Hiếm có một nhà văn Việt Nam nào, mà ngay từ tác phẩm đầu tay đã thành danh và nổi tiếng như nhà văn Tô Hoài. “Dế mèn phiêu lưu ký” được ông viết từ năm 17 tuổi đã dịch ra 37 thứ tiếng và vẫn không ngừng được tái bản hàng năm ở trong nước và trên thế giới. Ông quan niệm, sống đã rồi mới viết...

 

Nhà văn Tô Hoài đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về số lượng lẫn chất lượng trên văn đàn Việt Nam như “Vợ chồng A Phủ”, “Truyện Tây Bắc”, “Cát bụi chân ai”… Những nhân vật của ông bước từ đời sống vào trang sách và từ trang sách bước vào cuộc sống, gần gụi và vô cùng bình dị. Phóng viên CAND Cuối tuần đã may mắn được lắng nghe những chia sẽ của cây đa cổ thụ của nền văn học Việt Nam về những trang viết đầu tiên và quan niệm về nghề của mình.

- Thưa nhà văn Tô Hoài, năm nay ông đã 92 tuổi, ông cũng đã để lại một khối lượng tác phẩm rất đồ sộ, gần 180 tác phẩm. Nhiều người bảo nhà văn Tô Hoài là người sinh ra để viết. Ông nhớ gì về những trang viết đầu tiên của mình ạ?

- Tôi vốn mê văn học nên đọc nhiều và thích viết từ bé. Nhà tôi xưa cũng ở Nghĩa Tân, mẹ ở phường Nghĩa Đô, đó là cái làng Nghĩa Đô cũ ngày xưa, giờ chia thành Nghĩa Tân và Nghĩa Đô. Ở đây toàn cán bộ viên chức, và có một làng nghề làm giấy là làng Yên Thái. Bố tôi ở Thanh Oai, ông làm việc ở Hà Nội, và Sài Gòn, nên ông cụ cũng lên Nghĩa Đô ở, tôi sinh ra ở Nghĩa Đô, ngày xưa là cái làng ven sông Tô Lịch bạt ngàn rau muống. Đó là con sông gắn liền với tuổi thơ của tôi. Sông Tô Lịch ngày xưa rộng và trong lành lắm, kéo dài từ đây cho tới Hà Đông, thích hợp cho lũ trẻ con chơi bời, chọi dế, đúc dế, tắm sông thỏa thích. Tôi học trẻ con ở Trường Yên Thái, học cấp 2 ở Phó Đức Chính ở trên đê Yên Phụ, đi bộ khoảng 7km bằng đường đất. Giờ vẫn còn cái trường ở đó.

- Tôi được biết rằng, cũng như nhiều nhà văn lớn của Việt Nam, nhà văn Tô Hoài bắt đầu đến với văn chương bằng thơ như một cuộc thử nghiệm.

- Đúng thế, đầu tiên tôi làm thơ, nhưng tôi tự thấy làm thơ không được hay nên tôi chủ trương viết văn xuôi. Tôi tự lượng được sức của mình. Tôi cũng không còn nhớ những câu thơ đầu tiên của mình nữa.

- Ông là người đọc nhiều, đi nhiều và bắt đầu viết từ lúc còn nhỏ tuổi, vậy tác phẩm đầu tay của ông là gì ạ.

- Tôi thích viết từ bé, nên tôi vẫn viết đều đều, đi hộ đê, tôi cũng từng viết truyện Nước lên, một vài truyện về các vùng quê, rồi viết báo cho tờ Tân văn của cụ Vũ Ngọc Phan, và tờ Tân dân của cụ Vũ Đình Long. Các cụ bảo tôi viết truyện cho trẻ con. Tôi viết "Con dế mèn", đó mới là tác phẩm đầu tay. Cụ Vũ Đình Long xuất bản ở Nhà xuất bản Tân dân, sách ra rồi, cụ gọi tôi đến và bảo, sách của ông bán chạy lắm, và đưa cho tôi 5 đồng nhuận bút, mà hồi đó 3 đồng là mua được một tạ gạo, hoặc may được bộ quần áo Tây. Cụ Vũ Đình Long còn bảo, sách chạy lắm, ông viết đi. Nên tôi hào hứng viết tiếp "Con dế mèn" thành "Dế mèn phiêu lưu ký". Đó là năm 1941, tôi vừa 17 tuổi. Và sau này người ta nhớ đến "Dế mèn phiêu lưu ký".

- Vậy từ "Con dế mèn" đến "Dế mèn phiêu lưu ký" ông có chỉnh sửa nhiều không ạ?

- “Con dế mèn” lúc đầu chỉ khoảng 40 trang, còn "Dế mèn phiêu lưu ký" tận 80 trang. Tôi chỉ phát triển tiếp lên thôi. Kết thúc ở đoạn Dế mèn về thăm mộ ông cụ và cùng Dế trũi đi phiêu lưu. Chứ tôi không sửa gì. Tôi viết "Con dế mèn" chả lâu tí nào, viết bằng mực tím chỉ 1-2 tối là xong, còn "Dế mèn phiêu lưu ký" thì chỉ mất 3-4 đêm. Có lẽ vì tôi thuộc con dế mèn quá, thuộc thực tế, cả thực tế xã hội nữa. Cứ thế là in thôi, không phải chỉnh sửa tí nào hết.

- Tôi còn nhớ nhà văn Nguyễn Hồng viết "Bỉ vỏ" năm 16 tuổi. Còn nhà văn Tô Hoài viết "Dế mèn phiêu lưu ký" năm 17 tuổi. Những tác phẩm trở thành kinh điển trong nền văn học Việt Nam. Có lẽ chỉ có một cách lý giải, đó những khoảnh khắc thiên tài.

- (Cười) Tôi viết "Dế mèn phiêu lưu ký" giản dị thế này thôi. Có hai thực tế trong tác phẩm của tôi. Đó là từ thực tế của tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông Tô Lịch, thực tế của những con vật. Tôi thường hay đi đúc dế, hiểu đến chân tơ kẽ tóc về loài dế và những con vật sống quanh nó. Và năm 17 tuổi, tôi bắt đầu tham gia phong trào Mặt trận bình dân của Hà Nội, tôi là người làng dệt, nhà tôi làm nghề dệt cửi, hồi đó tôi là Chủ tịch Hội Ái hữu thợ dệt Hà Đông. Đó cũng là tư tưởng của chú Dế mèn, Dế trũi và các con vật phiêu lưu lập thế giới đại đồng. Đó là thực tế xã hội mà tôi đang sống. Và thứ 3 nữa là thực tế của nghệ thuật. Hồi đó, tôi rất mê những cuốn như Olive du ký do Nguyễn Văn Vĩnh dịch trong sách Âu Tây tư tưởng và một số cuốn viết cho thiếu nhi của văn học Pháp. Tôi đọc bằng tiếng Pháp. Tư tưởng về nghệ thuật của những tác phẩm đó có ảnh hưởng đến tôi và gợi ý cho tôi viết Con dế mèn.

Bìa truyện "Dế mèn phiêu lưu ký".

Hồi nhỏ tôi chỉ học hết sơ học Pháp Việt, thi hai lần vào Trường Bưởi đều bị trượt. Cho nên tôi tự học và học từ cuộc sống, từ việc đọc sách mỗi ngày.

- Thưa nhà văn Tô Hoài, "Dế mèn phiêu lưu ký", tác phẩm đầu tay của ông đã vượt qua biên giới của một quốc gia trở thành tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới. Liệu điều đó có gây áp lực gì đối với nghề viết của ông không ạ?

- Tôi viết giản dị như kể chuyện về đời sống vậy thôi. Có áp lực gì đâu. Từ "Dế mèn phiêu lưu ký", tôi trở thành người viết. Tôi đi phiêu lưu một chuyến Trung, Nam, Bắc, Miên, Lào, rong ruổi hàng năm trời. Tôi đi bằng tiền nhuận bút của "Dế mèn phiêu lưu ký". Vả lại, ngày xưa làng tôi làm nghề dệt, những người thợ dệt đi làm ăn khắp nơi, nhiều người nhận ra tôi và họ nuôi tôi. Đi rồi về viết tiếp. Tôi nghĩ, phải sống đã rồi mới viết. Những gì tôi viết đều là những trải nghiệm trong cuộc sống của tôi.

- Truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" của ông đã trở thành sách gối đầu giường của các thế hệ trẻ em Việt Nam. Nhưng đó không chỉ là câu chuyện của trẻ con, của loài vật, mà còn là những suy ngẫm về thời đại, và có cả hình ảnh của nhà văn Tô Hoài trong đó. Từ cuộc phiêu lưu của chú Dế mèn, ông đã đi tiếp những hành trình khác của mình như thế nào ạ?

- Đời tôi sôi nổi lắm. Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi làm Báo Cứu quốc, giờ là Báo Đại đoàn kết. Rồi đi kháng chiến, tôi chủ nhiệm Báo Cứu quốc Việt Bắc cùng với Nam Cao. Tôi ở 10 năm ở Bắc Cạn. Tôi lại đi vào một thực tế khác của dân tộc, thành người Tày, Nùng, còn lấy tên Tày là Nông Văn Tư. Hồi đó tôi viết truyện ngắn "Núi cứu quốc". Hòa bình lập lại, tôi đi vào vùng dân tộc Mông, rồi bắt đầu đi Hà Giang. Và viết "Vợ chồng A phủ", và "Miền Tây", được giải thưởng Á Phi. Thời đó, đi vào thực tế nào, tôi cũng cố gắng hiểu một cách sâu sắc đời sống ở đó, truyện phim "Vợ chồng A Phủ" cũng chính do tôi viết, nhạc của Nguyễn Văn Thương, còn lời Tô Hoài. Sau này, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Á - Phi - Mỹ La tinh, tôi cũng đi gần khắp các nước. Đến đâu họ cũng biết tôi, vì có cuốn sách Dế mèn. Hiện nay, theo tôi biết thì đã có 37 nước mua bản quyền cuốn sách của tôi. Nhiều nước họ trả tiền trực tiếp cho tôi, khi tôi sang đó.

- Ông có thể tiết lộ số tiền bản quyền mà ông nhận được?

- Không đáng là bao, họ chỉ trả tượng trưng là chính. Còn nhiều nhất là Nga, tôi chỉ nhớ là nhiều nhất chứ không nhớ là bao nhiêu. Nhưng có rất nhiều câu chuyện thú vị. Có một nhà xuất bản ở Đức, họ xuất bản "Dế mèn phiêu lưu ký" và kèm theo đó là một cuốn từ điển về loài vật, con dế mèn, con dế trũi, con xiến tóc. Nga, Nhật cũng tương tự như thế.

- Ở nước ngoài, với những tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu rộng như "Dế mèn phiêu lưu ký", họ sẽ có biểu tượng của con dế, như chú chuột mickey… Còn ở Việt Nam, ông có nghĩ về điều này.

- Nhà tôi có nhiều con dế mèn, có những con dế, bạn bè tôi ra nước ngoài mua về là chính. Ở nhiều nước, khi họ xuất bản “Dế mèn phiêu lưu ký“ thì họ làm thêm biểu tượng con dế bán kèm. Còn ở Việt Nam thì chưa, tôi nghe nói có một hoa viên trong TP Hồ Chí Minh đúc 7 bức tượng con dế mèn đang chuẩn bị khánh thành. Năm nay, Nhà xuất bản Kim Đồng dự định sẽ kỷ niệm 70 năm ra đời cuốn sách "Dế mèn phiêu lưu ký". Hôm vừa rồi mấy cháu bên nhà xuất bản thông báo đã tìm được bản in đầu tiên của cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”, bằng giấy đen…

- Vâng, nhắc đến nhà văn Tô Hoài nhiều người còn nhớ đến một mảng hiện thực rất gai góc của ông đó là Hồi ký. Nhiều người đánh giá, "Cát bụi chân ai", "Chiều chiều' là những tác phẩm xuất sắc nhất trong văn nghiệp của ông. Ông nhớ gì về cuốn hồi ký đầu tiên của mình.

- Khi tôi viết tự truyện, khi tôi viết hồi ký. Có đến 10 cuốn. “Chiều chiều”, “Cát bụi chân ai”… Nhưng cuốn đầu tiên là 10 năm, cũng từng không được in. Tôi viết về thực tế phong trào Cách mạng Tháng Tám ở Vạn Phúc, Hà Đông cũ. Có một cô tham gia phong trào rất sôi nổi, nhưng lẳng lơ vô cùng. Khi tôi viết cuốn này, thì có cán bộ Hà Đông kéo lên kiện, họ bảo, phụ nữ Hà Đông không có người nào như vậy. Cuốn này giờ đã in lại, ở Nhà xuất bản Hà Nội rồi. Rồi cuốn thứ 2 là "Cát bụi chân ai", cũng bị khó dễ. Còn cuốn "Chiều chiều", khi xuất bản, có một người nước ngoài, đứng đầu một hội đồng tính còn phong cho tôi làm Chủ tịch Hội đồng tính Việt Nam. (Cười). 

- Nếu những truyện ngắn, truyện dài, bút ký của nhà văn Tô Hoài là những góc nhìn tinh tế, hóm hỉnh  về cuộc sống, thì hồi ký của ông là những mảng hiện thực gai góc, khốc liệt của đời sống. Nhưng cuốn hồi ký nào của ông xuất bản cũng khó khăn?

- Tôi viết không phải vì được in, đó là những hiện thực nóng hổi buộc tôi phải cầm bút. Tôi nghĩ, tất cả phải từ thực tế. Những cuốn tôi viết đều là thực tế, thực tế phản ảnh bối cảnh, tư tưởng của thời đại. Nhà văn không thể ngồi tưởng tượng ra thực tế để viết được. Tôi quan niệm, nghề viết, trước hết hãy sống đã rồi mới viết. Những gì tôi viết đều là những điều giản dị có trong đời sống thực của chúng ta đấy thôi.

- Hàng năm, vẫn thấy nhà văn Tô Hoài ra tác phẩm đều đặn, dù tuổi đã cao. Có lẽ ông chưa bao giờ ngừng viết. Thưa ông, ông có quan tâm đến văn học trẻ không ạ. Và có điều gì ông đang ấp ủ?

- Đúng là tôi chưa bao giờ ngừng viết, giờ ốm đau thế này, thì mới phải hạn chế việc viết lách, chứ tôi vẫn thèm viết lắm. Tôi vẫn còn một mảng hiện thực muốn viết, đó là Cách mạng Tháng Tám, không biết còn thời gian để thực hiện không. Tôi cũng đang cùng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát dự định làm truyện phim Mường Rơn về cuộc sống của dân tộc Thái ở Sơn La. Nếu còn sức khỏe, tôi sẽ lên thực tế ở đó và làm cố vấn cho bộ phim.

Còn các nhà văn trẻ, tôi không đọc mấy. Tôi chỉ nhớ cô Nguyễn Thị Ngọc Tư và tác phẩm gì có dư luận ấy. Tôi thích lắm. Cô Ngọc Tư có thể rất hiện đại so với Hồ Biểu Chánh, ông cụ cũng viết về phong tục, nhưng Ngọc Tư có sự phóng đãng và rất thực tế. Hay lắm.

- Cảm ơn nhà văn Tô Hoài, chúc ông khỏe mạnh để thực hiện những dự định của mình

 

                                                                      Theo CAND

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục