Khu di tích Nhà máy in tiền - đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy) còn lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quan trọng, là tư liệu quý để các nhà nghiên cứu tìm hiểu thông tin.

Khu di tích Nhà máy in tiền - đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy) còn lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quan trọng, là tư liệu quý để các nhà nghiên cứu tìm hiểu thông tin.

(HBĐT) - Trở lại khu di tích nhà máy in tiền - đồn điền Chi Nê ở xã Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ) trong những ngày tháng 5 lịch sử. Khung cảnh thiên nhiên hài hòa và thơ mộng, lắng chút trầm mặc... Ngôi nhà cổ kính trung tâm - nơi Bác Hồ từng làm việc vừa được trùng tu hài hoà cùng không gian xanh rợp bóng cây. Rặng cây long não ven đường có tuổi đến hàng trăm năm và như thể khắc ghi những dòng lịch sử đầy gian khổ nhưng cũng rất oai hùng của con người và mảnh đất Cố Nghĩa anh hùng.

 

Chị Quách Thị Thanh, Trưởng BQL các khu di tích huyện Lạc Thuỷ cho biết: Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp liên tiếp cấp giấy phép cho các nhà tư sản Pháp vào Lạc Thủy lập đồn điền. Khu vực xã Cố Nghĩa nằm trong khu đồn điền cà phê Chi Nê của nhà tư sản Pháp Bô -ren. Đồn điền có tới 7.331 ha với chiều dài 13km, rộng 9 km. Tại đây, Bô-ren đã cho xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, khu chuồng trại trâu, bò... Sau 40 năm xây dựng và khai phá, năm 1943, Bô-ren bán lại đồn điền cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện là nhà tư sản yêu nước. Đồn điền Chi Nê không những trở thành nơi dưỡng quân cho các đơn vị trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, trong những tháng cuối năm 1945 đến năm 1946. Nơi đây còn là cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, trú quân cho các đơn vị lực lượng vũ trang chiến khu 2.

Trong khi đó, những năm đầu độc lập, nước ta trong tình trạng khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Việc tổ chức in và phát hành giấy bạc tài chính Việt Nam là một chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng đối với nền tài chính nước nhà trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và xây dựng đất nước. ông Đỗ Đình Thiện đã mua lại nhà in Tô -panh của Pháp và hiến cho Chính phủ ta. Từ đó ta có Nhà máy in tiền sản xuất ra những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lưu hành trên toàn quốc.

Nhà máy in tiền trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng Việt Nam còn hết sức đơn giản. Cách thức in tiền cũng rất thô sơ: in lần lượt từng màu, số sê -ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp -xét, mệnh giá nhỏ được in bằng máy sốp, ti pô. Tháng 2/1946, Sở Ngân khố đã phát hành các mệnh giá tiền 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào bằng đồng. Sau đó mới in loại tờ bạc mệnh giá 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng. Tuy vậy, trong lúc đó, việc in tiền rất khó khăn do dụng độ giữa quân ta và quân Pháp ngày càng gia tăng, nguy cơ một cuộc chiến tranh đã cận kề.

Trước tình hình đó và để đảm bảo an toàn cho việc in tiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lệnh tháo dỡ vận chuyển toàn bộ máy móc còn lại tại Hà Nội lên Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ). Một lần nữa, gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện lại đón đoàn cán bộ, công nhân nhà máy in tiền Tô -panh về làm việc tại đồn điền.

Tại đây đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là “tờ bạc trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh; in, cắt, đóng, đếm xong, tiền được cho vào hòm gỗ chất lên xe bò hoặc xe ngựa chuyển vào xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa cất giữ rồi mới tỏa đi khắp ra Bắc vào Nam.

Ngày 21/2/1947, trong chuyến về thăm, Bác Hồ đã động viên cán bộ, công nhân nhà máy in tiền: “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân”.

Khu di tích đã được Bộ VH -TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trải qua bao tháng năm và do tác động của thiên nhiên, một phần Khu di tích Nhà máy in tiền đã thay đổi, xuống cấp, nhiều di vật bị thất lạc. Nhằm phục dựng lại hình ảnh của đồn điền Chi Nê gắn với sự kiện lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đồng thời nhằm tôn vinh những đóng góp của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đã được đầu tư trùng tu nâng cấp. Tổng diện tích công trình là 15, 5 ha với tổng mức đầu tư khoảng trên 270 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục đầu tư mới như nhà đón tiếp, đường giao thông cùng việc trùng tu Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành. Mỗi tháng, Ban quản lý các khu di tích đón tiếp hàng ngàn lượt người đến tới tham quan, dâng hương và nghiên cứu lịch sử Khu di tích nhà máy in tiền. 

Theo chị Quách Thị Thanh, khu di tích Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa lớn, là nơi tập trung tái hiện, phát huy các giá trị Nhà máy in tiền, về Bác Hồ và cũng là nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc huyện Lạc Thủy. Khu di tích không chỉ giúp các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tài chính ghi nhớ về thời kỳ đầu gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của ngành mà còn giúp cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ hôm nay, mai sau luôn một lòng hướng về Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

 

 

                                                                 Hồng Trung

 

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục