(HBĐT) - Hà Giang đang là điểm hẹn của bao du khách gần xa. Miền đất văn hóa, miền đất lịch sử… với nhiều điểm đến ấn tượng, độc đáo, đặc sắc khó quên. Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên) là một trong những "địa chỉ đỏ” của du khách khi đến Hà Giang. Mới đây, được tham gia cuộc thỉnh chuông tại khu nghĩa trang trong một sáng yên lành là một kỷ niệm đặc biệt trong hành trình về miền biên viễn này. Tiếng cán bộ quản lý nghĩa trang, tiếng 9 tiếng chuông ngân xa, ngân xa về miền xa thẳm khiến mỗi thành viên trong đoàn rưng rưng xúc động, chung cảm nghĩ lớn lao về những hy sinh của bao liệt sỹ đã ngã xuống nơi biên cương Tổ quốc.


Hàng năm, các cựu chiến binh ở mọi miền đất nước về Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) dâng hương, tưởng nhớ  đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. 

Sáng sớm đã có rất đông các đoàn khách từ Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình… đến nghĩa trang dâng hương. Có người là cán bộ thuộc các sở, ngành, có người là cựu chiến binh hoặc chỉ là lữ khách. Nén hương trên tay thành kính thắp lên từng ngôi mộ có tên, những ngôi mộ chưa xác định được thông tin, ngôi mộ tập thể duy nhất (các liệt sỹ hy sinh tại hang Sập, bình độ 400, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên)... Vang trong không gian câu hát da diết của tác giả Trương Quý Hải "Về đây đồng đội ơi”: Về đây đồng đội ơi, người chiến sỹ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi”. Chị Nguyễn Thanh (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Đến đây xúc động thực sự trước bao hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sỹ. Họ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương, trong đó có cả những người con của Hòa Bình… Thấy những dòng tên, năm sinh, tên xóm, huyện của liệt sỹ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh nhà mà không cầm lòng nổi…”.

 Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên nằm cạnh quốc lộ 2, tựa lưng vào dãy Tây Côn Lĩnh, phía trước hướng về dòng sông Lô dạt dào sóng nước về xuôi… Nghĩa trang xây dựng năm 1990, được tu bổ, nâng cấp có quy mô hơn từ năm 2004. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 liệt sỹ hy sinh tại mặt trận Hà Giang (Vị Xuyên, Yên Minh, Mèo Vạc…) trong giai đoạn 1979 - 1989… Trong đó, mặt trận Vị Xuyên trở thành tâm điểm, là địa phương "đi trước, về sau” trên tuyến đầu chống quân xâm lược. Biết bao hồi ký, bài báo, ký ức của người chiến sỹ từng sống, chiến đấu ở Vị Xuyên khiến bất cứ ai được biết đều xúc động, cảm phục và được nhân lên niềm tin chiến thắng khi được biết những gian khổ, hy sinh mà quân và dân Vị Xuyên trong suốt 10 năm ròng. Hôm nay đây, những lời kể về thời ác liệt, nóng bỏng đó vẫn tươi nguyên… Những trận đánh khốc liệt, những trận pháo kích mù trời khiến những ngọn núi đá cũng mòn vẹt đi, nhưng người chiến sỹ vẫn kiên cường bám trụ giành giật các cao điểm từ tay quân thù. Dòng chữ khắc ghi "sống bám đá, chết hoá đá thành bất tử” của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh (dân tộc Mường, quê Yên Lập, Phú Thọ), thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 trở thành tâm niệm, quyết tâm của bao chiến sỹ. Những cao điểm 1509, 1100, 772, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm, hang Dơi, hang Làng Lò, Đài hương 468… giờ là những "địa chỉ đỏ” nằm lòng các chiến sỹ từng cầm súng bảo vệ biên cương. Những ngày tháng oanh liệt và bi hùng đó không thể nào quên. Hàng năm, vào ngày 12/7, những cựu chiến binh từ các miền quê lại trở về Vị Xuyên để thắp hương và tưởng nhớ ngày "giỗ trận” - ngày 12/7/1984, hàng trăm chiến sỹ đã hy sinh để giành lại các cao điểm 685, 1509, 772, 1030. Suốt những năm tháng biên giới Vị Xuyên không bình yên đó, đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh và cho đến nay, trên tuyến Vị Xuyên vẫn còn hơn 1.000 liệt sỹ chưa được tìm thấy, chưa thể cất bốc, quy tập. 

Phía không xa kia là biên giới, là những địa danh thuộc huyện Vị Xuyên gắn liền với những trận đánh khốc liệt với tiếng bom mìn, đạn pháo năm nào. Hôm nay, màu xanh bình yên, màu xanh biên giới trải dài vang khúc hát xây dựng cuộc sống mới của người dân vùng biên. Nhưng bất cứ ai tùng đến nơi đây đều không thể quên: Bao người lính đã tạc đời mình vào đá núi Vị Xuyên, tạc vào đất đai cương thổ nơi miền biên viễn. Chính vì thế mà tiếng chuông tri ân, đồng vọng, tiếng chuông hoà bình cứ ngân vang vọng vùng biên cương, vang vọng trong tâm hồn mỗi người.

Bùi Huy


Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục