(HBĐT) - “Đây là chiến thắng đầu tiên của quân đội ta đánh địch trong công sự vững chắc. Với chiến thắng Tu Vũ, chúng ta đã phá tan được phòng tuyến sông Đà, mở màn cho chiến thắng của Chiến dịch Hòa Bình, góp phần mở rộng vùng giải phóng” - đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá về ý nghĩa của chiến thắng ở Tu Vũ (12/1951), nay là xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Những kỷ vật, hình ảnh về trận đánh Tu Vũ được lưu giữ, trưng bày tại nhà truyền thống trong khuôn viên Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). ảnh: P.V

 

Xuôi theo dòng Đà Giang, chúng tôi tìm về mảnh đất Tu Vũ, nơi cách đây 66 năm đã diễn ra trận đánh với chiến thắng vô cùng quan trọng đối với Chiến dịch giải phóng Hòa Bình. “Những người lính trực tiếp chiến đấu ngày nào phần nhiều đã mất, những người còn lại đều đã trên 90 tuổi nên để gặp gỡ, trò chuyện với họ rất khó”, đồng chí Phạm Ngọc Kim, Bí thư Đảng ủy xã Tu Vũ cho biết. Dẫu không được gặp những nhân chứng sống nhưng những diễn biến về trận đánh lịch sử đó đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người con Tu Vũ. Trong nhà truyền thống của Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, những hiện vật, hình ảnh bà con Tu Vũ tích cực chuẩn bị cho cách mạng vẫn được lưu giữ. Chiếc xe tăng với chằng chịt “vết thương” là minh chứng cho những ngày chiến đấu anh dũng, quyết liệt.

 

Đồng chí Khuất Đình Quân, cán bộ văn hóa xã, một người được coi là chuyên gia về chiến thắng Tu Vũ cho biết: Sau thắng lợi của các chiến dịch lớn (trung du, đường 18 và Hà - Nam - Ninh), cục diện chiến trường rất thuận lợi cho ta. Để cứu vãn tình hình, trong lần tái chiếm Tu Vũ lần thứ 2, thực dân Pháp đã xây dựng ở đây thành cứ điểm mạnh nhất để bảo vệ phòng tuyến sông Đà. Cứ điểm này do Tiểu đoàn 1, thuộc Trung đoàn bộ binh Ma - Rốc và một đại đội ngụy cùng một phân đội xe tăng thiết giáp trấn giữ; được các trận địa pháo từ Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp, Trung Hà yểm trở; bộ binh từ Hòa Bình - Trung Hà theo đường thủy sẵn sàng chi viện. Ngoài ra, cứ điểm này còn có một sân bay bằng đất rất bằng phẳng giáp đê sông Đà, 3 khu phòng ngự của địch đều được xây dựng lô cốt, bố trí hỏa lực mạnh, xung quanh có 6 lớp hàng rào thép gai. Để xây dựng đồn bốt, địch đã đốt phá  gần 100 ngôi nhà của nhân dân nhằm biến Tu Vũ thành vành đai trắng. Trước tình hình đó, bà con ở Tu Vũ, Lương Nha (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) đã phối hợp ngăn chặn địch với nhiều trận đánh phục kích, tiêu diệt được 47 tên địch.

 

Trên cơ sở phân tích tình hình lực lượng giữa ta và địch, ngày 24/11/1951, BCH T.ư Đảng ra Chỉ thị số 22 về “Nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch”, quyết định đánh địch trên cả 2 mặt trận: chính diện (Hòa Bình) và sau lưng địch (trung du và đồng bằng Bắc Bộ). Với vị trí là cứ điểm nằm trong tuyến phòng thủ phân khu sông Đà của địch và là hướng chủ yếu của chiến dịch nên Bộ chỉ huy quyết định chọn Tu Vũ làm điểm đột phá, mở đầu cho Chiến dịch Hòa Bình. Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Tu Vũ. Tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược, then chốt cho Chiến dịch Hòa Bình của trận Tu Vũ đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Bộ Tổng Tư lệnh đã cân nhắc và quyết tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ mở màn cho Chiến dịch Hòa Bình; trận đánh phải thắng, chỉ được phép thắng”.

 

Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Tu Vũ sẵn sàng chờ lệnh. Đêm  10/12/1951, tiếng súng mở màn Chiến dịch Hòa Bình bắt đầu. Tuy nhiên, do bị lộ lúc xuất phát nên địch điều động pháo từ các trận địa bắn chặn nên ta bị thương vong nhiều, tình thế hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy Trung đoàn đã họp ở ngòi bờ Lạt và hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ bằng mọi giá. ý chí thép, sự anh dũng đã được đền đáp, 5 giờ ngày 11/12/1951, quân ta làm chủ cứ điểm Tu Vũ.

 

Chiến thắng Tu Vũ làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của thực dân Pháp, quân ta làm chủ hoàn toàn tả ngạn sông Đà, khai thông đường vận chuyển từ hậu phương Việt Bắc tới Hòa Bình. “Đây là trận công kiên lớn nhất, quân đội ta tiến bộ không ngừng, không chỉ  đơn thuần về kỹ thuật, chiến thuật  mà còn cả về mặt tư tưởng của quân đội cách mạng chỉ biết tiến công, không biết lùi bước”, là những lời khen ngợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho chiến thắng quả cảm này...

 

Không còn là vùng lau sậy hoang vắng, mảnh đất Tu Vũ hôm nay khoác lên mình tấm áo mới no ấm. Theo chia sẻ của đồng chí Phạm Ngọc Kim, Bí thư Đảng ủy xã, Tu Vũ đã cán đích NTM trong năm 2016, thu nhập bình quân đạt trên 31 triệu đồng/người/năm. “Là quê hương cách mạng, có di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chúng tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực thật nhiều để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông. Trong đó, việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống quê hương được tổ chức thường xuyên cũng như nêu cao vai trò bảo vệ những di tích, kỷ vật của trận đánh lịch sử cách đây 66 năm”- Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tu Vũ nhấn mạnh.

 

                                                                          Viết Đào

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nhà sàn của người Mường

(HBĐT) - Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình, quãng thời gian thực chất đã trải qua 3 thế kỷ, từ thế kỷ XIX – XX bước vào thế kỷ XXI. Từ đó đến nay người Mường Hòa Bình vẫn lưu giữ khá trọn vẹn nếp ăn, nếp ở, bản sắc văn hóa của mình. Thể hiện dễ nhận biết nhất đó là ngôi nhà sàn vẫn còn đa số người Mường yêu mến, sử dụng trong lựa chọn nhà ở cho gia đình mình. Tuy nhiên cuộc sống luôn biến đổi, nhà sàn của người Mường cùng chung trong dòng chảy đó đã có những biến đổi nhất định

Cái viếng trong đời sống gia đình người Mường xưa

(HBĐT) - Làm chín thức ăn bằng hơi nước nóng người Mường gọi là đồ, đây là một trong những cách chế biến thức ăn truyền thống, phổ biến, nhất trong đời sống người Mường xưa. Ngày nay được gọi là cách đồ, hấp. Cách thức đồ có ưu điểm làm thức ăn chín vì hơi nước rất nóng, chất dinh dưỡng hầu như rất ít mất đi trong quá trình chế biến nó được lưu giữ lại trong món ăn, do đó đảm bảo nguyên vị khi ăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục