Tỉnh Ðác Lắc và huyện Krông Năng vừa thông qua dự án xây dựng khu Chợ văn hóa Việt Bắc tại xã Ea Tam. Sự kiện này làm nức lòng nhân dân trong xã, bởi đây là địa phương có chín dân tộc anh em, trong đó hơn 80% là đồng bào Tày, Nùng từ Việt Bắc tới định cư...

 

   
              

         Trao đổi hàng hóa, nông sản ở trung tâm
       xã Ea Tam, huyên Krông Năng(Đác Lắc).

 

 

 

 

 

 


 

 

Sau mấy năm trở lại, thấy đường vào xã Ea Tam thay đổi lạ thường. Con đường đất đỏ dài gần 20 km từ huyện vào xã trước đây gồ ghề sỏi đá, giờ là đường nhựa chạy qua những cánh rừng cao-su, cà-phê và các buôn làng. Xã Ea Tam được tách ra từ xã Tam Giang đã tròn 21 năm, đến năm 2010 này, toàn xã có 2.047 hộ với gần 10.000 nhân khẩu, trong đó hơn 80% là đồng bào Tày, Nùng đến từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn. Trước đây, Ea Tam đất rộng người thưa, hầu hết đất đai hoang hóa, cằn cỗi và nghèo kiệt. Năm 1989, Ðảng bộ và chính quyền xã mới được  thành lập nhưng tập hợp được nhiều cán bộ có kinh nghiệm về công tác đảng và quản lý nhà nước, một số đồng chí từng chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có kinh nghiệm dân vận... Từ đó, họ đoàn kết một lòng, chung tay từng bước tháo gỡ khó khăn. Lúc đầu, người dân Ea Tam tập trung ở hai thôn Tam Lập và Tam Phong. Rồi khai hoang phục hóa đến đâu, đồng bào di chuyển đến đó, sau 10 năm, toàn xã có tới 15 thôn, buôn.


Hôm nay, tại trung tâm xã đã có cơ sở sửa chữa cơ khí nông nghiệp, có lò rèn sản xuất các loại dụng cụ nông nghiệp, có các cửa hàng sửa chữa xe máy, đồ điện tử, máy xay xát, máy chế biến lương thực, thực phẩm. Rồi các cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua nông sản cũng phát triển rất nhiều. Xã đã xây dựng khu chợ mới rộng hơn 2 ha, khang trang và sạch đẹp với các khu mua bán từng loại hàng hóa. Khu mua bán sản phẩm nông nghiệp rất rộng, xe tải lớn có thể ra vào dễ dàng. Việc xây dựng chợ Ea Tam, không chỉ để có nơi mua bán thuận tiện cho nhân dân, mà Ðảng bộ, chính quyền xã đã có tầm nhìn lâu dài cho khu chợ này. Từ đó, đề án xây dựng chợ Ea Tam thành Chợ văn hóa Việt Bắc giữa Tây Nguyên đã được tỉnh, huyện đồng ý cho phép triển khai, và đang được từng bước thực hiện. Dịp kỷ niệm 20 năm thành lập xã vừa qua, khu đất rộng cạnh chợ là nơi tổ chức mít-tinh, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật dân gian từ Việt Bắc vào, với sự chứng kiến của lãnh đạo các tỉnh và thành phố có dân đến lập nghiệp ở Ea Tam. Khu đất này tới đây sẽ xây dựng các nhà sàn, xưởng dệt thổ cẩm, nơi bán hàng lưu niệm, các cửa hàng ẩm thực Việt Bắc, tổ chức các lễ hội lớn và dự kiến mỗi tháng sẽ có một lễ hội nhỏ mang sắc thái vùng miền của Ea Tam và Việt Bắc. Rồi đây, Chợ văn hóa Việt Bắc ở Ea Tam sẽ là nơi hội tụ, giao lưu học hỏi của đồng bào Việt Bắc đang có mặt ở Tây Nguyên, và miền nam nói chung. Có lẽ vì thế, một khu dân cư tập trung với 650 hộ, xây dựng theo mô hình Phố nông thôn vừa làm xong mặt bằng đã được nhân dân đăng ký mua hết.

Ở Ea Tam, chất lượng và số lượng dân cư ở mỗi thôn buôn khá đồng đều. Hàng chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Krông Năng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Ea Tam luôn đoàn kết, thống nhất trong xác định các mục tiêu kinh tế chủ yếu. Ðó là tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, vừa sản xuất lương thực, chăn nuôi, vừa khai hoang để phát triển cây công nghiệp; với phương châm đảng viên gương mẫu làm trước, động viên quần chúng tích cực làm theo, dám nghĩ, dám làm nhưng phải dứt điểm từng việc. Thực tế đã chứng minh nhận thức và hành động của Ðảng bộ, chính quyền xã là đúng đắn, được nhân dân các dân tộc trong xã ủng hộ. Toàn xã hiện có 734 máy cày tay, 1.858 xe máy các loại, 2.047 vô tuyến truyền hình, 67% số hộ dùng điện lưới quốc gia; mức tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của xã từ 12 đến 14%, thu nhập bình quân đầu người 10 triệu đồng/năm; hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 18%.

Ở Ea Tam xuất hiện nhiều cá nhân, gia đình sản xuất kinh doanh tiêu biểu trên từng lĩnh vực. Gia đình ông Nông Văn Công là điển hình sản xuất ngô có năng suất cao, đạt năng suất 12 tạ một sào trong hai vụ. Ông Lý Văn Ðức, người dân tộc Tày ở Bắc Cạn, khi vào đây, mới chỉ có trình độ học vấn lớp 4, nhưng nhờ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông đã tự làm được một trạm thủy điện nhỏ kết hợp làm trạm bơm tưới tiêu. Trạm thủy điện công suất hơn 1kW, không chỉ đủ để thắp sáng, mà còn chạy được máy chuyên dụng trong gia đình như xay xát, tẽ ngô,... phục vụ chăn nuôi. Nhờ có trạm bơm gia đình ông khai phá được nhiều ao, ruộng cấy lúa hai vụ, tưới nước cho cây công nghiệp, cây ăn quả. Không chỉ nghĩ cho gia đình mình, ông Ðức còn góp sức, góp phần mở rộng diện tích lúa nước của xã. Ông dùng một thước ngắm chữ T, dùng mắt ngắm bình độ để cắm tuyến mương, gặp đá to thì chất củi đốt rồi đổ nước cho đá vỡ, dùng xà-beng bẩy đá đi. Sau một thời gian, xã và bà con hưởng ứng, góp công, góp của, một con mương dài năm km đã hoàn thành, rồi bà con làm tiếp con mương thứ hai dài chín km. Hai con mương này giúp xã mở rộng diện tích lúa nước từ 100 ha lên 490 ha, sản lượng lương thực hằng năm đạt 2.400 tấn, thừa ăn cho cả xã.

Ngoài ngô, lúa là cây lương thực chính, nhân dân Ea Tam còn trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, có thể xen canh như sắn, khoai, các loại đỗ, lạc... Nhờ có đất chăn thả rộng, nguồn lương thực dồi dào, đàn gia súc, gia cầm không ngừng phát triển, hiện cả xã có 2.100 con trâu, bò, dê; đàn lợn có 5.100 con, và 32.000 con gia cầm các loại. Với hơn 50 ha mặt nước ao hồ, nhân dân trong xã còn nuôi thủy sản, đồng thời giữ nước để tưới tiêu cho cây trồng. Hồ Ea Tam đã được giao khoán để thả cá và chăn vịt đem lại nguồn thu lớn cho xã. Nghề nuôi ong cũng phát triển mạnh nhờ nguồn hoa phong phú từ cà-phê và các loại cây ăn quả. Cùng với phát triển nông nghiệp, xã phát triển các loại cây dài ngày, lấy cà-phê là cây trồng chính. Hiện xã Ea Tam có 1.731 ha cà-phê, sản lượng hằng năm đạt 4.327,5 tấn, tạo nguồn hàng xuất khẩu lớn cho Krông Năng. Cây công nghiệp từng bước được đa dạng hóa, toàn xã mới trồng được 76 ha cao-su và 100 ha cây ăn quả các loại. Kinh tế của xã ngày một phát triển, cho nên đã thúc đẩy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển theo.

Ea Tam hôm nay đổi thay về mọi mặt. Ðường giao thông, công sở, trường học, trạm y tế sạch đẹp. Phố xá, chợ búa đông vui, hàng hóa phong phú. Các thôn, buôn nhà cửa làm tập trung ở những chân đồi thấp, nhìn ra cánh đồng lúa chín vàng chấp chới cánh cò, xa xa là rừng cà-phê, cao-su xanh biếc. Tiếng vịt kêu ồn ã trên mặt hồ Ea Tam xanh trong gợn sóng. Con đập ngăn nước hồ trở thành đoạn đường lộng gió, nối khu trung tâm cũ với khu trung tâm mới, ngày đêm không ngớt xe máy, ô-tô đi lại. Buôn Chấp của bà con Ê Ðê được xã và các thôn giúp đỡ cũng thay đổi nhiều. Cùng với hệ thống điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhân dân trong xã góp vốn và công sức xây dựng 80 km đường liên thôn, và 20 km đường liên xã, đi lại thuận tiện, giao thông thông suốt trong cả mùa mưa. Bốn trường học của xã đều được đầu tư xây dựng cơ bản để 100% số trẻ em trong độ tuổi đều được đi học. Một số em đã học qua THPT, lên cao đẳng và đại học. Xã cũng đã hoàn thành công tác phổ cập THCS. Các chế độ chính sách đối với người có công và thương binh, bệnh binh được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Trạm y tế xã có một bác sĩ và bốn y sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, phòng bệnh cho nhân dân. Hệ thống truyền thanh của xã đã nối tới tất cả các thôn buôn, tạo điều kiện phổ biến nhanh chóng các chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước đến nhân dân. Chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt trong CLB văn hóa dân tộc. Phong trào thể dục, thể thao, văn nghệ đã góp phần làm cho cuộc sống thêm vui tươi, đội văn nghệ của xã đã tích cực tham gia các lễ hội của huyện, tỉnh.

Nhìn lại chặng đường từ vùng đất hoang hóa khô cằn đến Giấc mơ xanh hôm nay, Bí thư Ðảng ủy xã Ðinh Công Hưởng cho rằng: Ðể có được thành công ấy, trước hết Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã xây dựng và duy trì được khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", giúp đỡ nhau cùng phát triển. Từ ba đảng viên ngày đầu thành lập xã, đến nay toàn xã đã có 176 đảng viên sinh hoạt ở 19 chi bộ.  Ea Tam hôm nay tuy còn nhiều việc phải làm, khó khăn trở ngại chưa hết nhưng con đường đi tới đang rộng mở. Những thành tựu, kinh nghiệm có được sau 20 năm giúp Ea Tam rút ra những bài học bổ ích trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
 
 
 
                                                                  Theo Báo ND
              
 
     
 
                                     

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục