(HBĐT) - Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, chợ phiên không đơn thuần là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần. Mỗi lần tổ chức định kỳ theo phiên, bà con đều háo hức, soạn sửa để kịp đi chơi chợ.


Chợ phiên Pà Cò (Mai Châu) mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về bản sắc văn hóa dân tộc. 

Tìm về những nét đặc trưng

Đến với các xã vùng cao huyện Tân Lạc vào thứ Ba hàng tuần, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm chợ phiên Lũng Vân (còn gọi là chợ Bò). Vào ngày có chợ, bà con mang đến chợ những sản vật, sản phẩm độc đáo cùng nét văn hóa riêng có của dân tộc mình. Thông qua các sản phẩm được trao đổi, mua bán mà thấy được nét văn hóa truyền thống trong ẩm thực, như: măng đắng, măng chua, hạt dổi, hạt mắc khén, lá đắng, lá lồm, da trâu làm nên hương vị món ăn vùng Tây Bắc; trong trang phục làm từ các sản phẩm dệt, hàng thủ công được bày bán, kết cấu, trang trí của trang phục, đồ trang sức đi kèm (cạp váy mường, váy Mông, khăn của người Dao, vòng bạc, xà tích); trong vật dụng truyền thống là các sản phẩm thủ công từ mây, tre đan thành ớp, rổ, rá; trong tri thức dân gian như: các bài thuốc của người Dao, Mường.

Ông Xa Văn Tuần, xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) tâm sự: Chừng ba, bốn thập kỷ trước, điều kiện đi lại nhiều khó khăn, người vùng cao ở cách chợ phiên hàng chục km, đi chơi chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa nên nhiều nơi trong vùng hình thành chợ đón (chợ xép, chợ tạm) từ ngày hôm trước. Còn giờ, khi phương tiện xe máy đã phổ biến, đường đến chợ thuận tiện và rút ngắn hơn. Tuy nhiên, một số người dân vẫn duy trì thói quen đi bộ về phiên chợ. Đặc biệt, bà con từ các nơi xuống chợ với tâm thế gặp gỡ người thân quen, giao lưu, thưởng ngoại văn hóa diễn ra ở chợ, nhất là văn hóa ẩm thực. Hầu như ai xuống chợ cũng mặc đẹp, thân thiện thăm hỏi nhau. Bà con còn thoải mái lựa chọn các hình thức vui chơi, giải trí được tổ chức trong không gian chợ. Do vậy, người dân thường nói đi chợ là đi chơi. 

Một điều dễ nhận thấy ở nhiều chợ phiên là đồng bào DTTS quan tâm giữ bản sắc văn hóa qua lời ăn tiếng nói, trang phục, nhất là các chợ phiên của người Tày, người Dao ở huyện Đà Bắc; người Mường các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi; người Mông ở huyện Mai Châu. Đến đây, người dân mua bán không kể hàng hóa có giá trị cao, thấp, có khi là  1 con gà, chục trứng, con lợn, hay đơn giản chỉ vài bó mía, mớ rau, vài chùm quả các loại của gia đình… Chợ còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống. Đồng bào xuống chợ có thêm hiểu biết về con người, cảm nhận cái đẹp đang diễn ra trong cuộc sống đời thường.

Phát huy bản sắc để trở thành sản phẩm du lịch độc đáo

Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, hiện nay, chợ phiên truyền thống vùng đồng bào DTTS đang gặp một số thách thức. Sự gia tăng dân số cùng với quá trình đô thị hóa làm cho không gian chợ phiên bị thu hẹp; mật độ hàng hóa, số người mua sắm gia tăng dẫn đến thiếu không gian cho hoạt động văn hóa. Thu nhập hộ gia đình được nâng lên cùng với sự tiến bộ của KHCN đã tác động đến thói quen đi chơi chợ. Người dân đến chợ phiên chủ yếu bằng xe máy, thường gói gọn trong ngày, ít còn những phiên chợ đón từ tối hôm trước, dẫn đến thời gian rỗi cho người đi chợ tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa dân tộc ngày một ít. Hiện, mạng internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội… đến từng cá nhân, hộ gia đình, thu hút sự quan tâm của người dân và chương trình giải trí, văn hóa, văn nghệ trong nước, quốc tế đa dạng, phong phú nên một bộ phận dân chúng nhạt dần sinh hoạt văn hóa truyền thống ở chợ phiên. Chức năng kinh tế của chợ phiên có chiều hướng lấn át chức năng văn hóa vốn có của chợ phiên truyền thống. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm phát huy chức năng "kép” kinh tế và văn hóa của chợ phiên truyền thống ở vùng cao.        
   
Năm 2019, UBND huyện Mai Châu đưa mô hình "Phiên chợ vùng cao huyện Mai Châu” vào hoạt động với mục đích quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch. Chợ  diễn ra vào ngày Chủ nhật mỗi tuần tại sân vận động trung tâm huyện, trở thành điểm đến để du khách trong nước, quốc tế thăm quan, mua sắm và thưởng thức các chương trình biểu diễn múa hát, hoà tấu, nhạc cụ dân tộc, trải nghiệm không gian chợ phiên truyền thống thông qua tái hiện các lễ hội, trò chơi dân gian…

Mới đây, xuất phát từ ý tưởng của hội viên nông dân chi hội xóm Chà Đáy, mô hình chợ đêm giao lưu văn hoá dân tộc Mông, xã Pà Cò (Mai Châu) được tổ chức mỗi tuần 1 lần vào tối thứ Bảy. Du khách có thêm những trải nghiệm mới lạ về chợ phiên vùng cao, cùng với hoạt động của chợ phiên Pà Cò họp vào ngày Chủ nhật đã tăng sức hút cho du lịch địa phương.

Để tăng cường quảng bá nét đẹp văn hóa gắn với kích cầu du lịch, tỉnh cũng triển khai hoạt động phiên chợ vùng cao gắn với các ngày lễ lớn của địa phương. Gần đây nhất là Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình - năm 2022 gắn với sự kiện tỉnh đăng cai tổ chức môn xe đạp trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31. Bên cạnh đó là mở lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các DTTS. Thông qua chương trình tập huấn quy mô cấp tỉnh đã giúp tạo chuyển biến về nhận thức của nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, đồng bào DTTS. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị, tích cực lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo của chợ phiên gắn với phát triển du lịch bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng vùng, địa bàn.  

Bùi Minh

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục