Nụ cười đen nhánh của cụ bà người Dao xã Toàn Sơn.

Nụ cười đen nhánh của cụ bà người Dao xã Toàn Sơn.

(HBĐT) - Trong cái nắng hanh hao cuối năm, trong tiếng cười nói rộn ràng những ngày giáp Tết, chúng tôi đã có mặt tại chợ vùng cao Mường Chiềng (Đà Bắc). Chợ vùng cao là phiên chợ màu sắc sặc sỡ của khăn áo, màu tươi ngon của thực phẩm, màu ửng hồng trên đôi má những bé thơ và màu đen nhánh của nụ cười các bà, các mẹ vui mừng gặp nhau ngày chợ.

 

Nhuộm răng đen là phong tục đẹp của phụ nữ trước kia. Hiện nay, chỉ còn người già là vẫn giữ tục nhuộm răng đen còn phụ nữ trẻ thì không còn nhuộm răng nữa. Nhuộm răng không chỉ là một truyền thống văn hóa mà còn giúp cho răng chắc, khỏe và thể hiện cái duyên của phụ nữ dân tộc. Người phụ nữ khi mặc trang phục truyền thống dân tộc, đầu đội khăn và nụ cười đen nhánh khỏe mạnh được coi là chuẩn mực của cái đẹp, sự khỏe mạnh, đảm đang và khéo léo.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lường Thị Miên, xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng chia sẻ: Con gái ngày xưa nhuộm răng từ 15 - 16 tuổi. Ai cũng nhuộm răng, răng đều đen nhánh mới đẹp. Trước khi nhuộm phải làm sạch răng bằng cách đánh bằng vỏ cau khô với than bột trộn muối. Sau đó phải dùng quả chua như quả sống thái ra phơi khô, nấu lên thành nước ngậm để làm sạch, tê và mềm răng. Đây là công đoạn khó nhất của nhuộm răng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu phụ nữ người Kinh nhuộm răng đen bằng nhựa cánh kiến, nhựa cây sim thì phụ nữ các dân tộc như: Tày, Mường, Dao... lại có bí quyết nhuộm răng đen nhánh bằng quả mè, bồ hóng... Về bí quyết để có hàm răng đen nhánh của người Mường, bà Bùi Thị Ngoan (xóm Kế, xã Mường Chiềng) cho biết: Thuốc nhuộm răng của phụ nữ Mường thường được chuẩn bị trước từ 8 - 10 ngày. Muốn có thuốc nhuộm đẹp phải pha chế đúng công thức và tỷ lệ. Quả mè được dùng để nhuộm răng phải là mè non, có độ chát và “dính răng”. Mè non được đồ lên, đổ ra tách lấy vỏ ngoài và giã nhỏ, phần mè vừa giã được đem lên dán vào các dụng cụ lao động bằng sắt đã được rửa sạch như cuốc, xẻng, dao... với mục đích tạo độ đen cho thuốc nhuộm. Các mảng mè sau khi dán lên cuốc xẻng khô lại được ngâm nước cho mềm rồi gói vào lá chuối tiêu, mỗi lá bằng ngón tay và được đem nướng lên. Mè phải được gói vào lá chuối tiêu vì lá chuối tiêu có vị chát, đắng. Mè nướng xong được bỏ ra giã một lần nữa mới thành bột trộn để trét lên răng.

Phụ nữ Mường dùng quả mè để nhuộm răng thì phụ nữ Tày còn dùng thêm cả bồ hóng bếp. Ngoài việc chế biến quả mè, chị em phụ nữ người Tày còn phải chọn những đoạn ống nứa tươi, mang về gác lên gác bếp, khoảng 10 ngày sau, khi bồ hóng bám đen vào ống nứa thì lấy xuống, cạo bồ hóng để làm thuốc nhuộm. Hợp chất thuốc nhuộm gồm quả mè và bồ hóng đó được pha thành hỗn hợp sền sệt bôi lên răng.

Chị em phụ nữ người dân tộc thường nhuộm răng vào mùa đông, giáp Tết để những ngày Tết có hàm răng đẹp. Việc nhuộm răng diễn ra bên bếp lửa. Chị em vừa trò chuyện, vừa cùng nhau trộn thuốc. Hỗn hợp thuốc nhuộm sẽ được bôi trét lên răng và phải ngậm qua đêm, sáng hôm sau mới bỏ ra. Để răng được đen và bền màu, người phụ nữ phải bôi thuốc nhuộm lên răng và ngậm như vậy trong khoảng từ 3 - 5 đêm. Mỗi sáng thức dậy phải bỏ thuốc nhuộm ra và súc miệng thật sạch.

Sau cả một quá trình chuẩn bị kỳ công, cẩn thận, trải qua cảm giác đau nhức, tê buốt răng thì người phụ nữ mới có được hàm răng đen như ý. Kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật nhuộm răng đen của mẹ được truyền lại cho con gái như một bí quyết riêng của mỗi gia đình.

Trao đổi về phong tục độc đáo này, ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Nhuộm răng đen là một phong tục độc đáo, tạo nên nét riêng của văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao. Hàm răng đen nhánh thể hiện nét đẹp, sự trưởng thành, khéo léo của người phụ nữ. Điều đáng tiếc là phong tục này đang bị mai một và chỉ còn lại của các cụ già vùng cao.

 

 

 

 

                                                                          Dương Liễu

 

 

 

Các tin khác


Công đoàn Trường THPT Công Nghiệp: Điểm sáng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao

Công đoàn Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) là một trong những công đoàn cơ sở tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT) tại cơ sở. Với việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên (CBGV), người lao động và học sinh tích cực tham gia.

Phố Hữu Nghị: Điển hình xây dựng nếp sống văn hóa, khu dân cư văn hoá

So với các khu dân cư (KDC) trên địa bàn thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), phố Hữu Nghị có thành tích nổi trội hơn trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (TDĐKXDĐSVH). Quá trình phấn đấu, phố có nhiều năm liên tục đạt danh hiệu KDC văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá hàng năm đạt 99% trở lên, năm 2023 đạt 99,4%.

Thắp sáng phong trào văn hoá văn nghệ ở trung tâm thành phố Hoà Bình

Xem một chương trình văn nghệ cấp phường được Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình tổ chức trên tuyến phố đi bộ - đường đê Đà Giang nhiều người ngỡ đó là sự kiện văn hóa cấp thành phố. Bởi chương trình biểu diễn được chuẩn bị công phu, đảm bảo yếu tố nghệ thuật, thời lượng… và thu hút đông đảo người xem, cổ vũ.

Đặc sắc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang tỉnh

Vừa qua, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024 được tổ chức thành công. Các đoàn nghệ thuật quần chúng đã thể hiện những chương trình nghệ thuật đặc sắc, để lại ấn tượng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ 10 năm 2024-khu vực 2

Tối 20/5, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh Gia Lai tổ chức Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ 10 năm 2024-khu vực 2.

Tôn vinh nhiều tác phẩm âm nhạc ''Bài ca Điện Biên''

Tối 19/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ tổng kết, trao giải thưởng tháng âm nhạc "Bài ca Điện Biên”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục