Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng dư thừa đối lập với khả năng hấp thụ vốn hạn chế của hoạt động sản xuất kinh doanh là những điều kiện quan trọng đưa đến quyết định giảm lãi suất cuối tuần qua.

 

Lãi suất giảm sớm

Như vậy, đây là đợt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp của NHNN chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng gần đây. Cùng với việc giảm thêm 1% đối với một loạt các mức lãi suất điều hành chủ chốt, trần lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng trở lên kể từ ngày hôm nay (28.5) cũng được giảm xuống còn 11%/năm.

Dù được nhiều tổ chức đầu tư và định chế tài chính dự báo từ sớm, quyết định giảm lãi suất của NHNN cũng gây nhiều bất ngờ. Đặc biệt, việc giảm nhanh trần lãi suất huy động tới 3% (từ 14% xuống còn 11%) chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi cũng được cho có thể gây ra nhiều xáo trộn. Các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là các nhà băng nhỏ huy động vốn ra sao với trần lãi suất huy động mới sẽ là một câu hỏi chưa có trả lời vào thời điểm này.

Còn theo lý giải của NHNN, có nhiều cơ sở và điều kiện về diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như thị trường tiền tệ đưa đến quyết định trên đây. Đáng lưu ý nhất là lạm phát liên tục được kiềm chế giảm dần từ tháng 8.2011 đến nay. Với chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng 0,18% so với tháng 4.2012 (đưa chỉ số này tăng tổng cộng 2,78% trong 5 tháng đầu năm), lạm phát so với cùng kỳ tháng 5.2011 chỉ tăng 8,34% và phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm (dưới 10%). Hỗ trợ cho điều kiện này, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo và dư thừa, thị trường tiền tệ ổn định và lãi suất đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường giảm, hàng tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của ngân hàng để tái tạo và mở rộng sản xuất - kinh doanh hạn chế, lãi suất cho vay đã giảm nhưng sức giảm chậm do chi phí huy động vốn cao và nguy cơ rủi ro tín dụng tăng.

Mặt khác, lãi suất tiền gửi tối đa VND 12%/năm áp dụng thời gian vừa qua hiện cao hơn khoảng 4% so lạm phát (kỳ vọng lạm phát cả năm khoảng 8%) và cao hơn khoảng 2-3%/năm so với lãi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất tín phiếu Kho bạc Nhà nước đồng thời chênh lệch dương khá lớn so với lãi suất USD và mức tăng tỉ giá. Quyết định điều chỉnh giảm thêm lãi suất trên đây, theo NHNN, là nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. So với quyết tâm giảm lãi suất huy động cuối năm về 10-11% được người đứng đầu NHNN đưa ra thời điểm đầu năm, lãi suất huy động thực tế đang lao dốc nhanh hơn nhiều dự báo lãi suất sẽ chỉ giảm 1% mỗi quý.

Có hồi phục cho vay?

Với động thái giảm lãi suất huy động thêm 1%, NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số nhóm khách hàng ưu tiên xuống còn 14%/năm và đây được coi là điều kiện tốt hỗ trợ các DN có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay. Thị trường trong tuần này theo đó được dự báo sẽ đón nhận một loạt các điều chỉnh lãi suất cho vay từ các NHTM vốn đang triển khai các chương trình cho vay vốn ngắn hạn ưu đãi. Ngoài điều kiện về lãi suất, việc các DN có vay được vốn hay không vẫn sẽ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn mà các nhà băng đưa ra.

Song nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới đây sẽ nối tiếp mạnh hơn mạch tăng nhẹ của tín dụng trong tháng 5. Dù vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về mức tăng trưởng thấp của tín dụng trên địa bàn hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM song tín dụng đang cho thấy rõ dấu hiệu hồi sinh thực sự sau một thời gian dài tăng trưởng âm. Dĩ nhiên, mức tăng thấp 0,98% trong tháng 5 (2,04% so với cuối năm 2011) của Hà Nội và 0,4% (1,6%) của TPHCM phản ánh rất rõ khó khăn trong câu chuyện vay vốn hiện nay bởi đây là hai khu vực tập trung dày đặc các ngân hàng cũng như các khách hàng lớn, tập đoàn và TCty...   

Trong các quyết định của NHNN vừa qua, tính khả thi của mức lãi suất cho vay 14%/năm sẽ là một câu hỏi lớn. Ngay trong điều kiện hiện nay với lãi suất cho vay ưu tiên còn 15%/năm và lãi suất cho vay đối tượng khác còn 16-17%/năm, PGS-TS Nguyễn Đắc Hưng – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các NHTM khó có thể giảm lãi suất thêm được vì nếu tiếp tục giảm NHTM sẽ không còn có lãi, không có tích lũy và năng lực tài chính suy yếu. Đặc biệt khi vốn huy động của kỳ trước vẫn đang phải trả lãi người gửi tiền 14%/năm, vốn huy động 14%/năm vẫn chưa cho vay hết nên giới hạn lãi suất cho vay 15%/năm là cận biên nếu như một số cơ chế khác không thay đổi. Sự kỳ vọng giảm thêm lãi suất cho vay trong điều kiện không giảm lãi suất huy động vốn có thể trông chờ vào các cơ chế chính sách làm giảm các chi phí lãi suất vốn cho vay của NHTM.

 

                                                         Theo Báo Laodong

 

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục