(HBĐT) - Ngày ấy, cách nay hơn 30 năm, cứ gọi chung là thời bao cấp, trên các phố của Hà Nội và một số thành phố, thị xã miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình… hay gặp tấm biển, thường là làm bằng bìa cactong: Nhận làm quy-gai-xốp! 

Những ngày giáp Tết, những tấm biển kiểu này càng xuất hiện nhiều hơn. Đó là những lò nướng bánh phục vụ mọi nhà ăn Tết. Dạo ấy, mọi thứ đều phải do Mậu dịch quốc doanh phân phối. Ngày Tết, mỗi nhà được mua theo bìa mua hàng gia đình một túi hàng tết, trong đó có đủ cả miến, bóng, chè, thuốc, mỗi thứ một chút. Bánh kẹo ngày Tết chẳng có nhiều. Thường mỗi nhà được mua một hộp mứt thập cẩm, trong đó có đủ loại, mứt bí, mứt sen, mứt dừa, mứt gừng, mứt lạc… Thường hộp mứt ấy được bày trang trọng trên ban thờ, cúng tổ tiên. Nhiều khi do nồm ẩm, chất lượng không cao, ngày hóa vàng hạ xuống để con cháu thụ lộc thì đã hơi chảy, thậm chí bị mốc. Xôm ra thì cơ quan phân phối thêm cho gói kẹo Hải Châu. Vì thế, mọi nhà đều dành phần bột mì trong khẩu phần lương thực hàng tháng, tích thêm đường, trứng để làm quy- gai-xốp tiếp khách trong dịp Tết. Nhà nào có thêm hộp sữa Con chim của Liên Xô (thường là quá hạn đã lâu) thêm vào nữa thì là nhất hạng.

Tại sao lại là quy-gai-xốp? Quy thì dễ hiểu rồi, đó là gọi tắt và việt hóa của biscuit, thứ bánh ngọt theo bước chân người Pháp vào Việt Nam. Gai thì là Việt một trăm phần trăm. Cũng nguyên liệu như bánh quy, tạo hình thành khác một chút, những chiếc bánh to cỡ ngón tay người lớn, dài khoảng 7-8cm như hình những con sâu gai to tướng nên có tên gọi như vậy. Bánh xốp thì cách chế biến có khác một chút. Thường ngày Tết, các nhà chỉ làm quy- gai… Chiều khách, nhiều lò bánh còn tạo khuôn bánh hình trái tim, chiếc lá, bông hoa… cho thêm vui mắt, nhất là với khách hàng là những thiếu nữ đang tuổi cập kê. Có mẻ bánh ngon, đẹp mắt cũng là cách tự giới thiệu tài đảm của các cô gái mỗi nhà. Thật khó mà quên được cái phong vị tết nhất mà những lò bánh quy- gai- xốp góp vào phố phường những ngày năm ấy. Mùi thơm của bánh chín tới tỏa ra ấm áp trong cái lạnh cuối năm, hòa cùng với những đào, những quất trên các con phố làm không khí chuẩn bị đón xuân thêm chộn rộn.

Lại nói chuyện khoe tài đảm. Hồi bao cấp, xem ra các cô gái có nhiều cơ hội khoe tài đảm hơn bây giờ, và cũng muốn khoe hơn bây giờ. Thời buổi cái gì cũng thiếu, một trong những nét khéo của các cô là biến những thứ giản dị thành những món ăn hấp dẫn. Chẳng hạn như khoai tây, thứ mà cửa hàng lương thực bán để "độn” vào tiêu chuẩn hàng tháng, chỉ cần thêm ít đường kính, qua các khâu chế biến công phu là đã thành món mứt khoai ngon lành, đẹp mắt.

Trở lại cái chuyện quy-gai-xốp. Những ngày gần Tết thời ấy, có hai việc chiếm khá nhiều thời gian của phụ nữ, con gái nơi phố thị, nhiều khi mất cả ngày, cả buổi. Ấy là làm đầu và làm bánh quy-gai-xốp. Chuyện làm đầu sẽ nói dịp khác. Như trên đã nói, quy-gai-xốp gần như là món đầu vị trên bàn nước ngày Tết của mọi nhà, đương nhiên là nhà bình dân, cán bộ, công chức nơi thành phố, thị xã. Thế nên càng gần Tết, các lò quy-gai-xốp càng đông khách. Nhiều lò hoạt động đến 11-12h đêm. Có khi phải xếp hàng cả buổi mới đến lượt. Đã vậy, nhiều bà, nhiều cô cẩn thận còn muốn tự tay mình đánh bột, nhào trứng với sữa, tận mắt trông thấy mẻ bánh của mình vào lò mới yên tâm. Mất công như vậy, nên chủ nhà sẽ rất vui khi món bánh, mà hầu như nhà nào cũng có ấy được câu khen của khách. Thế nên có một bí quyết với các chàng trai muốn lấy lòng bà mẹ của người yêu là cứ khen món quy-gai-xốp!

Giờ thì các lò quy- gai-xốp đã không còn nữa. Những điều kiện về kinh tế- xã hội thường quy định sự xuất hiện, tồn tại, mất đi… của một số nghề. Chẳng hạn cuộc sống khấm khá lên, cùng với các lò nướng quy-gai-xốp, những dịch vụ như vá dép nhựa, bơm mực bút bi, lộn cổ sơ mi, bán nước sôi… đã "thất truyền”. Người ta chỉ còn nhắc đến những công việc ấy trong những lúc ôn nghèo, nhớ khổ một thời.

Chuyện về những Tết xưa, nhất là những cái Tết thời bao cấp thì…kể mãi không hết. Giờ đây, khi mà nhiều người, nhiều nhà nghĩ đến chơi Tết nhiều hơn, nhắc lại những khó khăn một thời trong sự lo Tết của mỗi gia đình, cộng đồng để thấy rõ giá trị của cuộc sống đủ đầy hôm nay. Tết bây giờ đã khác xa, và cũng có nhiều chuyện để bàn, để kể. Chỉ có một điều chung giữa Tết xưa Tết nay, ấy là niềm vui sum họp, đoàn viên trong những ngày Tết của mọi người, mọi nhà… Và dù giàu nghèo, sướng khổ, với mỗi người, mỗi nhà Tết cũng là thời khắc để rũ bỏ mọi ưu phiền, vướng mắc, cùng nhau hướng về một năm mới, cũng là mong ước một tương lai tốt đẹp hơn. Đó phải chăng chính là giá trị văn hóa cốt lõi của ngày Tết cổ truyền dân tộc?

Phương Quang


Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục