Làm phim lịch sử về Thăng Long, Long thành cầm giả ca không có những màn chiến trận ngút trời, không có nhiều cảnh gươm đao nhưng vẫn làm lay động lòng người bởi bộ phim đã tạo ra một hồn cốt Thăng Long chân thực. Ở đó có sự đồng cảm giữa những tâm hồn nghệ sĩ mong manh, những con người lưu giữ vẻ đẹp kỳ lạ của mảnh đất kinh kỳ một thủa.

Tạo ra một hồn cốt Thăng Long

Long thành cầm giả ca xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của hai nhân vật chính Tố Như (Ngọc Ngoan đóng) và Cầm (ca sĩ Nhật Kim Anh thủ vai), trải dài từ thuở mới lớn cho đến tuổi trung niên. Cầm là một cô gái xuất thân trong gia đình có mẹ và dì đều là ca kỹ. Lớn lên, cô được gửi lên Long thành học đàn.

Trên đường đến Long thành, Cầm tình cờ gặp và quen với tân khoa Tố Như khi anh trên đường đi thi về. Cuộc gặp gỡ tình cờ với cô bé có nốt ruồi nơi khóe miệng đã làm xao động tâm hồn của Tố Như dù rằng anh đã có vợ ở quê nhà.

Tố Như và Cầm trong một cảnh quay chạy loạn ở Long thành cầm giả ca. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Bộ phim được dựng dựa theo tinh thần của bài thơ Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du (viết khoảng 1813 -1814 trong thời gian ông đi sứ sang Trung Quốc). Trên nền kịch bản giàu chất thơ của tác giả Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn đã dựng lên một hồn cốt Thăng Long thông qua những điều rất riêng trong ứng xử, cách thể hiện tình cảm của các nhân vật hay những cảnh quay có sự lựa chọn rất kỹ về bối cảnh, phục trang ở một giai đoạn lịch sử của đất nước phải trải qua nhiều biến loạn nhất với sự thay đổi của nhiều triều đại.

Tuy nhiên, Long thành cầm giả ca đã vẽ một Thăng Long không phải của vua chúa, triều chính với những người anh hùng mà là một Thăng Long của những trí thức đau đời như Nguyễn Du, của những người nghệ sĩ mong manh như cô Cầm. Đạo diễn Đào Bá Sơn đã “phục dựng” một Thăng Long với những vẻ đẹp đã mất, nơi đó có những kẻ sĩ chỉ có ở đất ấy, và ngay cả người ca kỹ cũng chỉ có thể đàn và hát thật hay khi còn ở Long Thành “mẹ bảo con là thuộc về nơi ấy, về Long Thành” (lời thoại trong phim của nhân vật Cầm).

Bộ phim lịch sử vì thế không có nhiều cảnh gươm đao, không có những màn chiến trận ngút trời nhưng lại chạm tới trái tim người xem bởi lối kể chuyện giản dị và bình tĩnh nhưng cặn kẽ tới từng chi tiết. Ở đó, người xem cảm nhận được sự xót xa đến bẽ bàng của người ca kỹ, nhưng cũng cảm phục người trí thức nhiều “tấc niềm” là Tố Như.

Lần đầu tiên chân dung đại thi hào Nguyễn Du được dựng thành phim.

Trong phim, đạo diễn Đào Bá Sơn còn có những cảnh quay đặc tả: những cô gái được thầy dạy đàn hát luyện âm trong chum, ngâm tay trong thuốc bắc hay những màn hát văn, lên đồng của những ca nữ khiến quân xâm lược dù chẳng hiểu chữ tiếng Việt nào cũng bị khuất phục để tạo ra những nét văn hóa rất riêng biệt của mảnh đất Long thành một thủa. Vì thế, tâm sự đau đáu của tác giả kịch bản Văn Lê: “Các triều đại có thể bị phế truất, thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn” khi viết kịch bản này đã được đạo diễn Đào Bá Sơn “đọc” ra và thể hiện thành công.

Một bộ phim lịch sử thành công

Trong hàng loạt dự án phim truyện nhựa, phim truyền hình lấy đề tài lịch sử làm chất liệu chính để dựng phim nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long thì theo nhận định của biên kịch, đạo diễn Lê Phương “Long thành cầm giả ca là bộ phim thành công nhất”. Đã từng xem 19 tập phim Đường tới Thăng Long, 5 tập Huyền sử thiên đô, biên kịch phim Biệt động Sài Gòn không tiếc lời cho rằng: “Long thành cầm giả ca làm ngon lành nhất”. Đạo diễn Lê Phương cũng tếu táo đùa rằng “không ngờ ông Đào Bá Sơn làm được một phim hay như vậy”

Trong khi đó, nhà văn Ngô Thảo nhiệt liệt chúc mừng đạo diễn của Long thành cầm giả ca. Ông không quá lời khi thành thật chia sẻ: “Phim này nếu chiếu giới thiệu trong tuần lễ liên hoan phim quốc tế tới đây, chúng ta không xấu hổ”.

Trong phim có nhiều cảnh nữ diễn viên chính hở da thịt. Tuy nhiên đặt trong các hoàn cảnh người xem đều thấy đó là tình tiết hợp lý.

Tuy nhiên, ngay sau khi xem xong, biên kịch Lê Phương đã ngay lập tức “nhặt” được sạn. Theo ông, cảnh sex đặt vào bối cảnh của phim này hơi khiên cưỡng, tiếng sáo thỉnh thoảng còn hơi “chói” hay ánh sáng ở một số phân cảnh còn chưa phù hợp, phim vẫn duy trì lồng tiếng thay vì thu tiếng trực tiếp… Vậy nhưng, không ít khán giả xem xong bộ phim lại trầm trồ về cảnh quay bán khỏa thân của nữ diễn viên chính Nhật Kim Anh trong vai cô Cầm bên chiếc giếng làng.

Lý giải cho sự thành công của Long thành cầm giả ca, Lê Phương cho rằng, kịch bản này rất hợp với tạng người Việt Nam. Cũng theo ông, chúng ta chưa làm nổi các phim lịch sử theo kiểu bài binh, bố trận nên nếu dây vào là y như rằng sẽ “tuyệt vời về dở”. Long thành cầm giả ca đã thành công ngay ở việc chọn đề tài, vì thế, ngoại trừ một vài hạt sạn “phim nào chẳng có” theo cách nói của Lê Phương thì có thể coi là một bộ phim lịch sử thành công.

Long Thành cầm giả ca do Nhà nước tài trợ Hãng phim Giải Phóng sản xuất với tổng kinh phí được duyệt là 7 tỷ đồng. Bộ phim được dựng từ kịch bản đoạt giải nhất cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long (do Bộ VH-TT&DL và UBND TP Hà Nội tổ chức) của nhà thơ Văn Lê.


Theo Đất Việt

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục