Các nghệ nhân đang thêu bức tranh lớn 
nhất Việt Nam để chào mừng Đại lễ 1000 
năm Thăng Long Hà Nội (Ảnh: Internet)

Các nghệ nhân đang thêu bức tranh lớn nhất Việt Nam để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội (Ảnh: Internet)

XQ Việt Nam sẽ tổ chức đoàn rước bức tranh thêu tay lớn nhất mang tên “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long” từ Đà Lạt ra Hà Nội. Bức tranh sẽ được trưng bày cùng 12 bức tranh thêu đặc biệt khác của XQ Việt Nam trong Hoàng Thành Thăng Long nhân lễ hội Hoa tại Hoàng Thành trong dịp mừng Đại lễ.

Tổ chức một lễ hội hoa, trà, nhạc, tranh thêu tại Hậu Lâu (Hoàng thành Thăng Long) đón chào Thủ đô 1000 tuổi, tốn 20 tỷ đồng cho ý tưởng này nhưng XQ khẳng định, không vào Hoàng thành để bán tranh.

3 năm trước, những mũi chỉ đầu tiên để thực hiện bức tranh thêu tay lớn nhất mang tên “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long” có trọng lượng kỷ lục 167,5 kg, kích thước dài 4m, rộng 3m đã được thực hiện. Hiện tại chỉ còn chờ hoàn thiện khung và những thủ tục cuối cùng để rước tác phẩm từ Đà Lạt, qua nhiều tỉnh thành đến Hà Nội trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long 10 ngày... Ông Võ Văn Quân, người sáng lập tranh thêu XQ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện chúng tôi nhân hoạt động này.

PV: Từ đâu mà ông có ý tưởng thêu bức tranh kỷ lục dành tặng Thủ đô 1000 năm tuổi?

Ông Võ Văn Quân: - Bức tranh thêu kỷ lục là ước nguyện của những nghệ nhân cũng như những người thợ thêu của XQ từ nhiều năm nay. Tôi có thể ví như đó là cuộc trở về của những người con xa quê. 15 năm nay, hai vợ chồng tôi cứ 27 Tết là đứng ở bến xe để tiễn những người thợ thêu về Bắc đón tết với mẹ, với gia đình, và tất cả đều mong muốn cuộc trở về đó. Ý tưởng làm tác phẩm “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long” được rước về Hà Nội nhân ngày kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long cũng mang ý nghĩa của một cuộc trở về. Hơn nữa, tôi luôn trăn trở rằng những nghệ nhân thêu hôm nay sẽ để lại gì cho thế hệ sau, 10 năm, 100 năm hay 1000 năm nữa? Bức tranh thêu kỷ lục này chính là món quà các nghệ nhân thêu phương Nam dâng tặng Đại lễ.

PV: Bức tranh thêu “Ước nguyện ngàn năm” có gì đặc biệt, thưa ông?

Ông Võ Văn Quân: Đây là tác phẩm tranh thêu tay khổng lồ, dài 4m, rộng 3m, khi hoàn tất có trọng lượng 167,5kg (riêng số chỉ thêu được sử dụng đã nặng tới 12kg). Theo tính toán, những chỉ số về kích thước và trọng lượng này khi kết hợp lại trong một phép nhân sẽ cho kết quả 2010 (4 x 3 x 167,5 = 2010). Đứng đầu trong số 9 nghệ nhân tài hoa của XQ Sử quán Đà Lạt thực hiện bức tranh là Nghệ nhân bàn tay vàng Việt Nam Hoàng Lệ Xuân. Các nghệ nhân đã thêu ròng rã suốt 1.000 ngày để hoàn thành bức tranh khổng lồ đúng tiến độ, món quà đầy ý nghĩa dành tặng thủ đô Hà Nội trong đại lễ sắp tới. Riêng về phần phác thảo bức tranh, tôi cùng 6 họa sĩ của XQ đã rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội trong hơn một tháng, từ 36 phố phường Hà Nội, Bát Tràng, làng Kim Liên đến các vùng ven, sông Hồng... để tìm cảm xúc và ý tưởng cho bức tranh. Cuối cùng chúng tôi lấy “nguyên liệu” chính cho bức tranh là hình ảnh hoa sen...

PV: Ông gửi gắm điều gì trong “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long”?

Ông Võ Văn Quân: Bức tranh lộng lẫy và đầy ý nghĩa với nền là những đóa sen hồng tinh khiết hài hòa với nét cổ kính của mái ngói phố cổ và đường cong mềm mại của kiến trúc chùa chiền. Hơi chếch về bên phải ở phía trên bức tranh là cảnh bình minh ửng hồng cùng hình ảnh sống động của đàn chim lạc đang vỗ cánh. Dòng sông Hồng uốn lượn thấp thoáng ẩn hiện khiến bức tranh vừa có vẻ đẹp thơ mộng vừa nêu bật vượng khí của vùng đất rồng bay... Có lẽ những phác thảo này đã phần nào nói được ước nguyện ngàn năm Thăng Long.

Thông thường, mỗi bức tranh thêu tay chỉ được thực hiện bởi một người thợ nhưng để có tác phẩm hoành tráng này, cả một đội ngũ nghệ nhân có bàn tay vàng thực hiện. Và nếu để một nghệ nhân thêu thì thời gian để hoàn thành bức tranh “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long” lên đến ba ngàn ngày. Ước nguyện đó là tình yêu nghệ thuật, tình đoàn kết, tình bạn và văn hoá. Đơn giản như những người thợ thêu của chúng tôi, họ có ước nguyện thành kính được ra Hà Nội, và đây cũng là dịp để họ thể hiện tấm lòng của mình với Thủ đô. Tôi xin mượn lời Giáo sư Vũ Khiêu để nói về bức tranh như thế này: Bức tranh chứa đựng ý tưởng đáng quý bởi các cô gái Việt Nam dành cả tâm hồn và xúc cảm của mình thêu nên hàng ngàn đóa sen trong trắng, tiêu biểu cho tấm lòng của hơn 80 triệu nhân dân hướng về Thủ đô.

PV: Sau khi hoàn thành, bức tranh sẽ được rước ra Hà Nội như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Văn Quân: Hiện chúng tôi đã làm lễ kết thúc mũi chỉ cuối cùng của bức tranh, chỉ còn hoàn tất khung và đợi đến ngày tổ chức lễ rước tranh về miền đất cội nguồn của ngành thêu Việt Nam, cội nguồn văn hóa dân tộc: Đất Thăng Long - Hà Nội. Đoàn rước sẽ có sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hiện số người đăng ký tham gia lễ rước đã lên tới hàng nghìn người. Hành trình đoàn rước với nghi lễ truyền thống và các nghi thức ấn tượng sẽ bắt đầu từ Đà Lạt, diễu hành suốt chiều dài duyên hải miền Trung qua các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Ninh Bình… ra Hà Nội.

PV: Trong lễ hội hoa mà XQ sắp tổ chức tại Hoàng thành, bức tranh thêu có vị trí như thế nào?

Ông Võ Văn Quân: Theo dự án Không gian nghệ thuật Thành cổ (thời gian chuẩn bị và thực hiện từ 1/4 - 30/10/2010) nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, chúng tôi sẽ làm một lễ hội của hoa, của âm nhạc, của nghệ thuật tranh thêu tay sẽ trải rộng trên diện tích khoảng 10.000m2, với tổng kinh phí 20 tỉ đồng. Lễ hội sẽ mở cửa tự do chào đón du khách, và chúng tôi tin, trong không gian nghệ thuật đậm chất thơ này sẽ giúp cho người thưởng thức thêm yêu, thêm quý giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bức tranh thêu khổng lồ “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long”- món quà của các nghệ nhân thêu Việt Nam tặng TP Hà Nội nhân dịp 1.000 năm Thăng Long- sẽ được trưng bày tại Lễ hội, như là một điểm nhấn trong không gian nghệ thuật của Hậu Lâu, Hoàng Thành. Sau đó, bức tranh sẽ được tặng cho TP Hà Nội.

PV: Ông có e ngại mọi người sẽ nghĩ ông tổ chức Lễ hội hoa và trưng bày tranh trong Thành cổ Hà Nội là để quảng cáo cho XQ và vào đó bán tranh không?

Ông Võ Văn Quân: Tôi khẳng định là tôi không có ý định bán tranh hay kiếm chác gì ở Thành cổ. Nếu để kiếm tiền tôi đã kiếm bằng cách khác, và tôi đâu có cần tiền đến mức vào những nơi linh thiêng như thế để... bán tranh. Mục đích cao nhất của lễ hội là tôn vinh nghề thêu tay truyền thống, tôn vinh những người phụ nữ Việt ngàn năm bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề thêu truyền thống. Vả lại, kinh phí tổ chức lễ hội hoàn toàn do XQ bỏ ra lên đến 20 tỷ đồng, nếu bán tranh trong thành cổ liệu có thu hồi lại? Thương hiệu XQ cũng đã đủ để những người yêu tranh thêu tìm đến các cơ sở của XQ để mua.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

 

                                                                         Theo ĐCSVN

Các tin khác


Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục