Sợ dịch sốt xuất huyết, nhiều gia đình thuê dịch vụ đến nhà phun thuốc diệt muỗi và nhiều trường hợp ngộ độc, dị ứng, suy hô hấp đã xảy ra

Anh Nguyễn Văn Chính (ngụ phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng- Hà Nội) vì sợ cả nhà bị sốt xuất huyết (SXH) nên chưa vào hè đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng để thuê một công ty chuyên diệt muỗi, côn trùng đến nhà phun thuốc với chi phí 8.000 đồng/m2.

Nhiều chất độc

Theo anh Chính, hóa chất diệt muỗi cũng chỉ đuổi muỗi được chưa đầy một tháng chứ không phải 3 - 6 tháng như họ quảng cáo. Đó là chưa kể mùi hóa chất rất khó chịu, mất tới 3 - 4 ngày cả gia đình phải sơ tán vì vợ và con gái anh luôn buồn nôn, bị nổi mẩn ngứa khắp người.

Nghi ngờ về tính hiệu quả của loại thuốc diệt muỗi mà công ty nọ phun tại nhà mình, anh Chính mang vỏ lọ hóa chất diệt muỗi đã phun nhờ một người bạn có chuyên môn xem giùm. Hóa ra trong thành phần của hóa chất ghi trên bình thuốc diệt muỗi đó chứa một số chất tác động làm tăng nhịp tim, chóng mặt, gây suy hô hấp, nếu bị ảnh hưởng kéo dài có thể gây ung thư.

Theo các chuyên gia Viện Sốt rét Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, phun hóa chất diệt muỗi là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống SXH nhưng không trừ được tận gốc nguồn lây truyền, phát bệnh này, bởi hóa chất không diệt hết được bọ gậy (trứng muỗi).

Dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi tận nhà

Hơn nữa, hóa chất nào cũng có chất độc, tuy nồng độ không đáng kể và còn  tùy thuộc vào phản ứng của mỗi người nhưng trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hóa chất này. Ngay cả người lớn, nếu tiếp xúc với một lượng thuốc diệt muỗi đáng kể trong thời gian ngắn, khả năng ngộ độc cấp tính cũng có thể xảy ra.

Tiến sĩ Nguyễn Công Tảo, Trưởng Khoa Xử lý dịch bệnh sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng  của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp ngộ độc, dị ứng, suy hô hấp sau khi thuê các cơ sở tư nhân đến nhà phun hóa chất diệt muỗi. Ngay cả những bình xịt diệt côn trùng, hương đuổi muỗi nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể khiến nhiều người đau đầu, chóng mặt, khó thở.

Thuốc đã bị kháng

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế môi trường (Bộ Y tế), cảnh báo việc người dân dùng thuốc diệt muỗi tùy tiện, phun thuốc không đúng liều lượng, lạm dụng phun hóa chất sẽ dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc, “trơ” hóa chất.

“Tại các trung tâm y tế dự phòng, trước khi phun hóa chất diệt muỗi, người ta thường nghiên cứu mật độ muỗi và thử nồng độ thuốc có đủ tác dụng để diệt muỗi hay không. Có thể cùng hóa chất này nhưng ở mỗi khu vực khác nhau thì cần có sự điều chỉnh liều lượng.
Tình trạng phun thuốc và hóa chất tự phát như hiện nay là rất nguy hiểm, nhất là khi thuốc không đủ liều lượng thì chẳng những không diệt được muỗi mà còn khiến muỗi sống dai và khỏe hơn, điều này sẽ rất nguy hiểm”- ông Nga lo ngại.
Các chuyên gia dịch tễ cũng lưu ý trên thị trường hiện nay có hàng trăm loại hóa chất được quảng cáo là tiêu diệt muỗi nhưng thực tế số thuốc được cấp phép lưu hành không nhiều. Đáng chú ý là có những loại thuốc được cấp phép đến nay đã bị muỗi kháng hoặc phải tăng nồng độ hơn rất nhiều mới có tác dụng.
Theo tiến sĩ Tảo, hiện tại theo quy định chỉ có duy nhất trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, TP mới được tiến hành phun hóa chất trên diện rộng; các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện chỉ được phun tại ổ dịch trên địa bàn khi xuất hiện ổ dịch (hoàn toàn miễn phí).

Để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như hạn chế việc muỗi lờn thuốc, Bộ Y tế quy định việc pha và phun hóa chất diệt muỗi phải được thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt theo quy trình, các đơn vị tư nhân không được phép thực hiện loại hình này để thu tiền. Nếu lạm dụng loại hóa chất này có thể tạo ra hiệu ứng ngược, khi dịch SXH bùng phát mạnh, chúng ta sẽ không còn “vũ khí” để đối phó.

Không ở trong nhà khi vừa phun thuốc

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, các loại hóa chất diệt muỗi đều có mùi hắc hoặc thơm nhẹ và đều có thể gây dị ứng với một số người. Vì thế, nếu phun những loại hóa chất không bảo đảm chất lượng, phun không đúng hướng dẫn thì sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Do vậy, nếu không phải do cơ quan y tế thực hiện thì không nên tự động hoặc thuê dịch vụ phun thuốc trừ muỗi, côn trùng trong nhà mà thay vào đó là sử dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh nơi ở.
Trường hợp gia đình cần phun thuốc muỗi thì phải che đậy đồ ăn, thức uống trong nhà và không nên ở trong nhà trong vòng 2 giờ sau khi phun thuốc.

 

                                                                                        Theo NLĐ

Các tin khác


Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục