(HBĐT) - Vào một ngày thu tháng 9, chúng tôi về xã An Bình (Lạc Thuỷ), được các đồng chí lãnh đạo xã đưa đến thăm di tích lịch sử Đài Phát thanh (ĐPT) Pathet Lào tại thôn Đồng Bầu. Di tích này là minh chứng và là sự khẳng định mối quan hệ thủy chung, trong sáng, tình đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào.


Khu di tích lịch sử Đài Phát thanh Pathet Lào tại thôn Đồng Bầu, xã An Bình (Lạc Thuỷ) được nâng cấp, cải tạo. 

Năm nay bước sang tuổi 91 nhưng ông Trịnh Đình Quang, thôn Đồng Bầu vẫn  minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi về quãng thời gian được xã cử là người canh gác địa điểm đặt ĐPT Pathet, ông hồi tưởng: "Khoảng giữa năm 1964, ở An Bình lúc này có ông Tưởng, ông Bộ, ông Dục là người của cơ quan B1 Đài Tiếng nói Việt Nam về đặt vấn đề với Đảng bộ và nhân dân địa phương cho đi khảo sát thực tế để tìm địa điểm thích hợp xây dựng ĐPT cho nước bạn Lào. Nhận thấy đây là niềm tự hào và trách nhiệm quốc tế cao cả, qua thảo luận, cấp uỷ đã quyết định cử tôi trực tiếp dẫn đoàn đi thị sát thực tế tại khu vực điểm hang động. Nơi đây trong kháng chiến chống Pháp đã được Khu uỷ Khu III chọn làm xưởng quân giới sửa chữa, sản xuất vũ khí đạn dược và xưởng in Báo Cứu quốc. Sau 2 ngày thị sát khu hang động, các ông cùng đi xác định đây là địa điểm có thể lấy làm nơi đặt ĐPT được”.

Theo chỉ đạo của cấp trên, xã An Bình đã dành 30 ha đất các loại cho Đài quản lý, sử dụng. Trong đó có 25 ha là diện tích núi đá, hang động và rừng già, 3 ha đất canh tác của nhân dân thôn Đồng Bầu và 2 ha đất sông ngòi nằm trong khu vực bảo vệ. Ngoài ra, dành 0,3 ha đất thổ cư của hộ các ông: Lương Văn Tĩnh, Trần Quang Chính, Trần Văn Hảo, Ngô Văn Kim để xây dựng nhà ở cho cán bộ Việt Nam làm chuyên gia cho nước bạn và bộ phận kiến trúc thuộc Công ty xây dựng khu Nam (thuộc Tổng công ty kiến trúc Bộ Xây dựng) về ở để xây dựng cơ sở vật chất của Đài. Từ đây, ĐPT Pathet Lào chính thức được đặt nền móng xây dựng.

Ban đầu, theo yêu cầu của nước bạn Lào, xã cử một số đảng viên và đoàn viên ưu tú tham gia dân công phục vụ công trình như: Phát dọn đường vào khu vực; bảo vệ vòng ngoài 24/24 giờ, không cho người, gia súc vào khu vực đã được quy định. Tất cả những người tham gia dân công đều được quán triệt đảm bảo bí mật tuyệt đối với phương châm "không biết, không nghe, không thấy”. Lực lượng dân công và dân quân của địa phương giúp bạn cho đến khi có Đoàn Kiến trúc 310 và trung đội Công an vũ trang về thay thế làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ.

Trong quá trình xây dựng, các đoàn xe vận tải vật tư, thiết bị của đơn vị đều được ngụy trang và tổ chức di chuyển về ban đêm qua tuyến đường Ninh Ngoại - Ba Dốc, sang Đầm Rừng hoặc theo đường của Đội 10 (Nông trường Sông Bôi). Từ đây, nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn Lào được phát động trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương với ý thức nêu cao cảnh giác cách mạng, đề cao phong trào phòng gian, bảo mật. Từ buổi ban đầu đặt nền móng xây dựng cho đến khi Đài đi vào phát sóng ổn định, nhân dân An Bình đã ủng hộ trên 3.000 cây bương, tre các loại, một bộ khung nhà gỗ của gia đình cụ Đinh Văn Nộm, 1.200 ngày công xây dựng cơ sở ban đầu. Để rút ngắn đoạn đường đi lại, thuận lợi cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật tư, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho Đài, song vẫn đảm bảo về an toàn và bí mật, đồng thời gắn với phát triển kinh tế của địa phương, năm 1968, tuyến đường đi tắt Quèn Mu - Thạch Bình (trước đây là đường mòn) được khởi công. Sau 1 năm thi công, đường Quèn Mu đi Nho Quan dài hơn 4 km đã hoàn thành. Nhân dân xã An Bình tham gia 17.000 ngày công, đào đắp 22.000 m3 đất, phá 1.200 m3 đá mở đường qua dốc Quèn Mu.

Hiện, ở xã An Bình có 3 người từng làm việc tại Đài, ngoài ông Trịnh Đình Quang còn có ông Phạm Hồng Thái năm nay 81 tuổi, trước là lái xe cho Đài và bà Trịnh Thị Thu, năm nay 73 tuổi trước nấu ăn và trông trẻ cho cán bộ Lào.

Trong 4 năm (1969 - 1973) đóng chân tại địa phương, cơ quan Đài bạn giữ mối quan hệ rất tốt với lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây. Cuối năm 1973, ĐPT Pathet Lào chính thức rời khỏi An Bình. Tuy Đảng bộ và nhân dân xã An Bình đóng góp sức người, sức của không lớn nhưng đã cùng cả nước tô thắm thêm mối tình đoàn kết, gắn bó, keo sơn giữa 2 dân tộc Việt - Lào.

Đặc biệt, ngày 4/10/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2514/QĐ-UBND về việc công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích ĐPT Pathet Lào. Năm 2020, điểm di tích được Nhà nước đầu tư xây dựng bia di tích và khuôn viên, cổng chào với kinh phí khoảng 700 triệu đồng.

Đồng chí Đinh Minh Mão, Bí thư Đảng uỷ xã An Bình cho biết: Đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng về tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, các cấp, ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hai nước Việt - Lào và bạn bè quốc tế biết, thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích trong lịch sử quan hệ Việt - Lào. Việc tôn tạo, phát huy là cần thiết, rất cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền.


Đinh Thắng

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục