(HBĐT) - Về thăm Hòa Bình vào những ngày xuân, ai nấy được hòa mình vào tiếng chiêng rộn rã của những lễ hội đầy bản sắc văn hóa, thưởng thức các món ăn dân tộc và nhâm nhi bên vò rượu cần trong ngôi nhà sàn. Không chỉ có vậy, nơi đây còn níu chân du khách bằng những điệu múa Sạp nồng say, khiến ai đã từng đắm chìm với nó hẳn sẽ không thể nào quên.


Múa Sạp trở thành hình thức giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc. ảnh chụp tại xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương (Yên Thủy).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - NSưT Bùi Chí Thanh cho biết: "Hiện nay, chưa có nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nào xác định được múa sạp ra đời từ bao giờ, thế nhưng trong sinh hoạt của người dân tộc Mường từ thuở xa xưa đã xuất hiện những trò chơi, điệu múa như vậy. Sau đó những điệu múa ấy được lưu truyền qua các thế hệ, phát triển mạnh mẽ, phổ biến rộng khắp”.

Múa sạp đến với những con người lớn lên trên vùng đất Hòa Bình rất tự nhiên. Trải qua nhiều năm tháng, những điệu nhảy sạp đã ăn sâu vào tiềm thức của con người nơi đây. Có những giá trị văn hóa tồn tại một cách đặc biệt như thế nên cũng dễ hiểu tại sao múa sạp lại là điệu múa đặc trưng và rất phổ biến của người dân tộc Mường.

Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có 2 cây to, thường là cây vầu, thẳng và dài làm sạp cái cùng nhiều cặp sạp con bằng tre hay nứa, đường kính từ 3-4 cm, dài từ 3-4 m được người dân sáng tạo thành đạo cụ, tạo âm thanh, tiết tấu múa. Bên cạnh đó, các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như cung tên, khăn thổ cẩm, khăn lụa cũng được người dân đưa vào trong điệu múa. Đàn ông thì múa sạp với cung tên, phụ nữ múa sạp với quạt, khăn lụa. Tùy thuộc vào từng nơi, từng thói quen canh tác và sinh hoạt mà người dân lựa chọn đạo cụ múa sạp sao cho phù hợp.

Về thăm xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc), nơi còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường. ông Bùi Văn Khẩn, nghệ nhân múa sạp xóm ải cho biết: "Nét đặc trưng trong múa sạp là hai bên nam nữ trong điệu nhảy phải cân đối. Theo quan niệm của người xưa thì sự cân đối này giống như thái cực âm - dương. Trong đời sống tâm linh của người Mường, âm - dương hài hòa như vậy thì mới được mùa. Với tư duy lưỡng phân lưỡng hợp và tư duy phồn thực của người xưa bao giờ cũng mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống no ấm”.

Quan niệm về tính cân bằng, hòa hợp nên điệu múa sạp cũng tuân theo những quy tắc nhất định. Đội múa chia ra 1 tốp đập sạp và 1 tốp múa. Mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều đội hình càng phong phú, sinh động. Tuy nhiên, dù đông đến đâu thì số lượng nam, nữ luôn cân bằng nhau. Bên nam múa thì động tác cần khỏe mạnh, thể hiện sự dũng mãnh, bên nữ uyển chuyển, nhẹ nhàng và động tác lăng tay, chân nhảy phải đều. Điệu sạp đòi hỏi người múa phải cảm nhận âm nhạc, động tác tay chân phải hòa quyện vào nhau trở thành một điểm thống nhất.

Múa sạp ngày xưa không có nhạc nền như bây giờ, tất cả đều được diễn xướng bởi tốp có sạp. Một tốp có sạp đặc trưng bao gồm các đôi trai gái, mỗi đôi trai gái ngồi 2 đầu. Một cặp sạp con và gõ nhịp theo nhịp 4-4. Cứ 3 lần gõ sạp con vào cái thì 1 lần gõ 2 sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát. Với tốp múa, họ sẽ nghe theo tiếng hát và tiếng sạp rồi lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp. Mỗi người cầm một chiếc khăn màu, dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt cần nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp. Tất cả đều phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp vào chân. Cứ hai tốp gõ sạp và nhảy múa, thay nhau trong tiếng chiêng, trống nhịp nhàng sôi động. Cuộc vui cuốn hút mọi người hào hứng, say sưa.

Theo thời gian, múa sạp bổ sung thêm nhạc nền, dựa trên nhạc phương Tây để thay cho lời hát cổ. Nhưng nhịp điệu của người nhảy sạp vẫn tuân theo tiếng dập sạp của người gõ sạp. Trong điệu múa, yếu tố âm dương phải thống nhất với nhau, vừa tách ra nhưng phải vừa thống nhất. Tất cả sự hòa quyện đó đã tạo nên vẻ đẹp của làn điệu múa sạp, vì vậy không chỉ là một làn điệu mà nó là cả một thế giới quan cổ của người dân tộc Mường.

Múa sạp của người Mường xuất phát từ trò chơi dân gian đơn giản mà đến nay đã trở thành nghệ thuật múa. Khởi đầu là trò chơi đập chày, đập gậy. Trải qua quá trình phát triển, nghệ thuật múa sạp ngày càng phong phú, sinh động, hàm chứa tính nghệ thuật cao.

ông Bùi Văn Khẩn, nghệ nhân múa sạp xóm ải (xã Phong Phú, Tân Lạc) cho biết thêm: Theo quá trình di cư, người Mường sống gần hơn với những dân tộc khác, múa sạp đã trở thành một hình thức giao lưu văn hóa. Điệu múa đơn giản, dễ học nhưng sôi động, đã làm cầu nối giữa các dân tộc anh em.

Dưới mái nhà sàn, bên con suối, âm thanh của điệu múa sạp vẫn vang lên khi những người bạn nơi xa xôi tìm đến. Điệu múa đã đi qua bao nhiêu đời người, thăng trầm với bao nhiêu biến động giờ đây đang rộn ràng trong tiếng cười vui, tiếng hồ hởi sum vầy, sẽ còn mãi với bản làng, với núi rừng Tây Bắc, mãi mãi đại diện cho cái đẹp của miền non cao hùng vĩ.

Hoàng Anh


Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục