Kết quả của tăng trưởng kinh tế được đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, đầu tư công sẽ tạo đà vững chắc cho phục hồi và phát triển KT-XH sau ảnh hưởng nặng nề, chưa có trong tiền lệ của đại dịch Covid-19. Do đó, đẩy mạnh giải ngân VĐTC, nhất là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với tăng tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng.


Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6 (TP Hoà Bình) đang được khẩn trương thi công, phấn đấu giải ngân theo kế hoạch.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư có nhiều biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân VĐTC. Với phương diện của tỉnh, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh giải ngân VĐTC năm 2023 được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chú trọng, chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Đặc biệt là việc phân bổ chi tiết kế hoạch VĐTC được tỉnh thực hiện chủ động, kịp thời ngay khi có quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo theo đúng nguyên tắc, trình tự, quy định. Định kỳ Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức họp với các sở, ngành, địa phương để đôn đốc công việc, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án... Tuy nhiên, kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch VĐTC của tỉnh còn thấp, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, cũng như 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án ODA.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 10.090,9 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua 10.220 tỷ đồng; đến đầu tháng 9 đã phân bổ, giao chi tiết đến từng dự án. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 1.653,3 tỷ đồng, mới đạt 16% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và số kế hoạch vốn đã được giao chi tiết cho các dự án. Ước đến hết năm 2023, thực hiện giải ngân cũng chỉ đạt 34% kế hoạch vốn giao. Đây là kết quả rất thấp so với những năm qua. Giải ngân VĐTC đạt thấp là một trong những nguyên nhân kéo giảm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước chỉ đạt 0,38%, không đạt kế hoạch đề ra.

Các nguyên nhân chủ quan, khách quan đã được các cấp, các ngành chỉ ra tại nhiều cuộc họp. Đáng nói có những nguyên nhân khách quan khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và giải ngân VĐTC nói riêng đạt thấp, đó là: Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc công việc của lãnh đạo tại một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả, có lúc, có nơi chưa chủ động, quyết liệt, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương, chủ đầu tư chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, chưa rõ trách nhiệm và hiệu quả chưa cao… Cũng có ý kiến đánh giá, năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và sự chưa toàn diện về cơ chế, chính sách trong việc lập kế hoạch, thực hiện đầu tư công gây khó khăn cho giải ngân… Như vậy, để thúc đẩy tiến độ giải ngân VĐTC rất cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành.

Giải ngân 100% VĐTC được coi là đòn bẩy giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo. Do vậy, nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ này, có ý kiến cho rằng các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các khó khăn, nhất là vướng mắc trong công tác GPMB cần được tháo gỡ kịp thời. Phân cấp cần được đẩy mạnh, cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đặc biệt, để đảm bảo đẩy mạnh và phấn đấu giải ngân VĐTC năm 2023 đạt kết quả cao nhất, tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch VĐTC đến ngày 31/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nguồn lực, nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình theo tiến độ hợp đồng đã ký kết. Thực hiện nghiệm thu đối với những khối lượng hoàn thành theo quy định, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không để dồn thanh toán đến cuối năm. Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong việc GPMB dự án.

Đối với những dự án phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định… Với các dự án sử dụng nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đảm bảo giải ngân 100% số vốn. Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp bị cắt, điều chuyển vốn về T.Ư. Rà soát, đề xuất điều chuyển vốn các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch đã được giao cho các dự án có khả năng tốt hơn…

Bình Giang

Các tin khác


Việt Nam tăng cường quảng bá sản phẩm dệt may tại Ấn Độ

Trung tâm xúc tiến và Tổ chức hội chợ Worldex dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Dệt may Ấn Độ đã tổ chức Hội chợ dệt may Nam Á 2023 (Intex South Asia) tại Trung tâm triển lãm IICC, thủ đô New Delhi, Ấn Độ từ ngày 7-9/12.

Đối thoại chính sách phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp 

Ngày 7/12, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách phát triển hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp năm 2023. Tham dự có đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, GTVT, LĐ-TB&XH, Cục Thuế tỉnh, Ban Dân tộc... và các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư ngoại

Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia khác nhờ nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công. Đây cũng là lý do Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại.

Thi công sôi động trên các công trình giao thông trọng điểm

Sau gần 6 tháng khởi công, 2 dự án giao thông trọng điểm lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An đang được các nhà thầu chia làm nhiều mũi hối hả thi công, với 3 ca 4 kíp làm xuyên đêm để kịp tiến độ đề ra.

Niềm vui vào vụ thu hoạch bưởi đỏ Tân Lạc

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi có dịp về thăm vùng bưởi đỏ Tân Lạc vào thời điểm thu hoạch rộ. Đến các vườn bưởi chỉ nghe bà con nói chuyện tiêu thụ sản phẩm. Câu chuyện được nói nhiều nhất là lô bưởi đỏ Tân Lạc của huyện vừa được thu hoạch, chuẩn bị xuất khẩu.

Đông Nam Bộ "rộng cửa" đón nhà đầu tư FDI

Các tỉnh, thành phố ở Đông Nam Bộ luôn có sức hấp dẫn lớn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục