Xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) tận dụng diện tích đất đồng, bãi phát triển cây ngô vụ đông cho giá trị kinh tế cao.

Xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) tận dụng diện tích đất đồng, bãi phát triển cây ngô vụ đông cho giá trị kinh tế cao.

(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình thật hiếm có vùng đất nào thơ mộng, hào phóng và sơn - thủy hữu tình như vùng đất ấy, nơi mà tiếng gà gáy sáng đánh thức người 3 tỉnh. Vùng đất ấy còn chất chứa những tàn tích và những câu chuyện ly kỳ về cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên: Sơn tinh - Thủy tinh, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống giặc phong kiến phương bắc và hai cuộc kháng chiến chống thực dân ngoại xâm của dân tộc ta. Một vùng đất thuộc tỉnh miền núi Hòa Bình mà sao cứ hao hao như một vùng quê nào đó của vùng châu thổ sông Hồng! Vùng đất ấy là xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

 

Hợp Thịnh xưa có tên gọi Túy Cổ Thượng, là một thôn của xã Lạc Long, thuộc Tổng Tinh Nhuệ, huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Cuối thế kỷ XVIII, xã Túy Cổ Thượng mới trở thành một phần đất của châu Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình - sau này cùng với xã Mại Thôn, xã Túy Cổ Hạ sáp nhập thành xã Phú Cường. 3 xã như 3 góc của một vùng tam giác, đất đai màu mỡ, tựa sơn - đạp thủy, trên bến, dưới thuyền. Nếu như nhà văn tài danh Nguyễn Tuân còn sống trở về thăm vùng đất này sẽ gặp lại nhiều nguyên mẫu trong bài “Người lái đò sông Đà” với tùy bút nổi tiếng về sông Đà năm 1960 của ông, bởi chỉ với một khúc sông Đà vùng hạ du này còn những 3 bến đò ngang. Đây là vùng đất còn giữ được nhiều vẻ nguyên sơ, thanh bình về cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng cho dù đã có một vài cơ sở công nghiệp mới vào đầu tư ở đây.

 

Xã Hợp Thịnh có 13 xóm, với những tên gọi thuần phác như: xóm Tôm, xóm Mom, xóm Giếng, lại có những tên gọi rất tân thời như xóm Độc lập, xóm Tự Do, xóm Hạnh phúc. Cả xã có gần 950 hộ và trên 4.300 nhân khẩu với nhiều dân tộc cùng chung sống từ nhiều đời nay, chủ yếu là dân tộc Mường và Kinh, có tỷ lệ tương đương. Là vùng cộng cư nên các dân tộc, nhất là hai dân tộc Mường, Kinh đã có sự giao thoa từ quan hệ thông gia, dựng vợ, gả chồng nên càng có sự đồng cảm, cố kết trong cộng đồng. “Nhếu nháo, Táo (Kinh) Thày” là câu bông đùa với nhau, bởi họ biết chỉ vì thương yêu nhau mà nói vui vậy thôi!

 

Sau ngày công trình thủy điện  Hòa Bình hoàn thành, vùng hạ du nói chung và xã Hợp Thịnh nói riêng cơ bản chấm dứt tình trạng ngập lụt trước đây. Trận lũ lịch sử năm 1945 và năm 1971 chỉ còn lại trong tiềm thức của người cao tuổi. Quá trình tồn tại và thực hiện sứ mệnh của một dòng sông bao đời nay, sông Đà cũng đã ban tặng cho Hợp Thịnh một bãi phù sa - Bãi Đạo màu mỡ, có diện tích gần 100 ha với 2 vụ ngô và hoa màu. Nhờ có đập nước thủy lợi và gần đây đã trở thành một công đoạn của nhà máy nước Hà Nội - đập Đồng Bài và hệ thống mương máng kiên cố dọc ngang giúp cho việc tưới tiêu các cánh đồng Ngòi Khế, đồng Chanh, Khoang Nai rộng hàng trăm ha ngày một chủ động theo mùa vụ.

 

Trên đường liên tỉnh 445 nối Kỳ Sơn - Hòa Bình với Ba Vì - Hà Nội tôi đến với Hợp Thịnh, văng vẳng trong tôi câu ca: “Hỡi ai đi ngược về xuôi/ Có về Hợp Thịnh với tôi thì về...” và nữa “Tết này ta ở lại đây/ Muốn ăn thịt chó đi chợ Thày một phen....”. Tôi không còn nhớ câu ca đó là do ai sáng tác nữa, chỉ nhớ rằng: Cách đây mấy chục năm về trước đường xuôi Hợp Thịnh còn cách trở lắm, nhiều con ngòi đổ vào sông Đà vùng này chưa có cầu bắc qua, nhất là ngòi Tôm, ngòi Móng. Chợ Thày là chợ có từ lâu đời, thuở ấy chỉ ở đó mới có hàng thịt chó! Ngày nay thì người và xe cộ dập dìu xuôi ngược, chợ Thày, chợ Chẹ, chợ Mộc, chợ Vũ ngày nào cũng có chợ phiên. Nhưng lần này tôi đến với Hợp Thịnh để một lần nữa được mục sở thị nội dung câu chuyện lớn hơn đối với người dân vùng đất này, đó là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 3 năm qua, vẫn là cái kiềng 3 chân: nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chỉ thoáng qua những nẻo đường bê tông phẳng phiu, luồn lách tới các ngõ xóm, những mái trường khang trang đủ 4 cấp: mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT đã thấy mát lòng, mát dạ! Từ những mái trường đó đã có bao nhiêu người thầy, người thợ trưởng thành đến với những vùng khác nhau của Tổ quốc. Sau 3 năm thực hiện chương trình nông thôn mới xã đã có nhiều cá nhân, tổ chức hiến đất làm đường giao thông và nhà văn hóa với trị giá hàng tỷ đồng. Có nhiều mô hình cá nhân làm kinh tế giỏi trong nông nghiệp, thu nhập bình quân của xã năm 2013 là 23,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1,5%. Diện tích và sản lượng các cây có hạt, có củ đều đạt và vượt, có nhiều cây trồng, vật nuôi và ngành nghề TTCN mới ra đời.

 

Là một trong những địa phương được UBND tỉnh chọn làm điểm “Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, đến nay xã Hợp Thịnh đã đạt 11/19 tiêu chí, như vậy còn 8 tiêu chí nữa đến hết năm 2015 phải hoàn thành. Được hỏi về những trở ngại khó khăn trong thực hiện các tiêu chí của chương trình, đồng chí phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Đình Phương cho biết, hiện xã thiếu mặt bằng để xây dựng các công trình như sân vận động, chợ, nhà văn hóa... và đặc biệt là kinh phí. Để đạt được các tiêu chí còn lại cần có thêm 17 tỷ đồng nữa, đó là một nhu cầu vốn lớn. Song nhìn vào tiềm năng đất đai, con người, kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ đạo những năm qua của đội ngũ cán bộ địa phương cho ta niềm tin ở Hợp Thịnh sẽ tạo nên nguồn lực ấy. Người dân ngày xưa đến từ nhiều phương trời đã làm nên một Hợp Thịnh ngày nay đẹp như một trái còn nhiều tua xanh đỏ bay chấp chới giữa ngày xuân, thì chính những con người ở đó cũng biết cách thu hút các nguồn lực từ bốn phương để làm cho quê hương mình giàu đẹp. Trước hết, đội ngũ cán bộ phải biết làm sao để khuyến khích và mở lối cho sức nghĩ, sức làm của trên 4.300 con người cùng trăn trở ngày đêm, làm cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi xóm làng ngày một giàu đẹp. Đến với Hợp Thịnh tôi nhận ra có nhiều công trình nhà cửa người dân khang trang, đẹp đẽ và có trị giá lớn hơn nhiều lần những công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Điều đó làm tôi càng vui hơn mà thơi thới băng qua những con đường để đến và ngắm những cánh đồng đang vào vụ cày cấy, ngắm nhìn Bãi Đạo xanh ngút ngát vụ ngô. Tết đến, xuân về, nắng ấm dâng tràn xứ sở, người xe tấp nập ngược xuôi như đang đua chen vào ngày hội đầu năm và đâu đó lại vang lên câu hát: “Hỡi ai đi ngược về xuôi/ Có về Hợp Thịnh với tôi thì về...”.

 

 

 

                                              Tùy bút của  Đinh Đăng Lượng

                                                           

 

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục