Tết nguyên đán là thời điểm "vàng” để các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và người nông dân đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nông sản ra thị trường với chất lượng cao, giá cả hợp lý.


Xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu (Sơn La) chăm sóc rau.

Chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh kết nối

Những ngày cuối tháng Chạp, bà con nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) tập trung chăm sóc các ruộng rau để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.

Tại HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quí (xã Đan Phượng), từ tháng 10/2023, HTX đã chỉ đạo các thành viên xuống giống gieo trồng nhiều loại rau, củ; tập trung chủ yếu vào các loại rau vụ đông như rau cải, su hào, súp lơ, cà chua.

Hiện HTX Cuối Quí có hơn 20 nhân công đảm nhận tất cả các khâu: Chăm bón, thu hoạch, đóng gói... cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị Cuối, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quí cho biết: Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất rau phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, HTX đã chủ động được kế hoạch sản xuất phù hợp với đa dạng chủng loại rau, trong đó mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp…

Năm nay, thời tiết vụ đông thuận lợi, cộng với phần lớn diện tích trồng rau được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho nên các loại rau màu phát triển tốt. Dự kiến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, HTX sẽ cung ứng ra thị trường 2-3 tấn rau, củ, quả/ngày.

Còn tại cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu là một trong số ít HTX đầu tư hệ thống sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm nông sản tại địa phương, không khí vụ Tết cũng rất sôi động.

Với 21 ha trồng cây ăn quả gồm mận, bơ, cam... có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: Mận sấy dẻo, chuối sấy, xoài sấy, hồng sấy, đu đủ sấy, nước cốt chanh leo... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Đại diện HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu - ông Phạm Văn Quyết cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết, HTX đã tăng cường công suất sản xuất lên 3 đến 5 tấn hoa quả tươi/ngày. Các loại hoa quả sấy dẻo cũng được đơn vị đóng gói một cách đa dạng với trọng lượng khác nhau từ 150-500g/gói/hộp, tương ứng với giá bán 150.000-300.000 đồng/hộp tùy trọng lượng” giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa cho biết: Thị trường nông sản dịp Tết là thời cơ quan trọng để người nông dân Mộc Châu tăng thu nhập. Nhờ ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và chủ động liên kết tiêu thụ nông sản, hiệu quả kinh tế của người dân địa phương đã tăng lên đáng kể.

Đa dạng kênh bán hàng

Giám đốc HTX Chè sạch Đạt Phát (Thái Nguyên) Nguyễn Thành Thơm chia sẻ: Ngay từ thời điểm đầu tháng 10, đã có nhiều đơn vị đặt hàng mua các sản phẩm phân khúc cao cấp làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán với khối lượng khoảng hơn 2 tấn. Mặc dù sản lượng chè giảm nhiều (bằng khoảng 60% so với vụ trước đó), nhưng chất lượng chè được bảo đảm cho nên về cơ bản các thành viên HTX vẫn có thu nhập.

Vùng chè nguyên liệu của HTX có khoảng 26 ha, 100% diện tích được chứng nhận VietGAP, với 4 sản phẩm OCOP, tất cả đều được công nhận 4 sao. Để đẩy mạnh xúc tiến hàng hóa, HTX đã chủ động tham gia nhiều kỳ hội chợ thương mại, triển lãm, mở rộng cơ hội hợp tác.

Ngoài các thị trường quen thuộc tại các tỉnh phía bắc, năm nay, HTX có thêm thị trường tiêu thụ mới: Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh...

Nâng cao năng suất, đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ nông sản, cũng là lựa chọn của các HTX Nông nghiệp tỉnh Cao Bằng.

Giám đốc HTX nông sản Tân Việt Á (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình) Trần Văn Hiếu cho biết: Năm 2023, HTX đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên 7.000m² và đầu tư thêm hệ thống máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất.

Chỉ riêng năm 2023, HTX sản xuất khoảng 100 tấn miến dong. Những tháng cận Tết, số lượng đơn hàng đã tăng gấp 3 đến 5 lần so với thời điểm trước đó (từ 2-3 tấn/tháng lên 6 tấn/tháng). Để bảo đảm đơn hàng, nguồn hàng, HTX huy động thêm 6 lao động thời vụ, nâng tổng số lao động lên 16 người cho đợt cao điểm giáp Tết.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nông Thanh Mẫn: Dịp Tết không chỉ là cơ hội để HTX tăng doanh thu mà còn là cơ hội để quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Nhiều HTX của Cao Bằng đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản trên các nền tảng số, tham gia các hội chợ thương mại, kết nối với các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch để tiếp cận thị trường.

Ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước, để tạo đà cho thị trường Tết, các sản phẩm OCOP liên tục được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, website và các mạng xã hội như: Zalo, TikTok, Facebook... Nhờ đó, các sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và chọn mua.

Nhiều cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn cả nước cũng đã chủ động nhập nông sản từ các địa phương để cung cấp cho người tiêu dùng.

Tại Thủ đô, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ tháng 9/2023, Sở đã chủ động theo sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25%, tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023.

Trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%. Một số doanh nghiệp còn chủ động dự trữ hàng hóa cao hơn mức mà Sở Công thương và thành phố Hà Nội giao để sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp, các tình huống dịch bệnh... có thể xảy ra.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La Đỗ Thị Bích Châu cho biết: Sản lượng hàng hóa năm nay ước tính tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm Tết, do thời tiết năm nay thuận lợi đã tạo điều kiện cho vật nuôi, cây trồng phát triển tốt, do vậy nguồn cung dồi dào, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục