HTX Thương mại Phương Liệt, xã Cao Dương (Lương Sơn) phát triển nuôi thủy sản hàng hóa.
(HBĐT) - Với điều kiện địa lý, tự nhiên đặc thù, tỉnh có nhiềm tiềm năng để phát triển nuôi các loại cá đặc sản- hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho các hộ chăn nuôi. Cùng với các giống cá truyền thống như: trôi, chép, trắm cỏ…, tỉnh còn có nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao như: lăng, dầm xanh, anh vũ... được ưa chuộng trên thị trường.
Đến nay, xã Phúc Sạn (Mai Châu) đã có khoảng chục hộ gia đình nuôi cá chiên- giống cá đặc sản của vùng hồ Hòa Bình. Ông Vũ Thanh Quý, xã Phúc Sạn là người đầu tiên nuôi cá chiên ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình cho biết: trước kia, nguồn cá giống bắt ở thượng nguồn sông Đà, nay hồ thủy điện đã chặn dòng nên thường bắt ở thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), giá thị trường cũng phải lên tới vài chục nghìn một con cá giống. Cá chiên được nuôi bằng lồng, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, giá xuất bán từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Cá có thể bán khi cá đạt trọng lượng từ 1-1,2 kg/năm, nếu đầu tư tốt đạt 1,5 kg/năm. Ông Quý cho biết thêm: Nếu cá không bị bệnh tật, có thể thu về cả trăm triệu đồng/năm, cao nhiều hơn các giống cá trắm, mè, chép, trôi. Đối với giống cá dầm xanh - một loại cá đặc sản của tỉnh đang được nhiều hộ dân xã Vạn Mai nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nếu nuôi khoảng 1.000 m2 cũng thu về được hàng chục triệu đồng. Nuôi cá dầm xanh ít bị dịch bệnh, đầu tư không nhiều, thị trường lại khá ổn định đã góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân. Ở Vạn Mai, hầu như gia đình nào cũng nuôi, cá lớn chậm nhưng giá trị khá cao từ 200.000- 250.000 đồng/kg. Thịt trắng, thơm ngọt đậm đà. Một địa chỉ khác là HTX Dân Chủ (thành phố Hòa Bình) cũng đã thử nghiệm nuôi thành công cá lăng và ba ba gai có giá trị kinh tế cao. Nuôi ba ba gai đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ba ba giống có kích thước bằng chai lavi nhỏ giá tới 500.000 đồng/kg. Riêng đối với ba ba gai thịt, giá bán hơn 1 triệu đồng/con. Tại xóm Mực, xã Tiền Phong (Đà Bắc) cũng bắt đầu nuôi cá ngạnh, một loại cá đặc sản ở lòng hồ thủy điện có thị trường tiêu thụ lớn, giá bán từ 300.000 đồng/kg, hay mô hình hình kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái của ông Nguyễn Gia Tôn, Chủ nhiệm HTX Thương mại Phương Liệt, xã Cao Dương (Lương Sơn) được đánh giá là có hiệu quả cao. Mấy năm nay, HTX đã bước đầu thành công khi chăn nuôi một số giống đặc sản như: ba ba, nhím, lợn rừng và cá lăng. Ồng Nguyễn Gia Tôn, Chủ nhiệm HTX cho biết: Cá lăng là loại cá đặc sản, thịt thơm ngon, thị trường tiêu thụ rộng lớn, nếu đầu tư áp dụng tiến bộ KHKT sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại hình chăn nuôi khác. Ông dự tính sẽ mở rộng mô hình nuôi cá lăng tại trang trại.
Theo ông Hoàng Văn Son, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cá đặc sản. Những nơi có điều kiện sinh thái đặc thù ao nước, tự chảy, lựa chọn các giống cá bản địa có giá trị cao như dầm xanh, anh vũ, lăng, chiên để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa đặc sản cung cấp cho các đô thị, phục vụ du lịch. Tuy nhiên để nuôi các loại cá này đòi hỏi công sức đầu tư khá lớn và tỷ mỷ. Hiện nay đang nghiên cứu, khảo sát một số khu vực có điều kiện tự nhiên đặc thù để thử nghiệm nuôi một số các loại cá đặc sản có thị trường tiêu thụ lớn chẳng hạn như cá hồi. Đồng thời, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản trên địa bàn, tích cực chuyển giao và nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, đưa nuôi thủy sản thành hướng phát triển kinh tế, xóa đói- giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.
Lê Chung
(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".