Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.


Mô hình trồng dưa của anh Hà Văn Thái, xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu) cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.

Giờ đây có lẽ người dân huyện Mai Châu ai cũng biết đến thương hiệu dưa hấu Mai Hạ. Dưa hấu bén duyên với vùng đất này từ lâu, với đặc trưng quả to, ruột đỏ, vị ngọt hơn so với dưa ở các vùng khác nên được tư thương nhiều nơi tới thu mua. Anh Hà Văn Thái ở xóm Chiềng Hạ là một trong những hộ đầu tiên của xóm đưa giống dưa hấu về trồng tại địa phương, anh cho biết: Gia đình tôi trồng dưa cách đây hơn 10 năm. Trước đó, gia đình đã trồng nhiều loại cây, tuy nhiên không đem lại hiệu quả. Sau khi mang giống dưa này về trồng, tôi nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở nơi đây rất phù hợp để trồng dưa và có thể phát triển thành hàng hóa, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, vì vậy gia đình đã tập trung đầu tư trồng dưa. Đến nay, diện tích dưa của gia đình đạt hơn 2.000 m2. giá bán dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, đầu vụ giá bán tốt hơn khoảng 15.000 đồng/kg. Nhờ vậy đem lại cho gia đình nguồn thu khoảng 120 triệu đồng/năm.

Nhận thấy lợi nhuận cao từ trồng dưa hấu, nhiều hộ trong và ngoài xóm Chiềng Hạ đã tận dụng diện tích đất canh tác để chuyển sang trồng dưa. Mặc dù trồng dưa khá vất vả, tuy nhiên lợi nhuận thu lại so với trồng lúa cho hiệu quả cao gấp 2 đến 3 lần. Nhờ phát triển diện tích trồng dưa hấu mà cuộc sống của nhiều gia đình ở xã Mai Hạ khấm khá hơn. Nhiều hộ xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các thiết bị phục vụ sinh hoạt. Anh Hà Văn Thái chia sẻ thêm: Dưa hấu Mai Hạ đã trở thành thương hiệu. Tại xóm Chiềng Hạ, nhà trồng ít cũng có vài trăm mét vuông, nhà trồng nhiều thì lên đến vài nghìn mét vuông. Dưa ở đây gần như được trồng quanh năm. Thường bà con sau khi ra Tết sẽ bắt đầu trồng, được khoảng 3 tháng thì cho thu hoạch, xong lại tiếp tục trồng vụ mới. Một năm có thể trồng từ 3 - 4 vụ, nhưng ra Tết vẫn là vụ chính vì thời điểm đó nhu cầu thị trường cao, dưa lại được giá nên bà con tập trung sản xuất nhiều để cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Ông Vì Văn Phao ở xóm Lầu chia sẻ: Cây dưa hấu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Mai Hạ. Tuy nhiên, để có được những quả dưa to, vỏ bóng, ruột đỏ và ngọt thì kỹ thuật chăm sóc là yếu tố quan trọng cần phải có. Ngay từ khâu làm đất cũng cần phải cẩn thận. Đất trồng dưa phải để ải, sau đó lên luống cao để tránh trường hợp dưa bị úng. Ngoài ra còn phụ thuộc thời tiết và khí hậu theo từng năm, vì vậy phải thường xuyên chú ý dự báo thời tiết và thay đổi cách chăm sóc theo mùa vụ để cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Từ đó dưa mới đạt chất lượng và có giá bán cao. 

Đồng chí Vì Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hạ cho biết: Hiện nay, sản phẩm dưa hấu Mai Hạ đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có quét mã vạch cũng như tem kiểm định chất lượng sản phẩm. Để dưa hấu Mai Hạ có mặt tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch trên cả nước, đòi hỏi người trồng dưa phải nghiêm túc tuân thủ đúng quy hoạch, quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, phải xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi và liên kết sản xuất bền vững. Từ đó giúp người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.


Hoàng Dương


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục