(HBĐT) - Sau khi hòa bình lập lại, ở lứa tuổi biết đọc, biết viết, tôi được nghe một câu ca dao thời kháng chiến chống thực dân Pháp “Anh chừ đánh giặc nơi đâu/Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị Thiên?”... Câu ca dao đó lóe lên trong đầu tôi về những vùng đất thật xa xôi, thơ mộng. Tiếp đến là những tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian trong các vùng mường của Đinh ân, Bùi Thiện, Quách Giao cứ ám ảnh, khêu gợi tính hiếu kỳ trong tôi hàng thập niên về vùng đất ấy, nhất là sau khi đọc tác phẩm “Hoa hậu xứ Mường” mà sau này gộp với vương quốc ảo ảnh thành tiểu thuyết “Đất Mường” của nhà văn Phượng Vũ.

 

Vùng đất Mường Vang có dòng sông Bưởi lẩn khuất, len lỏi giữa các làng mường, cứ mờ tỏ trong tâm thức tôi, thôi thúc tôi sớm có ngày đặt chân đến với vùng đất “Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang” ấy. Có lẽ tôi là một trong những người chậm chân đến với Mường Vang - lưu vực của dòng sông Bưởi thơ mộng.

 

Lần đầu tôi đến với Mường Vang lại không phải vì văn chương mà là khảo sát lượng phân dơi ở lưng chừng núi đá Khụ Khênh, xã Văn Sơn, năm 1996. Ngày ấy, ngành công nghiệp của tỉnh rất cần phân dơi để phục vụ sản xuất phân lân bón ruộng. Đứng trên lưng chừng núi đá Khụ Khênh quan sát, tôi cũng có chung cảm nhận về vùng đất này như nhà văn Phượng Vũ: vùng đất này như một “Vương quốc ảo ảnh”. Từ đó, với nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh giao, hầu như mùa nào trong năm tôi cũng về với Mường Vang. Trên rừng cây gỗ quý hiếm là cây có lõi. Đến với bốn mường nói chung, Mường Vang nói riêng là đến với vùng lõi của đất Mường. Trong bốn Mường chỉ có Mường Vang là có sự “thông thủy” với một vùng đất có đông đồng bào Mường sinh sống là xứ Thanh nhờ dòng sông Bưởi. Từ những con suối các bản trong vùng Mường Vang và một phần đất của Mường Bi hợp lưu tại thị trấn Vụ Bản - trung tâm Mường Vang - Sau khi đã qua hết vùng đất Mường Vang, dòng sông Bưởi tìm vào với Thạch Thành - Thanh Hoá để rồi đổ vào dòng sông Mã anh hùng, hoà chung nguồn nước của hai vùng mường lớn mà ra với biển Đông. Sự “thông thủy” hai vùng mường này cũng là sự “thông thuỷ” về một nền văn hoá Mường mà dấu ấn còn lại trong nhiều câu chuyện dân gian và các roóng mo Mường, nhất là phần “Đẻ đất - đẻ nước”.

 

Ngàn năm chống giặc phương Bắc và gần trăm năm chống thực dân Pháp cũng như bốn mường, Mường Vang như một vùng “đất thín” - vùng đất mà nhà lang giấu nhà cầm quyền để bớt phần cống nạp. Không được mở mang giao thông và học hành, mặt khác, bọn thực dân, phong kiến thực hiện chính sách ngu dân và cai trị bằng chế độ lang đạo nên bọn chúng tha hồ đè đầu, cưỡi cổ dân lành. Đường 12A, nay là đường 436 thông thương hai vùng Bi - Vang với các miền đất khác cũng mãi sau này mới được mở mang. Cách mạng tháng Tám thành công ở Lạc Sơn vẫn chưa có một trường tiểu học, chỉ có nhà lang mới đón thầy giáo về nhà dạy cho con em họ.

 

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đường 12A và đường liên huyện ở Lạc Sơn vẫn là đường cấp phối. Trong một cuộc họp lãnh đạo tỉnh, ông Bùi Quyết Chiến - Bí thư Huyện ủy ngày đó than phiền: Lạc Sơn cần ít nhựa đường để vá thúng cũng không có, nghe mà cười ra nước mắt! Cây cầu bắc qua sông Bưởi ở xã Hương Nhượng - lối lên 3 xã vùng cao quá nhiều trắc trở mới được thông xe. Thử bắt chước “con hươu trên trang trí của người Mường luôn ngoảnh mặt lại” đôi chút, như có lần nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Huy Vọng đề cập để thấy được điểm xuất phát rất thấp khi bước vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập của vùng đất Mường Vang.

 

Để phát triển kinh tế có tăng trưởng hàng năm phải tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Địa phương có tỷ trọng nông nghiệp là chủ yếu phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bài toán tưởng như đơn giản là vậy mà mấy địa phương khỏi lúng túng. Lạc Sơn cũng không phải là ngoại lệ.

 

Hơn một thập niên lại đây, Mường Vang đã được Đảng và Nhà nước chú trọng đầu tư nhiều hơn, bộ mặt nông thôn ở các xã, bản đã sáng sủa hơn. Đường Hồ Chí Minh có ghé qua một phần đất Lạc Sơn, đường 436 được nâng cấp nên Mường Vang đã chớm nở những đầu tư ban dầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Như trên đã đề cập, đến Mường Vang là đến với vùng lõi của xứ Mường xưa - vùng văn hoá Mường còn khá đậm nét. Ngày thực dân Pháp mới lập tỉnh Mường, Mường Bi, Mường Vang cùng thuộc phủ Lạc Sơn. Đến  tháng 10/1957 mới được tách ra thành Tân Lạc và Lạc Sơn. Nếu Mường Bi là đất lang họ Đinh, Mường Vang là đất lang họ Quách. Nhà văn quá cố Phượng Vũ đã chọn bối cảnh giai đoạn những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân, phong kiến của quân và dân ta để sáng tác tiểu thuyết “Đất Mường”. Có thể nói Mường Vang đã làm nên tên tuổi nhà văn Phượng Vũ và chính Phượng Vũ đã làm cho Mường Vang - “Mường Vân” đến với nhiều người đọc và bè bạn xa, gần.

 

Ngày nay, mặc dù tên đất, tên làng đã được cách tân nhưng tên người vẫn còn những cái tên nghe rất mộc mạc, đơn nghĩa... nó cũng là nét riêng  của vùng đất này. Một lần cùng với ông Bùi Văn Thuộm - Bí thư Huyện ủy lên thăm 3 xã vùng cao đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ về Mường Vang. “Vùng cao con gái ít làm duyên / Nói cười như chim hót / Trai Ngọc Lâu, Ngọc Sơn chắc như cây sến, cây lim / Nâng những mái nhà sàn chất ngất / Yêu những Bãi Bùi, Nà Lọt - ngô, lúa chật thang” bài thơ “Vùng cao”. Lên cao tôi có dịp ngắm lại thung lũng Mường Vang vẫn: bời lời, bạc lạc như thời “Đẻ đất - đẻ nước” - vùng đất cho dẫu còn nhiều thiếu thốn, bất cập nhưng vẫn chất chứa những tiềm năng về phát triển kinh tế và đặc biệt là văn hóa, trong đó có văn hoá dân gian mà trước đây đã có nhà nghiên cứu Bùi Thiện và ngay nay có Bùi Huy Vọng, Bùi Văn Nợi, Bùi Thiên Văn “thả sức cày xới trên vùng đất Mường Vang” này.

 

 

 

                                    Ghi chép của Đinh Đăng Lượng

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục