địa bàn tỉnh là 340,8 triệu đồng, doanh thu bình quân 1 cơ sở TP Hòa Bình 469,4 triệu đồng; huyện Lạc Thủy 384,4 triệu đồng/cơ sở; huyện Lương Sơn 371,9 triệu đồng/cơ sở. Mật độ cơ sở kinh doanh cá thể tập trung đông ở khu vực thành thị, khu đông dân cư thuận lợi cho việc kinh doanh phát triển.

Đối với ĐVSN, hiệp hội, số lượng ĐVSN là 634 đơn vị, giảm 41,62% (giảm 452 đơn vị); số lao động là 26.152 người, giảm 8,5% (giảm 2.428 người), bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng ĐVSN giảm 12,59%, số lượng lao động giảm 2,2%. Theo đánh giá, có sự sụt giảm cả về số lượng đơn vị và số lao động so với năm 2016 là do thực hiện chính sách sắp xếp, tinh gọn bộ máy/biên chế thời gian qua và thay đổi phạm vi thu thập thông tin so với TĐT năm 2017. Lao động bình quân trong các ĐVSN lại có biến động tăng mạnh so với năm 2016, cụ thể: Lao động bình quân trên 1 đơn vị sự nghiệp là 41 người, tăng 15 người so với kỳ TĐT trước.

Số lượng đơn vị hiệp hội trên địa bàn tỉnh là 111 đơn vị, tăng 33,73% so với năm 2016 (tăng 28 đơn vị); số lượng lao động là 951 người, tăng 634 người. Lao động bình quân trên 1 đơn vị hiệp hội năm 2020 là 8,6 người, tăng 4,2 người so với năm 2016...

Cũng theo đồng chí Trần Văn Thạch, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, kết quả sơ bộ cuộc TĐTKT năm 2021 cho thấy có xu hướng phát triển tích cực, phù hợp với chủ trương, định hướng quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh theo ngành nghề, loại hình kinh tế và phát huy thế mạnh từng địa phương đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Nổi bật     nhất là đã thể hiện ngày càng rõ nét khu vực sản xuất công nghiệp tập trung với các khu công nghiệp đi vào hoạt động tại TP Hoà Bình và huyện Lương Sơn, kết quả sản xuất đóng góp lớn vào ngành công nghiệp toàn tỉnh...

Hồng Trung

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục