Nông dân các tỉnh ĐBSCL bước vào vụ tôm mới trong tâm trạng phấn chấn bởi giá nguyên liệu đang ở mức cao. Tuy nhiên, các ngành chức năng lại tỏ ra lo ngại tình trạng hộ nuôi tôm ùn ùn thả giống sớm, ngoài quy hoạch, trong khi thời tiết năm nay diễn biến thất thường sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tràn lan gây thiệt hại trên diện rộng.

  • Lợi bất cập hại

Tại ĐBSCL giá tôm nguyên liệu đang tăng ở mức cao chưa từng thấy, tăng 20.000- 40.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm tăng đã cuốn hút thương lái “săn lùng” ráo riết, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… tiếc hùi hụi vì không còn tôm để bán.

Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang tăng cao nhưng nguồn tôm khan hiếm

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau, cho biết: “Không chỉ tôm trong nước tăng mà giá tôm thế giới cũng nhích lên theo chiều hướng có lợi cho nhà xuất khẩu”. Theo ông Thuận, tình hình xuất khẩu đang thuận lợi nhưng doanh nghiệp không dám ký hợp đồng bởi nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Hiện 32 nhà máy thủy sản ở Cà Mau chỉ hoạt động khoảng 40%- 50% công suất. Các tỉnh khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều nhà máy tổ chức hệ thống thu mua đến tận cơ sở, tuy nhiên,  lượng tôm đem về rất ít. 

Giá tôm cao chót vót đã khiến nhiều hộ nuôi ở ĐBSCL tranh nhau thả giống. Do nóng vội, một số nơi bà con mua giống kém chất lượng, thả sớm, không đúng thời vụ… dẫn đến thiệt hại không nhỏ.

Tại xã Tân Chánh (Cần Đước, Long An) tình hình tôm chết đầu vụ đang ở mức báo động đỏ. Trong 900ha diện tích thả giống, số lượng tôm chết lên đến 80%. Ông Nguyễn Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã thừa nhận chưa bao giờ tôm bị chết nhiều và chết nhanh như năm nay. Đa số tôm thả được 1 tháng tuổi là nhiễm bệnh và chết tràn lan, dù người nuôi điều trị mọi cách vẫn không cứu được, ước thiệt hại lên đến 5 tỷ đồng. 

Ông Võ Hồng Ngoãn, “kiện tướng” nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, nói: “Nghề nuôi tôm giống như đánh bạc, may nhờ rủi chịu. Nếu vào đợt thu hoạch gặp giá cao thì có lời, ngược lại giá rớt sẽ lỗ trắng tay. Ngay cả sự phân chia lợi nhuận của ngành này hiện không đồng đều. Theo đó các cơ sở sản xuất giống là người hưởng lợi đầu tiên, kế đó là nhà sản xuất thức ăn, rồi đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; trong khi người nuôi trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng lợi nhuận thu về không nhiều - còn gặp rủi ro thì… lãnh đủ”.

Tại Sóc Trăng, nhiều hộ thả giống sớm đã phải ôm hận vì tôm chết không cứu được. Tại Trà Vinh,  trong 535 triệu con tôm sú thả nuôi đầu vụ đã có hơn 100 triệu con bị chết. Thiệt hại nặng nhất là ở 4 huyện vùng trọng điểm nuôi tôm (Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Châu Thành). Tại Cà Mau, các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời và Cái Nước đã có gần 7ha tôm bị bệnh đốm trắng. Sở NN-PTNT tỉnh đã xuất gần 1.800kg chlorine để giúp người dân xử lý nhằm ngăn chặn khả năng tái phát trên diện rộng.

Tại Bạc Liêu, khoảng 6.000 ha tôm thuộc các huyện Phước Long, Giá Rai… bị thiệt hại do nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch cao, thiếu nước gây ra. Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu, cho biết tỉnh đã thông báo lịch thời vụ năm 2010 bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6. Tuy nhiên, do tôm được giá nên không ít hộ tự ý “xé rào” thả sớm đã dẫn đến thiệt hại.

  • Cung - cầu chưa gặp nhau 

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm đang là mặt hàng rất triển vọng của ngành thủy sản. Năm 2009, xuất khẩu thủy sản bị âm nhưng mặt hàng tôm vẫn có mặt trên 82 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó tôm sú đóng vai trò chủ lực chiếm gần 80% giá trị xuất khẩu.

Ngoài các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ… năm 2010 này xuất khẩu tôm sẽ đẩy mạnh vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… Chỉ riêng tôm sú, dự kiến sẽ mang về không dưới 1,4 tỷ USD. VASEP cho rằng, đầu ra của con tôm đang rất triển vọng, thị trường ngày càng mở rộng, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phát triển bền vững ngành này vẫn gặp nhiều trở ngại.

Cụ thể, thời vụ nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, hệ thống thủy lợi yếu kém, dịch bệnh vẫn tràn lan, vùng nguyên liệu không ổn định, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi lỏng lẻo dẫn đến giá cả lên xuống thất thường.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, bức xúc khi đến nay doanh nghiệp và người nuôi chưa thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, quan hệ cung- cầu chưa thể gặp nhau. Nguyên nhân là do các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL thuộc dạng nhỏ lẻ, manh mún, diện tích nuôi quảng canh quá nhiều, thu hoạch không tập trung nên rất khó thu mua.

Tháo gỡ việc này, cần qui hoạch lại vùng nuôi tập trung quy mô lớn theo mô hình công nghiệp. Có thể quy tụ người nuôi vào hợp tác xã hay tổ hợp tác để dễ đầu tư về thủy lợi, giống, chăm sóc, thu hoạch… Hướng ra là vậy nhưng do thiếu vốn và nhiều nguyên nhân khác nên mọi chuyện cứ giẫm chân tại chỗ.

Chủ tịch VASEP, ông Trần Thiện Hải cho rằng, do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung nên các doanh nghiệp “chữa cháy” bằng cách liên kết với 10 hoặc 20 hộ nuôi có năng lực để hình thành vùng nuôi rộng hàng trăm ha. Doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường. Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Theo cách làm trên giữa doanh nghiệp và người nuôi có thể thống nhất phương thức nuôi rải vụ để có tôm thu hoạch quanh năm, tránh tình trạng “tới mùa- rớt giá”, gây thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời khắc phục cảnh thiếu tôm nguyên liệu trầm kha trong nhiều năm qua

 

                                                                            Theo SGGP

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục