(HBĐT) - Âm vang tiếng vọng cội nguồn/Trong Nam, ngoài Bắc tình dồn về đây/Đền Đô một khoảng trời mây/Khí thiêng hội tụ người ngây ngất hồn.


Hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà Thủy đình là điểm nhấn trong kiến trúc của đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh).

Đến miền quê quan họ Bắc Ninh, nơi nổi tiếng là vùng đất "địa linh nhân kiệt” có nhiều công trình, kiến trúc lịch sử, văn hóa đặc sắc, chắc hẳn ai cũng muốn được một lần chiêm bái, khám phá đền Đô - một địa danh lịch sử gắn với công trình kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt. Đền Đô mang trong mình ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, mở ra thời kỳ độc lập, tự do cho đất Việt trước giặc phương Bắc.

Đền Đô tọa lạc ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Nơi đây còn được gọi là đền Cổ Pháp, đền Lý Bát Đế, là nơi thờ của 8 vị vua nhà Lý. Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ 11 (năm 1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng).

Triều đại nhà Lý trị vì đất nước 216 năm (1009 - 1225) với 9 đời vua, là một trong những triều đại mở đầu cho việc xây dựng nền độc lập, tự chủ của nước ta sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Trong cuốn "Di tích lịch sử văn hóa đền Đô” do Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn biên soạn có viết: "Lý Công Uẩn có công lập ra triều Lý, định đô Thăng Long, khai sáng nền văn minh Đại Việt. Tương truyền đền Đô được tu dựng ngày 3/3 năm Canh Ngọ (1030) do Lý Thái Tông, con trưởng của Lý Thái Tổ về Thái miếu nhà Lý ở quê làm giỗ cha, có các quan đại thần cùng đi, đã cùng với dân làng xây mở rộng Cổ Pháp Điện ở khu Thái miếu để nhân dân trong nước cùng có điều kiện tới công đức vào việc thờ cúng vua Lý Thái Tổ. Đền Đô là đền trung tâm của cả nước, liên tục được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng tôn tạo và mở rộng.

Đền Đô từ xưa đã được xây dựng với quy mô lớn. Kiến trúc theo kiểu "Nội công ngoại quốc”, bao quanh có tường gạch. Hiện, quần thể đền có diện tích 31.250 m², gồm 21 hạng mục công trình lớn, nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý. Kiến trúc đền Đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành. Khu vực nội thành có diện tích 4.320 m², hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất, có hai cửa ra vào. Khu vực nội thành được chia thành nội thất và ngoại thất. Nội thất gồm các công trình: Nhà hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiến tế, nhà bia, nhà để 8 kiệu thờ và nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên. Ngoại thất gồm các công trình: nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, Ngũ long môn, sân rồng, tượng voi, sấu đá và đền Vua bà (thờ các Hoàng thái hậu triều Lý). Khu vực ngoại thành gồm: Hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà Thủy đình, nhà Văn chỉ bên phải, nhà Võ chỉ bên trái. Cổ Pháp Điện là công trình chính của đền Đô được xây dựng hoành tráng, trang nghiêm, đặt các pho tượng tám vị vua triều Lý. Nội thất đền được bài trí chi tiết, đồ thờ phong phú. Tượng các đức vua ở hậu đô, hương án, bài vị, hoành phi, câu đối, sập và mâm thờ… đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Ngựa thờ có đủ áo giáp, may thêu rất công phu, lục lạc đồng sáng loáng. Đỉnh đồng, bình hương, trống, chiêng… đều bề thế.

Kiến trúc đền Đô bố cục cân xứng, hài hòa. Cột, khung nhà, các cánh cửa được làm bằng gỗ lim và vàng tâm cổ thụ. Các hạng mục công trình đều được xây dựng công phu, kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo. Chẳng vậy mà vẻ đẹp của đền đã đi vào thơ ca với vần thơ nổi tiếng: Cổ Pháp Điện linh - Bát Đế du/Long vân hội tụ sáng trời thu/Hương lan tỏa ngát chào người tới/ "Uống nước nhớ nguồn” vang khúc du.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của triều đại nhà Lý và củng cố sức mạnh đoàn kết của cộng đồng làng xã, hàng năm, vào ngày 14, 15, 16/3 âm lịch, người dân Đình Bảng lại mở hội đền Đô. Tương truyền đó là lễ hội kỷ niệm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất - 1010). Chính ngọ đắc tâm linh, Lý Thái Tổ làm lễ tế trời, đặt niên hiệu Thuận Thiên, tức là mong thiên hạ thái bình. Lễ hội đền Đô đã và đang là lễ hội của làng cũng là của nước, trở thành điểm hẹn của du khách thập phương với tấm lòng "Uống nước nhớ nguồn”.

Thu Hiền


Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục