Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction - ADR ) là một phản ứng độc hại, không được định trước, xảy ra ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Trong các tác dụng không mong muốn của thuốc thì dị ứng thuốc là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thuốc, đặc biệt do dị ứng thuốc là một vấn đề y tế lớn cần được sự quan tâm của cả cộng đồng.

 Không nên tự mua thuốc điều trị để phòng tránh phản ứng dị ứng với thuốc.

Biểu hiện của dị ứng thuốc

Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng chẳng hạn shock phản vệ…Sau đây là các biểu hiện thường gặp nhất.

Mày đay: là biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc. Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù. Trường hợp nặng có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...

Phù Quincke: là tình trạng phù cục bộ, phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu...

Viêm da dị ứng: thương tổn cơ bản là mụn nước kèm theo ban đỏ, ngứa, phù da và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Viêm da dị ứng có thể xuất hiện nhanh sau một vài giờ, trung bình sau vài ba ngày, có khi hàng tuần sau khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc.

Đỏ da toàn thân: Bệnh xuất hiện từ 2-3 ngày, trung bình 6-7 ngày, đôi khi 2-3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh thấy bừng nóng, ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban đỏ toàn thân, trên da có vảy trắng, các kẽ chân tay có thể nứt và chảy nước vàng, đôi khi bị bội nhiễm có mủ.

Bệnh huyết thanh: thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38 - 390C, gan to, nổi ban mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.

Chứng mất bạch cầu hạt: biểu hiện lâm sàng điển hình là sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết, dễ dẫn tới tử vong.

Sốc phản vệ: là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20-30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường (tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi...). Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, đại tiểu tiện không tự chủ.Thể cấp tính, người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

Hồng ban đa dạng: Bệnh bắt đầu sau một vài ngày dùng thuốc với những biểu hiện: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân, trên da xuất hiện các sẩn tròn giống sẩn mày đay, rìa nổi gờ cao, đỏ hơi cộm, vùng trung tâm của sẩn hơi lõm và nhăn. Ngoài sẩn còn có các mụn nước, bọng nước, tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng…, trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Hội chứng Stevens-Johnson (hồng ban đa dạng có bọng nước): Sau khi dùng thuốc từ vài giờ đến 10-15 ngày, người bệnh mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi bọng nước trên da, viêm loét hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên và có thể kèm theo tổn thương gan thận, nếu nặng có thể gây tử vong.

Hội chứng Lyell: Là tình trạng nhiễm độc da dị ứng nghiêm trọng nhất. Bệnh diễn biến từ vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện các mảng đỏ; vài ngày sau lớp thượng bì tách khỏi tổ chức da, khẽ động đến là tuột từng mảng, tương tự hội chứng bỏng toàn thân; tình trạng người bệnh thường rất nặng, nhanh dẫn đến tử vong.

 Viêm da dị ứng do thuốc.

Thuốc nào cũng có thể gây phản ứng

Các thuốc đều có khả năng gây ra phản ứng dị ứng thuốc. Đứng đầu các thuốc hay gây sốc phản vệ là các loại thuốc kháng sinh nhất là các kháng sinh thuộc nhóm betalactam như penicillin, ampicillin, cefotaxim...

 Một số thuốc như thuốc cản quang có chứa iốt, thuốc điều trị bệnh phong, thuốc điều trị đái tháo đường có gốc sulfamid, thuốc điều trị đau khớp, thuốc kháng động kinh, thuốc điều trị gút… cũng có thể gây ra những phản ứng có hại rất nguy hiểm.

Các thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê novocain, lidocain, hay một số vitamin như vitamin C dạng tiêm, vitamin B1 tiêm... có thể gây sốc phản vệ.

Cũng cần lưu ý, có những thuốc dùng vài lần trước đó không việc gì nhưng lần dùng sau lại bị phản ứng dị ứng.

Dự phòng như thế nào?

Không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Khi thấy nổi hồng ban trên da, đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng hoặc bất cứ một biểu hiện bất thường nào sau khi dùng bất cứ một loại thuốc nào... không được tự ý điều trị bằng các biện pháp dân gian mà cần đến ngay bệnh viện ngay để được khám và định bệnh chính xác, từ đó có hướng điều trị thích hợp, kịp thời.

                                                                               Theo Báo SKĐS

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục