(HBĐT)-Được đến trường học hành, trau dồi kiến thức, được gặp thầy cô, bạn bè để cùng xây lên những chân trời, khát vọng mới, đó là hạnh phúc thời học sinh, sinh viên. Nhưng  khi gặp được những người thầy, người cô - "người lái đò” thầm lặng tuyệt vời, thì hạnh phúc càng được nhân đôi… Mỗi đời người, có thể kể ra rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm, tình huống gắn bó với thầy cô. Cho dù, thời buổi 4.0, chuyển đổi số, cho dù trong cuộc sống vẫn còn chuyện này, chuyện nọ liên quan đến đến mảng "sáng tối” của ngành, của nghề, nhưng những hình ảnh đẹp đó không bao giờ phai mờ.

Trong miền ký ức không nhiều về lớp vỡ lòng bên dòng suối nhỏ những năm đầu thập kỷ 70 của thế XX, bác M. không thể quên hình ảnh về thầy giáo già trong bộ đồ gụ giản dị mỗi lần lên lớp. Đi 4 - 5 km đường đồi núi để được đến lớp, nên một lớp học đơn sơ (bàn là ghế băng và ghế ngồi là ghế gỗ nhỏ, dùng để ngồi ăn cơm ở các gia đình)… cũng không làm giảm nhiệt tình học hành của các bạn cùng lớp. Ấn tượng về thầy chính là sự nhỏ nhẹ, hiền từ, mực thước. Toàn lũ lau nhau 6 - 7 - 8 tuổi khó bảo, nhưng thầy vẫn kiên trì rèn các em từng con chữ. Ấn tượng nữa là chữ thầy đẹp lắm, kiểu "rồng bay, phượng múa”. Nhìn những con chữ trên bảng của "ông giáo già”, cả lớp say mê "vẽ” theo bằng những mẩu bút chì nham nhở, ngắn tũn. Bác M. nhớ mãi lần bị ốm, vì mệt ngủ luôn ở lớp, trong mơ màng có cảm giác thầy chạm nhẹ bàn tay vào trán, kiểu như kiểm tra nhiệt độ, rồi nâng nhẹ đầu để lấy cuốn tập viết. Tối đó, dù mệt, bác vẫn ngồi miệt mài viết theo dòng chữ mực đỏ, đẹp mà thầy đã viết mẫu… Chỉ có mấy tháng học để "tốt nghiệp” lớp vỡ lòng và vào lớp 1, nhưng kỷ niệm về thầy thật khó quên. Sau này, tốt nghiệp nhiều trường lớp, cấp học…nhưng những ngày xưa thân ái ấy mãi ấm trong lòng và như một hành trang hạnh phúc của đời người. Tiếc là không giữ được cuốn tập viết hồi đó, có những dòng chữ của người thầy giáo già… 

Còn cháu K. học lớp 12 lại rất nhớ về cô giáo hồi mẫu giáo và tiểu học trường làng. Ở nông thôn nên các cô cũng vất vả hơn, nhưng chưa một lần thấy cô to tiếng với bé nào. Nhiều hôm mưa gió, chiều tối mịt mà có bạn chưa ai đến đón, thế là cô lại lóc cóc đạp xe đưa học trò về nhà. Lúc cô về, xóm làng đã lên đèn. Ngày 20/11, hoa cho cô chỉ là những cành hoa được hái ven đồi, ven rừng thế mà đẹp ấm áp lạ… Sau này, khi không còn ở thôn xóm, K. vẫn nhớ mãi lớp học nhỏ dưới dãy tre làng đó, cùng hình ảnh cô giáo chủ nhiệm năm lớp 5 hiền lành, giản dị đèo học trò về trung tâm xã để tham dự một cuộc giao lưu văn nghệ - thể thao. Hay chuyện cô đi "lùng” gia đình bạn nào đó không cho con trở lại lớp. Sau năm lần bảy lượt… bạn ấy cũng đã đi học trở lại. Không ồn ào, không nhiều những giỏ hoa đẹp, nhưng chắc chắn trong tâm hồn tuổi thơ có một hình ảnh đẹp, lung linh…

Còn chị H. lại nhớ về những năm tháng học đại học. Thời bao cấp, nhà nghèo, chưa bao giờ dám mơ tấm áo mới. Mấy năm đại học chả bao giờ được ăn một bát phở (may là còn được Nhà nước cấp gạo nuôi). Nên chị xúc động lắm chuyện thầy chủ nhiệm đi lùng giáo trình cũ để cho chị học; vận động các đồng nghiệp mua tặng chị chiếc áo (để chị mặc hôm bảo vệ luận văn tốt nghiệp). Còn cô hướng dẫn luận văn thì (nói đến chuyện này chị lại muốn rơi nước mắt)… 6 - 7 tháng giúp chị từng chút một, chăm chút cho chị từng trang luận văn, đọc sửa thâu đêm, rồi nhờ người chép giúp chị. Hồi đó, mấy ai có điều kiện đánh máy và in ấn. Dịp đó, mỗi lần về quê, chị chỉ có lạng chè, nải chuối biếu cô. Nhận lạng chè nhưng cô lại dúi vào tay trò một gói to quà quê của cô (nào lạc, cân gạo, gói bánh…). Cô mắng át: "Sinh viên như các em làm gì đã làm ra tiền mà bày vẽ quà cáp… Cứ bảo vệ cho tốt đã nhé”. Nói chuyện ở thời điểm này chắc có người cho là chuyện "cổ tích”. Thực tế còn nhiều câu chuyện cổ tích như thế. Cuộc đời này đẹp và đáng yêu cũng vì những câu chuyện đó.

Bùi Huy

Các tin khác


Hạnh phúc ngọt ngào

Hải béo đứng sừng sững trước cửa nhà khiến Hội bất ngờ. Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: "Tôi còn 2 cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục