Việc tăng giá tác quyền có ảnh hưởng đến lượng băng đĩa được sản xuất và tiêu thụ?

Việc tăng giá tác quyền có ảnh hưởng đến lượng băng đĩa được sản xuất và tiêu thụ?

Trong khi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) tuyên bố sẽ ngừng sản xuất để phản ứng việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) tăng 100% giá tác quyền tác phẩm âm nhạc, giám đốc VCPMC - nhạc sĩ Phó Đức Phương chỉ bình luận ngắn gọn: “Họ (chỉ RIAV) nên xem xét lại cách làm ăn kém hiệu quả của mình...”.

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định lại một lần nữa về quan điểm của trung tâm khi đưa ra “Biểu giá thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc” mới: “Giá cũ tồn tại đã gần 10 năm, vật giá leo thang, nhiều hàng hóa đã trượt giá đến 200-300%, tất nhiên bài hát không phải mớ rau con cá nhưng cũng là một loại hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt phải chịu sự điều tiết, chi phối của thị trường. Chúng tôi là cơ quan thuộc Hội Nhạc sĩ, và chúng tôi làm tất cả để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người sáng tác. Làm ăn kiểu RIAV có lẽ đã không còn hợp thời nữa, lượng băng đĩa của họ giảm không phải do chúng tôi tăng giá tác quyền”.

Đã hết thời các băng đĩa tổng hợp?

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói: “Dù không hưởng lợi trực tiếp từ trung tâm nhiều lắm vì lâu nay tôi vẫn tự bán bài hát của mình và tự sản xuất đĩa cho mình, nhưng tôi thấy việc tăng giá tác quyền là đương nhiên. Giá tác quyền lâu nay quá thấp, không thể lấy việc băng đĩa bị in lậu để bào chữa cho việc trả bản quyền thấp. Như vậy hóa ra người ngay phải lụy kẻ gian hay sao? Họ không hiểu hay cố tình không hiểu giá bản quyền một bài hát lần đầu của tôi lâu nay đã là 10-20 triệu đồng, những ca sĩ nào muốn biểu diễn và thu âm sau đó thì trả qua trung tâm, mà tôi còn chưa phải ở vào hàng những nhạc sĩ ăn khách nhất đấy. Tôi chỉ thấy buồn cười cho tâm lý: cứ cái gì miễn phí hoặc trả rẻ được thì mới coi là “có tình”, còn nhạc sĩ hễ lên tiếng đòi quyền lợi thì luôn bị coi là “không biết điều”.

Thực tế hơn, biên tập viên Chu Minh Vũ - người biên tập nhiều chương trình ca nhạc như Con đường âm nhạc, Không gian âm nhạc - cho rằng: “Tôi làm biên tập nhiều đĩa cho ca sĩ, tôi biết các ca sĩ từ lâu phải trả cho nhạc sĩ mà họ trực tiếp liên hệ cái giá cao hơn giá trung tâm đang đề xuất. Đơn cử như CD Trịnh Công Sơn của Hiền Thục, chúng tôi đã phải trả tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 2 triệu đồng/bài, và gia đình vẫn thu như vậy từ lâu nay. Một nhạc sĩ đang ăn khách như Hải Phong, giá cho một bài hát lần đầu hiện không bao giờ dưới 1.000 USD. Ca sĩ và nhà sản xuất hoàn toàn có thể lựa chọn cách mua tác quyền theo tính toán của mình: đợi có ca sĩ trẻ mua trước, hát trước rồi mình mua lại, hát sau với giá rẻ, chỉ 1-2 triệu đồng/lần thu; còn nếu xác định phải độc quyền thì mua độc quyền, giá rất cao”.

Chu Minh Vũ nói thêm: “Vấn đề là ở chỗ càng ngày các album tổng hợp kiểu mỗi ca sĩ hát một bài càng trở nên không hợp thị hiếu khán thính giả. Khán giả đã quen xài hàng “độc”, thửa riêng của từng ca sĩ từ gần chục năm nay. Khán giả không thích thì lượng băng đĩa tiêu thụ thấp xuống, chứ thật ra tiền tác quyền nhạc sĩ chưa thấm vào đâu so với catsê ghi âm của ca sĩ, nhất là ca sĩ hạng sao”.

Đừng để đến nỗi “trạng chết chúa cũng băng hà”

Tuy chung một nỗi lo lắng vì giá bản quyền tăng, nhưng ông Phạm Đông Hồng - nhà sản xuất của Thăng Long Audio - thừa nhận: “Đồng ý là giá cả cái gì cũng lên và giá bản quyền lên cũng là hợp lẽ, nhưng quả thật với một hãng nhỏ, chuyên phục vụ là chính như chúng tôi, tăng giá tác quyền cũng là vấn đề đau đầu. RIAV nói ngưng sản xuất là nói thế thôi chứ chúng tôi ngưng làm sao được. Vấn đề là phải ngồi lại thương thảo với nhau, đừng để đến nỗi “trạng chết chúa cũng băng hà”. Quan hệ của nhà sản xuất với nhạc sĩ là quan hệ cộng sinh, phải dựa vào nhau mà sống”.

Rất thận trọng với lý do “đang đi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN cho biết: “Hội Nhạc sĩ VN chưa phát biểu quan điểm chính thức về vụ việc này, vì cần có một cuộc họp “ba mặt một lời với cả RIAV và VCPMC” (một cuộc họp do RIAV tổ chức diễn ra chiều nay 6-5 tại TP.HCM - NV). Hội sẽ luôn nhìn nhận vấn đề trên lợi ích cộng đồng và quyền lợi của các nhà sáng tạo. Trong vụ việc phức tạp này cũng vậy, Hội Nhạc sĩ sẽ vào cuộc khi có sự thống nhất của cả ban chấp hành, và hội đã làm là làm đến nơi đến chốn như vụ đòi tác quyền âm nhạc trên máy bay của Vietnam Airlines. Tuy nhiên trước khi để pháp luật lên tiếng, cần nhìn sự việc không chỉ là tiền mà còn là ứng xử văn hóa vì lợi ích chung của cộng đồng”.

                                                                                     Theo Tuổi trẻ

 

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục