(HBĐT) - Daậyl đi, daậyl đi nào chiêng ơi... Tiếng của ông mo Bùi Văn Lựng ở xóm Mường Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) thì thầm gọi chiêng. Bàn tay trần xoa trên núm, chiêng như hiểu được tiếng gọi, vươn mình thức dậy, đón mùa xuân đã về khắp các bản Mường trú phú, yên vui...


Nghệ nhân dân gian Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) diễn tả nghi thức daậyl chiêng. 

Nghi thức daậyl chiêng

Đã từng có lần được chứng kiến lễ "daậyl” chiêng của ông mo Bùi Văn Lựng ở Mường Ải trong lễ hội Khai hạ Mường Bi, thế nhưng chúng tôi vẫn tò mò, thích thú khi được ngồi xem Nghệ nhân dân gian Bùi Tiến Xô ở xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) làm nghi lễ daậyl chiêng chuẩn bị cho những đêm hội xuân. Thật kỳ lạ, chỉ bằng bàn tay trần xoa lên núm chiêng rồi miết nhẹ lúc nhanh dồn, lúc chậm thong thả..., âm thanh từ núm chiêng phát ra rất nhẹ lúc có, lúc không, rồi tiếng chiêng vang xa như vọng từ núi cao dội lại tựa như có một cánh tay lực điền đánh mạnh tạo lên tiếng chiêng trầm hùng. "Khi hồn chiêng đã được đánh thức, nhịp điệu ping... pồng... piêng... vang khắp bản làng sẽ mang lại cho người Mường một năm mới may mắn, an lành” - nghệ nhân Bùi Tiến Xô cho hay.

Với tôi, chẳng hiểu từ khi nào, cái âm điệu ping... pồng... piêng... poòng... của dàn chiêng khắp các bản Mường ở vùng đất Hòa Bình lại trở nên quen thuộc trong tâm trí. Có lẽ, đúng như NSƯT Bùi Chí Thanh, nhà nghiên cứu văn hóa Mường ở Hòa Bình đã từng nói: Cứ nghe đi, nghe để rồi cái âm điệu trầm hùng ấy vang lên. Nếu ai đã yêu thì nó sẽ trở thành cái "hồn” không dễ gì xóa bỏ. Sức hút của chiêng Mường là vậy đó. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường Bùi Huy Vọng, trong đời sống của người Mường, chiêng đóng một vai trò rất quan trọng. Trong những gia đình quyền thế, dàn chiêng đồng cổ hàng trăm tuổi có giá trị như thước đo về sự giàu sang. Không chỉ vậy, người Mường còn có quan niệm, chiêng là vật linh thiêng, cũng có hồn như con người. Do đó, khi mang chiêng ra sử dụng phải thực hiện nghi lễ "daậyl” chiêng. 

Còn với ông Nguyễn Văn Thực ở phường Thái Bình (TP Hoà Bình) - một trong số ít người ở xứ Mường biết "daậyl” chiêng, đánh thức hồn Mường qua 12 âm sắc chia sẻ: Chính vì quan niệm chiêng là vật linh thiêng, cũng có hồn phách như con người nên muốn sử dụng chiêng phải làm nghi thức để "đánh thức hồn chiêng”. Thường mỗi dịp đầu năm mới, trước khi vào hội, người Mường thường thực hiện nghi thức "daậyl” chiêng. Có như vậy tiếng chiêng mới vang, ngày hội mới ý nghĩa, tiếng chiêng mới linh thiêng, trở thành hồn cốt của người Mường... 

Đánh thức "hồn chiêng”

Theo NSƯT Bùi Chí Thanh, một dàn chiêng đủ bộ của người Mường gồm 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và trọn một vòng quay của đất trời với 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. 12 chiếc chiêng tạo ra 12 âm sắc riêng biệt nhưng lại hợp thành một dàn cồng chiêng độc đáo với những bản hòa âm trở thành cái hồn cốt xứ Mường, mở ra một không gian văn hóa Mường. 


Trong đời sống, chiêng được người Mường sử dụng linh hoạt, có thể đơn chiếc hay thành dàn lên tới hàng trăm chiếc.

Còn theo các cụ cao niên trong Mường kể lại, khởi nguồn của tiếng chiêng là những âm thanh thần bí phát ra khi người xưa vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động. Từ những âm thanh đó, qua một quá trình dài đúc kết, người ta đã chế tác và hoàn thành một thứ nhạc cụ phỏng theo âm thanh trong những hang đá là bộ chiêng như bây giờ. Dàn chiêng 12 chiếc với 12 âm sắc khác nhau cùng hội tụ trong một không gian âm nhạc, mang ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng trong đời sống văn hóa của người Mường từ hàng nghìn đời qua. "Gắn liền với mọi sinh hoạt văn hóa của người Mường từ xưa đến nay, không phải ngẫu nhiên mà chiêng luôn được coi là linh hồn của người Mường. Trong đời sống thường ngày trong xã hội Mường cổ truyền, người Mường coi chiêng như vật thiêng, của quý trong nhà, ngoài việc sử dụng tạo ra âm thanh, họ coi đây là đồ có linh khí, xua đuổi tà ma, đem lại sự yên lành cho gia đình, bản Mường” - nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Mường Bùi Huy Vọng chia sẻ. Về mặt vật chất, chiêng được coi như một trong những biểu tượng của sự giàu có, quyền thế của các gia đình, gia tộc Mường. Trước năm 1945, hầu như các nhà đều có 1 - 2 chiêng, tầng lớp lang - đạo lớp trên có trong nhà 1 - 2 bộ chiêng là chuyện không hiếm. Ngay cả những gia đình thuộc tầng lớp nghèo khó vẫn giữ trong nhà một chiếc chiêng, coi đó như vật báu với niềm mong ước một ngày nào đó gia đình mình cũng sẽ trở nên giàu có. 

"Người Mường rất trân trọng chiêng, bình thường khi không sử dụng họ đặt chiêng theo một tư thế nhất định. Với chiêng, người Mường cho rằng nó cũng có miệng, thế nên khi đặt, người ta đặt ngửa lên, cho phần núm xuống, rất ít khi người Mường đặt úp vì như thế là bưng miệng chiêng, làm cho chiêng bị câm, đánh không ra tiếng. Khi tấu chiêng người Mường đánh bằng dùi. Dùi đánh chiêng làm bằng gỗ, đầu đánh vào chiêng bọc vải tạo nên cái đùm, nhiều gia đình còn lấy da dê hay da bò bọc đầu dùi đánh chiêng” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng cho biết thêm. 

Trong đời sống, chiêng được người Mường sử dụng khá linh hoạt, tuỳ theo từng công việc, từng nghi lễ có thể sử dụng đơn chiếc, thành dàn nhỏ 2 - 3 chiếc , song chủ yếu được sử dụng theo dàn. Một dàn chiêng đầy đủ có 12 chiếc do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Mỗi một chiêng trong dàn chiêng biểu hiện một nốt âm. Song cũng có những chiêng rất đặc biệt, có thể  tấu  được 5 âm, như chiêng Mường Vang hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Hay có chiêng tiếng ngân rất đặc biệt, như chiêng Khầm còn được giữ tại Mường Đổn, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) có độ ngân dài tới hơn 9 sải tay (khi đánh chiêng lên tiếng ngân của nó dài đủ cho người đứng dang hai tay ra rồi gập vào, dang ra tới 9 lần). 

Theo thống kê chưa đầy đủ, các bài chiêng, giai điệu tấu chiêng của các vùng Mường ở Hòa Bình đến nay sưu tầm được hơn 20 làn điệu chiêng cổ. Mới nghe qua cồng chiêng Mường tưởng như nó đơn điệu, tròn trịa trong khung âm thanh  ping - pồng - ping, pềnh - pống - khầm... nhưng thực tế nó là âm thanh giao thoa cùng đất trời, lúc dồn dập như tiếng động xua đuổi ma quỷ, xua đuổi cái xấu, cũng có lúc như tiếng sấm gọi mưa xuống hay gợi lên cảm giác thiêng liêng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, điều thú vị nhất của chiêng Mường là giai điệu, khi trầm thiêng như tiếng sấm rền, khi nhấn nhá, thong thả như con nước xuôi dòng, lúc lại vút cao như dải mây đón gió... Nghe chiêng Mường càng nghe xa càng hay, lồng trong không gian, cảnh sắc rừng núi, vách đá, suối khe, đồng bãi, trong thấp thoáng những mái nhà sàn ẩn hiện mới cảm nhận hết cái tinh tuý, đằm thắm của nó... 


 Mạnh Hùng

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục