(HBĐT) - Làng Mường ở vào vùng bán sơn địa và một số thung lũng lớn trong mường, bao bọc lấy vùng châu thổ sông Hồng nước ta. Các triều đại phong kiến và thực dân Pháp liên tục duy trì chế độ nhà lang để cai trị vùng đất này. Vì thế ảnh hưởng văn hóa phong kiến phương Bắc hàng ngàn năm và thuộc Pháp gần trăm năm vào vùng này rất khiêm tốn. Đình, chùa, miếu mạo, cây đa, giếng nước, sân đình là nét đặc trưng của làng Việt.

 

Đối với vùng làng mường này đặc trưng đó còn rất sơ khai. Đình hầu như bị giặc Pháp đốt phá, gần đây được phục dựng như  đình Ngòi ở TPHB nhưng rất cá biệt, do nguồn kinh phí cho một ngôi đình hàng chục tỷ đồng. Từ xưa, các làng mường không có giếng làng như vùng đồng bằng sông Hồng mà chủ yếu là dùng nước tự chảy và giếng nhà.

 

Riêng bóng dáng cây đa cổ thụ thì trước đây hầu như làng nào cũng có nhưng chỉ những cây bên cạnh đình làng mới được dân làng quý trọng, gìn giữ hơn cả. Nó như một chứng tích cho sự trường tồn và hội nhập của làng mường. Bây giờ, những bóng đa ấy cũng đã thưa thớt đi theo năm tháng. Mặc dù cây đa ở cạnh sân đình, ở nơi khe sâu, núi cao cũng được người dân gìn giữ, kiêng cữ như một vật thiêng... Tôi lớn lên thì cây đa làng chỉ còn lại gốc đen nhẻm, nham nhở, nó bị đốt phá cùng với ngôi đình bên cạnh, hiện chỉ  còn lại hai cây đa trên đồi phía sau làng. Những buổi chiều tắt nắng, bóng đa đứng tần ngần như chờ đợi ai, như luyến tiếc một điều gì, cho dù từ xưa nó vẫn đứng trơ trọi một mình như thế trước mưa giông, nắng lửa. Bóng đa vượt cao lên khỏi thảm thực vật xung quanh, tán lá xòe đến đâu, rễ chui trong đất ra tới đó. Những thứ dây leo bám vào gốc đa chằng chịt như lạt bó bánh ống, cây giò thịt, nhờ thân cây mà các ngọn dây leo cũng ngoi lên khỏi thảm thực vật, mà nhìn ra xa, mà đón nắng ấm, hứng lấy giọt nước mưa giữa ngày khô hạn. Cây đa âm thầm chịu đựng cho đồng loại có thân liễu yếu đào tơ nương tựa hàng trăm năm. Cây cũng có những thương tật, đó là các hốc cây - nơi những con tắc kè trú ngụ  mà báo mưa, báo nắng cho cả làng, cả xóm. Lại có lần thấy cây đa xác xơ, lăn lóc như cái ô chổng ngược sau buổi hội làng, đôi trai gái mải vui bỏ quên giữa cánh đồng hun hút gió bấc, mưa bụi. Tôi chưa bao giờ thấy cây đa đổ, trừ khi bị tác động quá mức của con người vào gốc rễ nó. ở những nơi bằng địa, phong quang, cây đa thường túa ra chùm rễ buông xõa xuống xung quanh gốc như mành  trúc, mành tre trước nhà. Thế mới biết nhu cầu bám đất, bám làng của đa thật lớn. Chính cây đa muốn thế để cho muôn loài biết là cây đã già rồi, cần được tôn vinh như già làng, là cây cao bóng cả cho làng?

 

Những năm còn cây đa, mái đình, bà con kéo nhau ra mở hội xắc bùa, ném còn, quần là, áo lượt, trai giáp thượng phải lòng gái giáp hạ, dùng dằng đưa tiễn ríu ran về sau núi. Lá đa trước gió xuân như ngàn vạn bàn tay vẫy. Lại những ngày hè bà con đi làm đồng về còn nán lại dưới bóng đa mà quạt nón cho ráo bớt mồ hôi. Trẻ chăn trâu nằm ngửa mặt lên mà ngắm đàn sáo, con thì bắt sâu, con thì tìm hốc cây đẻ trứng và ngủ thiếp đi lúc nào không biết, để lắng nghe đâu đây câu thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Cả đời đa cũng lặng lẽ tồn tại giữa tình làng, nghĩa xóm bao đời nay, mặc cho con người có lúc thờ ơ, lãnh đạm hay chăm chút, nâng niu. Đã có lần tôi lặng người trước mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào ở Tuyên Quang, cây đa Bản Hẹo ở Sơn La mà suy nghĩ về lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc mình, cây đa đã có mặt từ những ngày đầu cách mạng còn trong trứng nước. Tôi tin trong tương lai, bóng đa sẽ sớm trở lại với tất cả các làng mường, đâu đó các nhà văn hóa bản làng đã được các cụ cao tuổi, các nhà lãnh đạo đất nước về thăm, trồng ở những điểm có cảnh quan đẹp trong vùng. Tôi băn khoăn: Không rõ các nhà quản lý văn hóa đã xếp cây đa vào diện cần bảo tồn như một nét văn hóa vật thể ở cơ sở hay chưa? Bóng đa đã và sẽ mãi mãi có vị trí bền vững trong tâm thức của các dân tộc Việt nói chung và người Mường nói riêng, như một nét đặc trưng về văn hóa của đất nước chúng ta.

 

                                                  Đinh Đăng Lượng

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục