(HBĐT) - Khi những cành đào phai khoe sắc báo hiệu xuân về, phố phường, nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ, rực rỡ sắc màu, trong lòng mỗi người lại hân hoan niềm vui đón Tết. Xen lẫn sự háo hức, ký ức Tết xưa lại hiện về nao nao lòng người hoài cổ.


Đón xuân Mậu Tuất này, ông Nguyễn Văn Miệu, xóm Gò Dọi, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) bước vào ngưỡng tuổi "bát thập”. Trong niềm vui xuân mới đầm ấm, đuề huề bên con cháu, ông bồi hồi nhớ về những cái Tết trên núi Bà Sơn thời kỳ đất nước còn đang trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vào những năm 1948-1949, thời điểm đó, xã Mông Hóa được chia thành 2 khu A và B dọc 2 bên quốc lộ 6. Thực hiện chiến thuật "vườn không, nhà trống”, nhân dân xã Mông Hóa bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, bên khu A tản cư lên núi Bà Sơn, bên khu B di chuyển vào gần Kim Bôi. ở trên núi nhìn xuống có thể thấy lính Pháp đóng quân, đi lại đông đúc dọc đường 6. Khi ấy ông là cậu bé lên 9, lên 10 cùng theo cha mẹ lên núi. Gần 7- 8 năm sống trên núi, đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại bà con mới trở về nhà cũ.


Phụ nữ xã Gia Mô (Tân Lạc) gói bánh chưng chuẩn bị cho ngày Tết.

Tuổi thơ của những ngày tản cư nhiều khó khăn, thiếu thốn, đón Tết trong tâm trí lo chạy giặc ấy trở thành miền ký ức khó phai mờ trong ông. ông kể: Chuyển lên núi cuộc sống hoàn toàn tự cung, tự cấp. Bà con trồng lúa nương, ngô, sắn, bầu, bí, nuôi gà… làm thực phẩm. Để đi chợ phải ra tận chợ Cò mạn Đông Xuân, Tiến Xuân (trước thuộc huyện Lương Sơn - nay thuộc Hà Nội) nhưng không phải ai hoặc lúc nào cũng có thể đi được. Bữa cơm ngày thường chỉ là cơm độn khoai, sắn, ăn với rau, muối, nước mắm cũng không có, thịt thì càng không. Gia đình nào tăng gia được bí đỏ, bí xanh, nuôi được con gà đem ra chợ bán rồi lại mua các thứ thiết yếu khác.

Tết của thời kỳ đó thì không có gì đặc biệt, chỉ gọi là có 1, 2 ngày Tết. Để có gạo ăn Tết mỗi nhà phải có kế hoạch tiết kiệm từ trong năm. Ngày 29, 30 Tết, các gia đình chuẩn bị gạo gói bánh nhưng không phải chiếc bánh chưng vuông to đủ đầy nhân đỗ, thịt như bây giờ, vì gạo không có nhiều chỉ đủ để có thể gói một vài chiếc bánh ống nhỏ. Nhân bánh được làm bằng đỗ nương và không có thịt. Nhà nào không đủ gạo gói bánh chưng thì nấu đĩa xôi. Vì thiếu thốn nên mâm cơm cúng ngày Tết cũng đơn giản, chủ yếu có thịt gà, bánh chưng, rau bầu, bí, xôi. Ngày Tết, trẻ con cũng không được mua quần áo mới, không có bánh, kẹo nhưng trong tiềm thức ông, con trẻ vẫn mong đến Tết. Vì Tết không phải ăn cơm độn, có xôi, có thịt gà, dù chỉ là 1, 2 bữa. Cũng có năm ngày Tết, các gia đình đi chúc Tết nhau, trẻ con được mừng tuổi bằng những chiếc bánh con con chứ không có tiền để phong bao lì xì như thời nay. Những ngày Tết cũng là những ngày người dân càng phải cảnh giác hơn vì lo sợ giặc biết tập trung đông người sẽ bắn đạn pháo từ dưới đường 6 lên. Nếu có thông báo bà con cảnh giác, mỗi người, mỗi nhà đều trong tinh thần sẵn sàng buộc nồi, niêu vào sọt, khi có lệnh ngay lập tức quang gánh lên vai để chạy giặc.

Với bà Nguyễn Thị Nữ, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình), Tết của thời bao cấp để lại nhiều kỷ niệm buồn, vui. Thời kỳ đó, các nhu yếu phẩm cần cho đời sống hàng ngày như gạo, thịt, đường, nước mắm, vải... đều được mua theo tem phiếu, sổ hộ khẩu tại các cửa hàng mậu dịch, bách hóa, cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Từ ngày 24, 25 tháng chạp, các cửa hàng bắt đầu bán thực phẩm cho đến ngày 30 Tết. Thịt lợn được bán gộp 2 tháng cuối năm, nhà được 1 kg, nhà được 1,5 kg, nhà đông người được 2 - 3 kg thịt ăn Tết. Tháng Tết có thêm gạo nếp, mỗi khẩu được 5 lạng gạo, nhà ít khẩu chẳng đủ gạo gói bánh chưng. Hàng hóa mua theo tem phiếu nên rất ít ỏi, mỗi thứ một tí. Một năm, mỗi nhà được một phiếu vải tiêu chuẩn 4 m để may quần áo nhưng 2 năm mới bán một lần lấy 8 m vải. Với những nhà kinh tế khó khăn, Tết đến trẻ con cũng không được manh áo mới mà chỉ mặc quần áo cũ. Không có tiền nên có nhà phải vứt bỏ tem phiếu hoặc để cho người khác mua thay. Đáng nhớ nhất là cảnh xếp hàng mua thực phẩm ngày Tết. Để mua được hàng, nhiều người dậy từ rất sớm ra xếp hàng khi cửa hàng còn chưa mở cửa, có nhà vì nhiều lý do, bận không ra xếp hàng được hoặc muốn được mua trước nghĩ ra cách lấy viên gạch, hòn đá hoặc một vật dụng nào đó "thế chỗ” và nhờ người khác trông hộ. Khó khăn là vậy nhưng ai cũng háo hức chờ Tết.

Tiếp dòng chuyện Tết, ông Nguyễn Văn Miệu cười vui: Nói đến chuyện Tết ngày xưa thì khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm. So với bây giờ đúng là khác hoàn toàn. Nhưng có lẽ cũng vì nghèo khó mà cái Tết được mong đợi hơn, con trẻ háo hức hơn chờ đón những ngày Tết đến, xuân về.


Hà Thu

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục