Ra mắt dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), bộ phim Khúc mưa của Điện ảnh Quân đội nhân dân trở thành điểm nhấn khi tập trung khai thác đề tài hậu chiến với những số phận con người trong chiến tranh, những nỗi đau được hóa giải, từ đó làm đậm nét hơn giá trị nhân văn.


 
Một cảnh trong phim Khúc mưa. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

 Trình chiếu ra mắt tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia ngày 26-4, bộ phim Khúc mưa (đạo diễn: NSƯT Bùi Tuấn Dũng, biên kịch: Nguyễn Thu Dung) do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất sẽ tiếp tục được phát hành trong mạng lưới toàn quân và phát sóng trên một số đài truyền hình trung ương và địa phương. Đây là bộ phim đề tài hậu chiến, thể loại tâm lý xã hội.
 
 Khúc mưa xoay quanh câu chuyện về cuộc sống và xung đột do hiểu nhầm tạo ra bi kịch của một gia đình thuộc chế độ cũ. Người con trai mới sáu tuổi đã theo cha vượt biên và gặp nạn trên biển. Cậu thoát chết trong khi cha thì qua đời. Mẹ cậu ở lại, kết hôn với một cựu chiến binh. Trưởng thành, cậu đem lòng thù hận mẹ, đồng thời phải sống chung với những ám ảnh ký ức, trong đó có nỗi sợ trước biển. Hơn 40 năm sau, khi đã ở tuổi trung niên, người đàn ông cùng vợ trở về Việt Nam, gặp lại mẹ của mình. Vợ anh cùng với mẹ và bố dượng đã âm thầm giúp anh vượt qua nỗi sợ, chứng ám ảnh bệnh lý và cả gia đình đoàn viên ngay bên bờ biển. Cùng thời điểm ấy, đứa con mà vợ chồng anh sau nhiều năm tháng mỏi mòn chờ đợi đã hình thành.
 
 Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng chia sẻ, đối với phim Khúc mưa, điều anh trăn trở nhất là cách kể chuyện. Nhân vật và tình huống khá đơn giản nếu trần thuật. Song, còn những quan điểm, thái độ sống, định kiến... đã gây ra sự hiểu lầm và đẩy cuộc sống con người tới những bi kịch. Trong mối ràng buộc, giằng xé về tâm lý ấy, nhà làm phim cần kể mạch lạc, hấp dẫn với nhiều bí mật nho nhỏ được sắp xếp, đan cài. Đó là cách kể phản trần thuật. Tức là đưa chi tiết vấn đề trước rồi kể ngược. Cách thức này, nếu không tiết chế sẽ khiến bộ phim khó hiểu. Ngoài hệ thống chi tiết, phim còn được đưa vào nhiều màu sắc văn hóa, tạo độ dày của cảm quan cả về hình ảnh lẫn âm thanh. Do vậy, dù là bối cảnh hiện tại hay quá khứ thì kết cấu ngôn ngữ điện ảnh trong Khúc mưa vẫn phảng phất màu sắc văn hóa kiến tạo mang dấu ấn sáng tạo của đoàn phim.
 
 Nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung nhận định, khó khăn đầu tiên ở khâu biên kịch là xử lý đề tài. Bên cạnh chủ đề anh hùng ca, chiến thắng, chị quan tâm tới vấn đề hòa giải và đoàn kết dân tộc. Nhà biên kịch muốn thông qua bộ phim đưa đến thông điệp rằng những người Việt Nam từng rời bỏ đất mẹ và thế hệ người Việt sinh ra ở hải ngoại sau này, hãy trở về trong vòng tay bao dung, yêu thương, cởi bỏ những câu chuyện buồn đè nặng tâm can để cùng hướng đến những điều nhân văn tốt đẹp cho hiện tại và tương lai. Điều chị tâm đắc nhất chính là ê-kíp phim đầy say mê cống hiến cho nghệ thuật, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn trong điều kiện kinh phí làm phim eo hẹp để hoàn thành một cách tốt nhất vai trò của mình. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, ê-kíp phim đã làm việc không phải vì mức thù lao mà vì niềm tin vào bộ phim, yêu nhân vật trong kịch bản. Biên kịch, đạo diễn phim đã tạo ra một cách kể mới cho loại phim ít xung đột bên ngoài và nhiều trăn trở nội tâm. Cao trào được đưa từ từ và dồn nén đến cùng mới bùng nổ. Hệ thống chi tiết phim được xử lý tinh tế, kỹ lưỡng, từ hình ảnh chiếc xe đồ chơi được anh bộ đội phục viên làm theo mẫu xe Gaz 63 đến tấm ảnh người mẹ để trong ví của nhân vật nam chính mà mỗi lần không làm chủ bản thân, kích động thần kinh, anh lại nhìn vào đó để kiềm chế. Phim có câu chuyện nặng về tâm lý, tiết tấu chậm nên đạo diễn đã xử lý bằng cách cài nhiều phân đoạn đan xen để tăng tiết tấu, giữ nhịp cho phim. Hệ thống hình ảnh nhất quán bằng những cú máy dài, diễn xuất liền mạch, hạn chế cắt cảnh.
 
 Trong phim, diễn viên Trương Minh Quốc Thái đảm nhận vai nam chính cùng diễn viên Lê Phương vai nữ chính. Đây là những diễn viên tiềm năng của màn ảnh Việt, tạo được độ tin cậy khi tham gia các bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Đạo diễn cho biết, với một vai có tâm lý phức tạp, lại mắc bệnh tâm lý bất thường, hận thù trong yêu thương, mạnh mẽ trong yếu đuối... Trương Minh Quốc Thái đã thể hiện được khả năng diễn xuất khá tốt. Ngoài ra, nghệ sĩ Trần Thị Thanh Hiền (vai người mẹ lúc già) diễn xuất rất xúc động; diễn viên Lê Phương (vai người mẹ lúc trẻ) và các diễn viên khác cũng nhập vai thành công.


 Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục