(HBĐT) - Lễ mát nhà là một trong những nghi lễ văn hóa tâm linh mang tính truyền thống của đồng bào Mường. Nghĩa trọng của nghi lễ này là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe bình an, may mắn và chặn, tránh những điều xui xẻo, rủi ro. Bởi vậy, phần đa các gia đình trong cộng đồng Mường tổ chức vào dịp đầu năm để "tâm” mọi người được "an”. Bằng việc cắt giảm những yếu tố được cho là hủ tục, lễ mát nhà trở thành nét văn hóa đặc trưng, là việc không thể thiếu trong nhiều gia đình cộng đồng Mường mỗi dịp Tết đến, xuân về.


Lễ mát nhà của dân tộc Mường Hòa Bình được tái hiện, trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Từng dành thời gian tìm hiểu và dựng lại lễ mát nhà của người Mường Hòa Bình tại không gian Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường (TP Hòa Bình) chia sẻ: Nghĩa gốc của từ "mát nhà” trong tiếng Mường là làm cho gia đình mát mẻ, các thành viên khỏe mạnh, bình an, hóa giải những điều xấu, điều xui. Vì vậy, các gia đình trong cộng đồng Mường thường tổ chức vào những ngày đầu năm hoặc khi trong nhà có người đau ốm, gặp điều không may để hóa giải.

Xưa, lễ mát nhà được bày biện khá tốn kém về mặt sính lễ. Có thầy mo yêu cầu gia chủ phải chuẩn bị tới 11 mâm lễ, gồm 9 mâm to và 2 mâm nhỏ. Trong đó, mâm to dành để mời Thành hoàng bản thổ, mời thổ công thổ địa, Thánh thư… là những vị thần lớn ở Mường Trời. Trong mâm cỗ có thủ, vai và lòng lợn (gồm cả đồ sống và đồ đã được chế biến chín); đầy đủ xôi, gà, cá, chè, oản, gạo, muối, rượu xả, đồ mã... và món không thể thiếu trong lễ vật là một con vịt. Theo lý giải của thầy mo, con vịt vừa biết bơi, vừa biết bay sẽ là phương tiện để đưa các vị thần từ Mường Trời đến với trần gian về gia đình đang làm lễ.

Ngoài những mâm cỗ dành cho các vị thần thánh, gia tiên, gia chủ phải chuẩn bị thêm mâm cỗ "cộng đồng” đủ món đặt ở vị trí gần cửa chính. Người Mường quan niệm những chuyện xấu xảy ra là do những con ma đói quấy nhiễu. Bởi vậy, khi nhà mở tiệc cúng tế các vị thần từ Mường Trời về không quên dâng lễ tới chúng sinh. Mâm cỗ được đặt ở cửa chính, những con ma đói theo lời mời gọi của thầy mo tụ về đánh chén một bữa no nê, sau đó thầy mo làm phép để tà ma không quay trở lại quấy nhiễu gia chủ.

Đến nay, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội theo hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL và cũng để giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường, lễ mát nhà của người Mường đã được giản tiện đi rất nhiều. Đồ cúng hay còn gọi là lễ "xuân lộc” theo cách gọi của giới trẻ đôi khi chỉ cần 3 - 5 mâm cỗ dâng các vị thánh thần, mời gia tiên và 1 mâm cộng đồng để cúng chúng sinh, ít hình nhân, vàng mã…

Khi đồ lễ đã được chuẩn bị xong, thầy mo bắt đầu các bài khấn mời Thánh thư, Thành hoàng và bề trên về dự lễ mát nhà phù hộ con cháu, cộng đồng mạnh khỏe, bình an, mùa màng tốt tươi... Quá trình khấn, thầy mo thường phe phẩy chiếc quạt trên tay lúc che miệng, khi phe phẩy tứ bề. Động tác giản đơn nhưng hàm ý là quạt đi những khí xấu, điềm xui, thu về luồng khí trong lành, mát mẻ, những điều tốt đẹp cho gia chủ. Sau phần khấn mời bề trên về thụ lễ, phù hộ độ trì đem lại may mắn, bình an cho gia chủ, thầy mo đứng dậy vẩy nước khắp người và đồ vật trong nhà. Người làm lễ không nhất thiết phải là thầy mo mà có thể là thầy Trượng (Tr.lượng) hoặc bà mỡi (mỡil). Việc hành lễ cũng diễn ra chóng vánh trong khoảng hơn 1 giờ, sau đó gia chủ thu dọn và cùng khách mời thụ lộc. Tuy lễ mát nhà được tổ chức trong khuôn khổ gia đình nhưng khách mời thường là đại diện cả họ tộc nội, ngoại, bạn bè, hàng xóm thân thiết. Bởi vậy, dẫu đơn giản, gọn nhẹ nhưng lễ mát nhà của người Mường đã góp phần nhân lên những giá trị văn hóa truyền thống, tính cộng đồng sâu sắc của dân tộc Mường trong nhịp sống hiện đại.


Lam Nguyệt (CTV)


Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục