(HBĐT) - Các công trình, dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xác định được điều đó, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước dự kiến khởi công trong năm 2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm dẫn đến khó triển khai dự án theo đúng tiến độ.


Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Bôi rà soát việc kiểm đếm bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường liên kết vùng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 dự án đầu tư công và 6 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách Nhà nước thuộc danh mục các dự án trọng điểm năm 2022. Trong đó, 5 dự án đầu tư công gồm: đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn từ km19 - km53 địa bàn tỉnh; mở rộng đường cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách T.Ư; đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ (nay là phường Dân Chủ) kết nối quốc lộ 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn đi Xuân Mai (Hà Nội) giai đoạn 1.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, với quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm đầu tư vốn ngân sách. Tập trung trọng tâm thực hiện dự án đường liên kết vùng đoạn qua huyện Kim Bôi; đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đi phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6 và đường thị trấn Lương Sơn đi Xuân Mai (giai đoạn 1). Theo ghi nhận tại các huyện, thành phố, công tác GPMB còn nhiều vướng mắc, làm kéo dài tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Khó khăn chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trễ hẹn… làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.

Cụ thể, dự án đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (Sơn La) đoạn qua huyện Kim Bôi đi qua 5 xã, quy mô diện tích khoảng 84,3 ha. Dự kiến tuyến đường khởi công xây dựng trong tháng 9. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa bàn giao được đất sạch cho đơn vị thi công. Trao đổi về tiến độ triển khai dự án, đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Hiện nay, huyện đã hoàn thành việc kiểm đếm và đang thực hiện các bước GPMB. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện cho thấy, có 12 hộ dân xã Vĩnh Tiến, 6 hộ xã Đú Sáng và 35 hộ xã Vĩnh Đồng thuộc diện thu hồi đất phải thực hiện tái định cư tập trung. Việc xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ còn chậm. Vì vậy, để gấp rút hoàn thành công tác GPMB, các sở, ngành cần khẩn trương thẩm định giá đất để thực hiện bồi thường cho các hộ dân thuôc diện thu hồi đất.

Đối với tuyến đường kết nối thị trấn Lương Sơn đi Xuân Mai giai đoạn 1, hiện huyện đã GPMB, tạo đất sạch được 6,8 ha, đang triển khai kiểm đếm 10 ha giai đoạn 2. Đơn vị xây lắp triển khai dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị khởi công. Tuy nhiên, tuyến đường đi qua nhiều vị trí nhà cửa kiên cố của người dân, đất đai có nhiều biến động, nhiều hộ đang xây dựng nhà cửa kiên cố trên đất nông nghiệp, trồng cây cối, hoa màu trong phạm vi GPMB của dự án, một số khu đất chưa được quy chủ. Vì vậy, công tác GPMB vẫn là bài toán nan giải. Trong bối cảnh đó, tổng số hộ dân phải tái định cư dự án là 27 hộ, nhưng hiện chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, đây cũng là những khó khăn dẫn đến nguy cơ dự án kéo dài tiến độ.

Là một trong những công trình trọng điểm có ý nghĩa không nhỏ kết nối trung tâm TP Hoà Bình với quốc lộ 6, dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đi phường Dân Chủ đến quốc lộ 6 đang được UBND TP Hoà Bình phối hợp tiến hành GPMB. Đến thời điểm này, thành phố mới bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công hơn 8/21,78 ha, đang thực hiện kiểm đếm đối với các hộ thuộc địa phận phường Dân Chủ, đồng thời tiếp tục xây dựng phương án tái định cư đối với các hộ thuộc diện thu hồi đất.

Ngoài ra, dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn từ km19 - km53 địa bàn tỉnh) và dự án đầu tư mở rộng cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cũng đang được các sở, ngành phối hợp các địa phương tiếp tục hoàn thành thủ tục đầu tư để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Đánh giá về các dự án trọng điểm và một số dự án đầu tư công trên địa bàn, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: So với kế hoạch đã đề ra, tiến độ GPMB các dự án trọng điểm hiện vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các dự án trọng điểm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục rà soát lại các dự án, công trình trọng điểm, làm rõ khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ phù hợp.


Đinh Hòa

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục