Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN &PTNT) chuẩn bị gần 1 vạn cây bưởi đỏ, bưởi da xanh cung cấp cho thị trường.

Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN &PTNT) chuẩn bị gần 1 vạn cây bưởi đỏ, bưởi da xanh cung cấp cho thị trường.

(HBĐT) - Với hiệu quả kinh tế “ước mơ” trong sản xuất nông nghiệp, đem lại giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng /ha, diện tích cây ăn quả, cây có múi mà chủ yếu là cam, quýt, chanh, bưởi mấy năm nay tăng mạnh. Theo đó, nhu cầu sử dụng các giống cây có múi cũng tăng nhanh. Trong khi đó theo điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng và địa phương, năng lực của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất giống cây rất hạn chế, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu, đặt ra những vấn đề trong quản lý, kiểm soát giống cây của cơ quan chức năng.

 

Nhu cầu giống cây có múi, đặc biệt là bưởi, cam, chanh đang tăng mạnh, nhất là các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn. Riêng huyện Tân Lạc, diện tích bưởi đỏ và da xanh từ 60 ha năm 2012 đến nay đã phát triển lên hơn 200 ha. Trung bình 180 - 300 cây /ha, như vậy đã cần hàng vạn cây giống (chưa tính các khu vực khác). Nhiều cá nhân đến Tân Lạc đặt hàng nghìn cây bưởi giống, có những thời điểm nguồn giống cây “cháy hàng”. Mặc dù giá không rẻ từ 40.000 - 50.000 đồng /cây bưởi đỏ, 80.000 -100.000 đồng /cây bưởi da xanh. Hiện nay, người trồng bưởi Tân Lạc đều có thể chiết cành bán giống.

 

Đối với huyện Cao Phong diện tích cây cam tăng lên nhanh chóng, đạt trên 1.000 ha và còn tăng mạnh trong vài năm tới. Trong khi đó, năng lực SX giống tại huyện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Trên địa bàn tỉnh, ngoài Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN &PTNT) và một số cơ sở SX khác được công nhận đủ năng lực SX và cung cấp giống cây. Đối với Trung tâm giống cây trồng cũng đang ở giai đoạn lựa chọn và nhân giống cây đầu dòng với 2 loại bưởi đỏ và da xanh, chuẩn bị khoảng gần 1 vạn giống bưởi, tương đương với diện tích khoảng 20 ha. Trung tâm đang triển khai lựa chọn, bình tuyển cây đầu dòng trên cam, quýt làm cơ sở để SX đại trà đáp ứng phần nào nhu cầu giống cây. Nguồn giống cây có múi chủ yếu là nguồn SX tại chỗ và những cơ sở quen thuộc ngoài tỉnh như Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Cây ăn quả có múi Xuân Mai và một số địa phương Hưng Yên, Bắc Giang... Người trồng cây chủ yếu lấy giống dự vào kinh nghiệm và tin tưởng vào uy tín của các cơ sở SX giống.

 

Theo những người có kinh nghiệm và trình độ thâm canh, giống là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng. Giống tốt, cây khỏe và sạch bệnh là niềm ước mơ của các hộ trồng cây. Tuy nhiên, nếu giống không bảo đảm chất lượng sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người trồng, nhất là đối với của cây có múi như cam, bưởi.  Chỉ đến khi bói quả mới biết là chất lượng giống có tốt hay không và như vậy nếu giống không tốt, không sạch bệnh sẽ mất 4 - 5 năm, nhiều khi phải phá bỏ, thiệt hại sẽ rất lớn. Ví như vùng bưởi Tân Lạc, về cơ bản, hộ gia đình nào trồng bưởi cũng chiết cành để bán. Tuy nhiên không phải hộ nào cũng có thể chiết cành là cây khỏe, giống tốt, đậu quả đạt kỳ vọng. Việc quản lý chất lượng cây giống theo quy định rất khó khăn. Về mặt QLNN, hiện nay, các hộ gia đình tự nhân giống để cung cấp hoặc trao đổi trong cộng đồng, phạm vi 1 huyện phải có đăng ký nhãn mác nhưng phần lớn thực hiện theo phương thức dân gian, không nhãn mác, không địa chỉ. Thực tế một số cá nhân SX và bán giống trưng biển quảng cáo sai quy định. Nhiều hộ gia đình bán giống nhưng không có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Có tình trạng giống trôi nổi và khó kiểm soát. Nhiều cơ sở lấy nhãn mác của các cơ sở SX giống cây đủ năng lực, có úy tín ở ngoài tỉnh về SX.

 

Theo định hướng phát triển cây ăn quả, cây có múi của tỉnh, đến năm 2020, cả tỉnh diện tích cây ăn quả, cây có múi khoảng 5.000 ha, trong đó, diện tích cây có múi khoảng 3.000 ha. Để đạt được diện tích xác định này thì trồng mới và thay thế diện tích cây có múi mỗi năm từ 250 - 300 ha, tương đương với 11,2 - 13, 5 vạn cây/năm. Nhu cầu giống cây có múi rất lớn. Trong khi đó, năng lực SX giống cây cả tỉnh chỉ đạt từ 70 - 100 ha/năm, chiếm khoảng 30% nhu cầu giống cây. Hiện, 70% giống cây có múi được người trồng lấy từ các địa phương khác.

 

Nhận thức tầm quan trọng của thực tế trên, cùng với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở SX giống cây có múi đang triển khai, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09 về việc tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các ngành chức năng nâng cao năng lực QLNN, tăng cường phối hợp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về SX -KD giống cây nhằm đưa hoạt động quản lý giống cây trồng vào nề nếp, thực hiện định hướng phát triển vùng cây ăn quả bền vững.

 

 

 

                                                                                  Lê Chung

 

 

 

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục