Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù môi trường toàn cầu có nhiều thách thức như xung đột Nga - Ukraine dự báo sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi. Dự kiến, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.


Quang cảnh lễ công bố. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chiều 8/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8 năm 2022 với tựa đề "Giáo dục để tăng trưởng”.

Báo cáo đề cập tới những diễn biến mới nhất của nền kinh tế Việt Nam, đưa ra những dự báo về triển vọng ngắn hạn và trung hạn của nền kinh tế; cũng như những nhận định về rủi ro nội tại và bên ngoài liên quan đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, WB dự kiến, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023

Xuyên suốt báo cáo này, nội dung "Giáo dục để tăng trưởng" được đặc biệt nhấn mạnh, các chuyên gia WB cũng tập trung trả lời câu hỏi Việt Nam cần những chuyển đổi gì trong giáo dục đại học để tạo ra lực lương lao động có kỹ năng và trình độ giúp Việt Nam chuyển đổi thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Bà Carolyn  Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ghi nhận rằng, môi trường kinh tế toàn cầu đang trở nên thách thức hơn sau hai năm khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Các cú sốc kinh tế mới đang làm gia tăng bất định và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể như cuộc chiến của Nga và Ukraine dự báo sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia và dấy lên nỗi ám ảnh về lạm phát tại các quốc gia phát triển, dẫn đến điều kiện huy động vốn thắt chặt trên các thị trường tài chính toàn cầu hay việc kiểm soát sự lây lan biến thể Omicron của COVID-19 tại Trung Quốc khiến cho triển vọng tăng trưởng yếu đi và làm gián đoạn các chuỗi giá trị toàn cầu... , khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 hiện được dự báo chỉ đạt 2,9%. 

Mặc dù môi trường toàn cầu có nhiều thách thức, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi căn cứ theo những tín hiệu có cơ sở đã được dự báo từ trước. Dự kiến, GDP sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, khi các hoạt động kinh tế tiếp tục quay lại trạng thái bình thường.

Phân tích sâu hơn về báo cáo, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhận định, bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi. Sau đợt giãn cách xã  hội nghiêm ngặt và GDP sụt giảm mạnh vào quý  III/2021, nền kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại từ  mùa thu năm 2021 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao tạo điều kiện cho quốc gia mở cửa lại. Đến cuối tháng 12/2021, khoảng 80% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ, các biện pháp hạn chế đi lại dần được gỡ bỏ. Nhờ vậy, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng với tốc độ 5,2% trong quý IV/2021,  5,1% trong quý I/2022 và 7,7% trong quý II/2022. 

Mặc dù quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng, nhưng chưa đầy đủ và đồng đều, khi tổng sản lượng vẫn thấp hơn xu hướng thời kỳ trước  khi có COVID-19 đến 3,8%; đặc biệt, các ngành dịch vụ mới chỉ đang phục hồi. Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ hướng chuyển từ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa vào nhu cầu trong nước, từ khu vực chế tạo chế biến sang khu vực dịch vụ. Quá trình phục hồi của khu vực dịch vụ - đến nay vẫn đi sau - dự kiến sẽ được đẩy mạnh do người tiêu dùng trong nước tăng chi tiêu để thỏa mãi các nhu cầu bị dồn nén và số lượt khách du lịch quốc tế phục hồi.

Ngược lại, sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ chững lại do sức cầu bên ngoài yếu đi. Lạm phát được dự báo sẽ tăng đến 4% vào năm 2023, trước khi chững lại còn 3,3% trong năm 2024, khi các cú sốc về cung tiêu tan. Về kinh tế đối ngoại, tài khoản vãng lai dự kiến quay lại mức thặng dư nhỏ (0,2 - 0,6% GDP) trong trung hạn nhờ xuất khẩu hàng hóa vẫn đứng vững, du lịch quốc tế phục hồi và nguồn kiều hối dồi dào. 

Để nền kinh tế Việt Nam duy trì được triển vọng tích cực trước sự gia tăng của rất nhiều rủi ro hiện hữu như giá cả hàng hóa thế giới, nhất là giá năng lượng đẩy nguy cơ lạm phát lên cao, các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tài chính khi chính sách tiền tệ tiếp tục có được nới lỏng và chính sách tài khóa lại đi theo hướng thu hẹp trong 6 tháng đầu năm 2022..., các cấp có thẩm quyền phải chủ động có những biện pháp và chính sách để cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ nhằm củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang phát sinh.

Bởi lẽ, trong điều kiện quá trình phục hồi trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Cho dù Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện nhưng thách thức nằm ở những yếu kém trong triển khai. Cách xử lý những ách tắc về thể chế đến nay vẫn khiến cho chương trình đầu tư công liên tục không đạt kế hoạch để làm cho chính sách tài khóa trở nên hiệu quả hơn. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung thực hiện đầy đủ Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thông qua việc đẩy mạnh triển khai các dự án. Chương trình phục hồi dự kiến đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ số, để giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu là hướng đi không chỉ giúp các hộ nghèo và dễ tổn thương chống đơ lại tác động của các cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng; mà còn hạn chế được tác động đến tiêu dùng tư nhân hiệu quả hơn so với phương án cắt giảm thuế bảo vệ  môi trường và dự kiến cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu theo cách không có mục tiêu như hiện nay.

Báo cáo của WB cũng ghi nhận, trước những rủi ro về lạm phát gia tăng đòi hỏi phải có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và rủi ro tài chính phát sinh cũng cần được chủ động quản lý để nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần tăng cường chiều sâu những cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, giúp cho nền kinh tế phát triển bao trùm hơn với khả năng chống chịu cao hơn. 

Cải cách tài khóa cần tập trung vào ổn định huy động thu thông qua cải cách chính sách thuế và nâng cao hiệu suất chi tiêu nhằm mở rộng dư địa tài khóa để chi cho các mục tiêu xã hội, khí hậu và các mục tiêu phát triển khác của Việt Nam. Khuyến khích tăng đầu tư công và đầu tư tư nhân cho thích ứng khí hậu, bao gồm tại các khu vực quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long là cách để giúp nền kinh tế Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu.

Song song với đó là chính sách hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam - bao gồm phát triển năng lượng tái tạo và định giá carbon, qua đó cũng có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường về công nghệ và sản phẩm xanh đang phát triển. Mặc dù những nỗ lực nhằm tăng cường môi trường kinh doanh là cần thiết để tạo việc làm, nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng nên tiến hành các bước nhằm giảm chênh lệch về kỹ năng và cải thiện chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục