Từ 21 - 28.9, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), sự kiện mỹ thuật lớn nhất trong 50 năm sẽ diễn ra: Triển lãm "Mở cửa" quy tụ 50 gương mặt họa sĩ trong 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016). Triển lãm thực sự mới mẻ ngay từ cách thức chọn tác giả cho đến tác phẩm, cũng như sự tôn vinh đặc biệt dành cho sáng tạo.

 

Ai nắm quyền tự quyết?

30 năm trong giai đoạn từ 1986-2016 là thời kỳ rất đặc biệt trong dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam hiện đại (từ 1925 đến nay). Tuy nhiên, trong những năm đã qua, ngoài các triển lãm mỹ thuật chuyên đề định kỳ như: Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm mỹ thuật chuyên đề về chất liệu hoặc đề tài… thì đây là lần đầu tiên có một “Mở cửa” để nhìn nhận, đánh giá sự phát triển và đổi mới của mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm và giúp công chúng có một cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới của đất nước.

Tranh của Trần Lương. 

Ở các cuộc triển lãm trước đây, cách làm là lập một Hội đồng Nghệ thuật, giúp tư vấn cho Ban Tổ chức chọn tác phẩm, và chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, thì với “Mở cửa”, công tác giám tuyển (curator) của triển lãm do 3 cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đảm trách: Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - Trưởng ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh và họa sĩ Phạm Hà Hải (Phòng Mỹ thuật ứng dụng và Triển lãm).

Họa sĩ Vi Kiến Thành nói, ông ý thức được áp lực từ trên xuống, áp lực xã hội và áp lực từ giới nghệ thuật về tại sao không chọn người này mà lại chọn người kia. Nhưng bây giờ ông tự tin rằng “80% số người xem, đặc biệt là giới họa sĩ, sẽ đồng thuận với lựa chọn của chúng tôi”.

Sự tự tin đó có lẽ xuất phát từ sự nghiêm túc, cẩn trọng và vô tư của ba giám tuyển ròng rã hai tháng trời. Mỗi giám tuyển tự “nghiên cứu” đưa lên 1 danh sách và sau khi cả ba cùng ngồi lại thống nhất, bàn đi tính lại, sau hai tháng trời thì chốt lại con số 50. Hai tiêu chí để chọn vào top 50 là tư duy sáng tạo mới, có dấu ấn và bản sắc 
cá nhân.

Giám tuyển đã đi gặp các tác giả được để cử để bàn bạc, trao đổi về triển lãm, còn tác giả tự chọn tác phẩm.

Điều thú vị ở chỗ là hầu hết tác giả đều chọn tác phẩm mới (25/50 tác phẩm được sáng tác trong năm 2016, tỉ lệ 50%), thậm chí theo họa sĩ Vi Kiến Thành thì có nghệ sĩ còn đang hoàn thành tác phẩm để kịp triển lãm. Rõ ràng, chính các họa sĩ cũng tự làm mới mình, khi không thích trưng ra những tác phẩm cũ.

Không phân biệt vùng, miền nhưng cuối cùng thì số họa sĩ lọt top 50 phần lớn ở 2 thành phố lớn: Hà Nội 35 nghệ sĩ (chiếm 70%) và TP.Hồ Chí Minh 12 nghệ sĩ (24%); còn lại 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng và Hải Phòng, mỗi tỉnh 1 nghệ sĩ; 2 nghệ sĩ đang sống và làm việc tại Paris (Pháp) là Trương Tân và Trần Trọng Vũ. Họa sĩ cao tuổi nhất là ông Trần Lưu Hậu, 88 tuổi và trẻ nhất là nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, 32 tuổi. Có 4 nữ nghệ sĩ là: Đinh Ý Nhi, Đinh Thị Thắm Poong, Ly Hoàng Ly và Lý Trần Quỳnh Giang. Mỗi tác giả chỉ được chọn 1 tác phẩm, nhưng trong cuốn vựng tập thì được in 3 tác phẩm, với đầy đủ chân dung, lý lịch trích ngang và quan điểm nghệ thuật của nghệ sĩ.

Không chỉ là triển lãm

Mà còn là những cuộc giao lưu, tọa đàm, kết nối họa sĩ với các di sản văn hóa, truyền thống và hiện đại qua cuộc dã ngoại của các họa sĩ ngay sau ngày khai mạc, đi thăm di sản mỹ thuật truyền thống ở xứ Đoài, thăm và giao lưu Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Hòa Bình.

Khi được hỏi vì sao không nhân cơ hội này tổ chức một cuộc hội thảo về xu hướng sáng tác đương đại và thị trường mỹ thuật hiện nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình tiết lộ, hiện Ủy ban nhân dân TPHCM có dự định mời triển lãm “Mở của” sau khi kết thúc tại Hà Nội sẽ di chuyển vào TPHCM và tổ chức hội thảo quốc tế.

Trước ý kiến về việc lựa chọn tác phẩm đã tiêu biểu cho xu hướng đổi mới chưa và có bỏ sót tác phẩm nào xứng đáng không? Họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định: Vấn đề đổi mới nằm ở nhận thức, tư duy. 50 tác phẩm là 50 thông điệp của đổi mới, còn khó nói cụ thể đâu là một tác phẩm đánh dấu bước ngoặt của đổi mới. Tuy nhiên có thể kể tên những họa sĩ đi tiên phong đổi mới như họa sĩ Vũ Dân Tân, tiên phong nghệ thuật đương đại, đưa các hình thức nghệ thuật đương đại trên thế giới về triển khai ở VN…mà Salon Natasha ở Hàng Bông là điểm đáng chú ý. Còn có những họa sĩ như Lê Huy Tiếp là một họa sĩ đồ họa, điêu khắc hàng đầu của VN, nhưng tác phẩm trong 30 năm đổi mới lại không nặng cân, mà vẫn là tiếp mạch của anh ấy từ trước tới nay, nên giám tuyển không chọn. Còn tác phẩm là do tác giả tự chọn, giám tuyển không can thiệp, chỉ khi nào tác giả cần ý kiến tư vấn thì giám tuyển mới nói.

Trong số 50 tác giả, có 3 họa sĩ đã mất là Vũ Dân Tân, Hoàng Hồng Cẩm và Nguyễn Quốc Hội. Có 1-2 trường hợp mượn tác phẩm của bộ sưu tập trong nước.

Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng khẳng định: Việc “chảy máu chất xám” của hội họa VN giai đoạn đổi mới là có, tuy nhiên Bảo tàng Mỹ thuật VN cũng đã có bộ sưu tập tới trên 300 tác phẩm hội họa của 30 năm đổi mới và sẽ trưng bày một phần bộ sưu tập này vào tháng 11.2016.

 

                                                                    Theo báo Lao Động

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục