Đông đảo người lao động đăng ký tìm việc làm tại hội chợ việc làm huyện Cao Phong năm 2012. Ảnh: C.L
(HBĐT) - Huyện Cao Phong có 13 xã, thị trấn với 23.300 người trong độ tuổi lao động. Hiện nay, phần lớn dân số huyện sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp, ngành của huyện đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào xóa đói- giảm nghèo ở địa phương. Tuy vậy, chất lượng công tác đào tạo nghề đạt được vẫn chưa cao, chưa xứng với tiềm năng phát triển KT- XH của địa phương.
Xác định đào tạo nghề là một trong những nội dung chủ yếu để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, huyện Cao Phong đã thực hiện nhiều chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân. Theo quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của huyện giai đoạn 2010-2015, cơ cấu ngành được phê duyệt thực hiện trong năm 2012 là sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm 49%, CN-TTCN, xây dựng chiếm 26%, dịch vụ 25%. Từ cơ cấu trên, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện thực hiện công tác tạo việc làm mới theo kế hoạch đề ra. Kết quả, trong năm 2012, huyện đã tạo việc làm mới cho 1.287 lao động, đạt 102,5% kế hoạch được giao. Trong đó, dạy nghề ngắn hạn được 169 lao động, giới thiệu việc làm tại chỗ cho 792 lao động, trong đó, vốn 120 có 133 lao động, các trang trại nông nghiệp 659 lao động. Lao động được tuyển dụng đi làm tại các công ty trong nước qua sàn giao dịch việc làm 326 lao động. Thu nhập bình quân của lao động đạt từ 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cơ cấu theo ngành, nông - lâm - thủy sản 1.050 lao động; CN-TTCN, xây dựng 147 lao động, dịch vụ 90 lao động.
Bà Bùi Thị Nhâm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động của huyện đã bước đầu chú trọng đến nhu cầu thực tế của người dân. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của người dân, huyện đã mở các lớp dạy nghề phục vụ cho sản xuất nông - lâm - thủy sản như: lớp trồng cây có múi tại thị trấn Cao Phong, xã Thu Phong, Đông Phong; đan rọ tôm ở xã Thung Nai và lớp tập huấn dệt thổ cẩm, nuôi lợn siêu nạc, trồng cây ăn quả có múi cho người dân xã Dũng Phong. Sàn giao dịch việc làm năm 2012 có 25 doanh nghiệp tham gia dự tuyển đã thu hút được trên 900 lao động đến tham gia tư vấn tuyển dụng. Trong đó có 378 lao động được doanh nghiệp hẹn phỏng vấn, 326 lao động được nộp hồ sơ tuyển dụng với các nghề chủ yếu như: sửa chữa ô tô, may công nghiệp, điện tử, xây dựng... Tuy nhiên, từ thực tế công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm năm 2012 cũng đặt ra một số khó khăn, bất cập như: tại sàn giao dịch việc làm, các doanh nghiệp tuyển dụng sửa chữa ô tô, điện tử có mức thu nhập khá cao nhưng đòi hỏi người lao động phải có tay nghề nên chỉ có ít người đáp ứng được. Các công ty may công nghiệp tuyển dụng số lượng lao động lớn nhưng người lao động phải đến các địa phương khác làm việc với mức lương không đảm bảo được cuộc sống cho người lao động. Thực tế ở huyện Cao Phong, vào mùa vụ giải quyết việc làm khá lớn cho lao động làm thuê trong và ngoài huyện tại các trang trại cam, mía đem lại thu nhập khá cao. Vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện là đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động; tìm ra những ngành nghề có thu nhập cao hơn; giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng nơi.
Theo bà Nhâm, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành có liên quan, đồng thời tăng kinh phí cho công tác đào tạo nghề. Hiện tại, Phòng đang phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân tuyên truyền, tuyển dụng lao động phù hợp, tạo thuận lợi để nhân dân được lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp, giúp người lao động có việc làm, thu nhập cao và ổn đinh đời sống một cách bền vững. Phòng cũng chủ động xây dựng kế hoạch, khảo sát nhu cầu ở địa phương và tuyên truyền, tư vấn cho người lao động. Tuy vậy, để đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, vấn đề hướng dẫn ứng dụng KH-KT vào sản xuất, tạo điều kiện vay vốn và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp được xem là cốt lõi nhất trong giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn của huyện.
Hương Lan
(HBĐT) - Vừa qua, ngành GD&ĐT Lương Sơn đã tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học và mầm non năm học 2012-2013. Tham gia có 52 giáo viên tiểu học dạy lớp 2, mỹ thuật, âm nhạc và 81 giáo viên mầm non dạy lớp 3 tuổi, 4 tuổi trên địa bàn, trong đó, có 69 giáo viên được chọn dự thi thực hành.
(HBĐT) - Thực hiện Luật Bình đẳng giới, đến hết năm 2012, tỷ lệ phụ nữ được xoá mù trong tổng số phụ nữ bị mù chữ toàn tỉnh ở độ tuổi dưới 45 đạt 93,96% (vượt 3,96% so với kế hoạch 90%). Hàng năm, Ban VSTBPN tỉnh đã phối hợp với ngành GD&ĐT, Hội LHPN các cấp, các tổ chức CT-XH xây dựng các chương trình khuyến khích phụ nữ học tập, nâng cao trình độ như tập huấn, hội thảo....
(HBĐT) - Ngày 25/12, Sở LĐ – TB & XH phối hợp với trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Hòa Bình tổ chức bế giảng khóa đào tạo nghề ngắn hạn trồng hoa cho lao động có nhu cầu trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 25/12, tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Sở GD - ĐT đã tổ chức khai mạc kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, năm học 2012 - 2013.
(HBĐT) - Ngày 24/12 tại Trường Quân sự, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức khai giảng lớp “Hoàn thiện chương trình Trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở năm 2012” cho 90 học viên là cán bộ quân sự ban CHQS xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 21/12, Sở GD&ĐT đã phối hợp cùng Sở Y tế, Công đoàn GD, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức gặp mặt, khen thưởng và biểu dương 3 giáo viên đoạt giải tại Hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp-chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.