Năm nào cũng vậy, cứ vào hạ, chú Lâm hàng xóm lại biến mất một cách khó hiểu. Mãi rồi anh mới biết, chú lại đi tìm mộ cha cho anh. Chú với mẹ anh là bạn học từ nhỏ, rồi đi chiến trường, chú lại làm bạn của cha. Đến lúc Hùng thành một kỹ sư lành nghề, tuổi đã đầu bốn, chú Lâm vẫn lọ mọ đi tìm. "Ông kỹ sư cũng phải có cái gốc, cái gác” - chú nói thế rồi lại mải miết. 40 năm rồi, lần nào về chả ốm quay, ốm quắt, ba lô lép kẹp, lòng thì thất vọng trống không… 
Năm nay, mẹ yếu hẳn. Nhà bên, chú Lâm cũng bắt đầu có những cơn ho dài mỗi khi đêm về. Sớm nay, khi Hùng dắt xe ra cửa đi làm, chị giúp việc đang phơi quần áo trước sân đã nhỏ nhẹ:
- Em đi làm nếu rảnh gắng về sớm qua viện bón lưng cháo cho bà. Bà chỉ thích       em bón. 
Ngừng lại đôi chút, như thể nhớ ra điều gì chị nói tiếp:
- Mà, ông Lâm bên nhà vẫn ho, hôm nay lại thấy xách ba lô, hình như đang đợi cậu…
Hùng đẩy cánh cổng nhà bên bước vào. Bên bậc thêm đá cũ, chú Lâm giờ đã là một ông lão bên chiếc ba lô không tuổi nhìn anh. 
- Lần này không tìm được cha cho con, ta sẽ không bao giờ đi tìm nữa. Tại sao sau trận đánh ấy, xác ông ấy lại biến mất một cách khó hiểu như hơi nước vậy nhỉ? Lẽ nào ông trời bắt cha con phải khổ đến thế.
Đang chìm trong dòng suy nghĩ bỗng Hùng nghe thấy tiếng gõ cửa, vẫn điệu bộ hấp tấp, Mạnh bước vào nói trong sự tức giận:
- Thưa anh, lần này thì phải tống cổ lão Chí đi, không thể chịu được nữa…
Lại lão Chí. Thực ra chính Lâm cũng đến khổ vì lão. Vốn là từ ngày công ty tư nhân của anh chuyển về đây, tay giám đốc nổi hứng tận dụng những khoảnh đất thừa xung quanh các dãy nhà để làm non bộ, bày cây cảnh, trồng lan, chơi chim… tất tật những thứ mà người ta đang chuộng. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Hùng lại nghe lời bà tổ trưởng dân phố giới thiệu cho sếp anh một ông lão dáng thấp nhỏ, nói là cụ rất chăm chỉ, thật thà.
- Hình như ông lão ấy có vấn đề, không được bình thường lắm, cậu cũng nên cân nhắc…
- Không anh ơi, hôm trước bảo vệ kêu mất máy bơm nước, sáng nay có người bắt gặp lão mang máy bơm đi bán.
- Ôi trời! Hùng thốt lên.
- Chưa hết đâu anh, hôm rồi anh Khải phòng tài vụ sang nhà bố vợ thấy ông cụ có con chào mào mới mua thuần lắm. Hỏi ra mới biết là cụ mua của ông Chí. Mà đúng cái con chim của sếp Long bị xổng hôm nọ. Lão cứ một mực "tôi quên đóng cửa lồng”. Anh bảo " hai năm rõ mười” chưa?
Chiều ấy khi trời sắp mưa to, những chiếc lá trên các cây trong thành phố hình như đều bị dứt tung, trộn vào gió bụi mà quăng quật. Hùng tháo kính dụi mắt, cố đẩy được chiếc xe vào mái hiên ngôi nhà bên đường ngay gần công ty thì chân anh dường như đá phải một người. Một người, không, là lão Chí, lão đang nằm. Lúc này thì chẳng còn biết tránh ra đâu nữa. Người lão không hề bị ướt nhưng hình như khuôn mặt lão đang đầm đìa nước mắt. Hùng đỡ lão ngồi dậy, như chẳng cần biết đang gặp ai (thực ra thì chắc lão cũng đâu có tường mặt anh), lão đang thổn thức trong tiếng nấc.
Bốn chục tuổi đầu, chưa bao giờ Hùng nghe một người già khóc não nề đến thế. Trong tiếng mưa đang gõ trên mái tôn ồn ã kia, hình như anh nghe lão đang kể một câu chuyện. Chẳng hiểu sao lúc ấy, trong anh lại nảy ra một ý nghĩ quái đản, anh lấy điện thoại, bật mic ghi âm, nhét vào cổ áo lão Chí rồi thản nhiên sờ túi móc bao thuốc ra hút.
Lần này Hùng rủ Mạnh, gọi thêm thằng em cùng công ty mang xe ra tận bến đón ông Lâm. Người đàn ông thất bại lần thứ 41 hình như lại đạt đến sự bình thản chưa từng có. Ông nở nụ cười với hai người rồi bình thản kéo cửa xe bước lên, để lại nỗi buồn rớt bên hè phố. 
- Giờ rẽ qua quán Quê làm chầu bia cho mát đã chú Lâm ạ, hè năm nay nóng kinh.
- Ờ (ông Lâm chậm rãi), thì còn gì để mà vội đâu. Đời tao cũng chỉ loanh quanh…
Hôm nay, cả Hùng và Mạnh đều bất ngờ thấy ông Lâm uống nhiều thế. Uống như thể để thanh lọc hết những u uất bấy lâu chất chứa trong lòng. Khi đã ngà say, Hùng lấy điện thoại, mở cái đoạn ghi âm lão Chí nói trong tiếng khóc, tiếng mưa.
- Đấy, lão lại "sáng tác” thêm cái kịch bản mất cắp gì đó. Hàng độc đấy, nay mai lão không còn được làm ở đây nữa, chúng mày muốn nghe cũng chẳng được.
Hùng vừa đắc ý nói với hai thằng em thì bỗng dưng, ông Lâm giật bắn người hai mắt mở to nhìn Hùng.
- Cái gì? Con bảo cái gì? Ai không làm nữa?
- À, chú yên tâm, là con nói cái ông lão làm việc vặt ở công ty con, chứ giờ con ổn định rồi không có ý nghĩ "nhảy việc” đâu      chú à. 
Ông Lâm như một người bị ai nhập, mắt trợn trừng túm lấy cổ áo Hùng khiến anh cũng ngớ người:
- Trời ơi, sao mày lại đuổi ông ấy đi, con ơi là con, mày giết tao rồi.
Mọi người phải cố gắng lắm mới gỡ được đôi tay của ông Lâm ra. Hùng khó chịu sửa lại cổ áo. Ai cũng hiểu, ông Lâm đã quá chén nên tìm cách đưa ông về. 
- Thôi còn tiệc tùng gì nữa, chúng mày đưa tao đi tìm ông Chí ấy ngay, không thì hối không kịp…
Giờ thì Hùng không đủ bình tĩnh để cầm lái. Cả đến Mạnh cũng luống cuống mãi mới đánh xe ra khỏi con ngõ được khi nghe tiếng ông Lâm kể thều thào phía ghế sau. Vậy là, bao năm qua, ông đã phải nói dối tất cả. Chẳng có chuyến đi tìm kiếm nào. Bởi, sau cái lần gặp lại ông Khang, người cha của Hùng, ông Khang đã bắt ông Lâm phải bí mật về sự hiện diện của ông. Ông ở ngay khu nhà quay lưng lại dãy nhà của hai mẹ con Hùng. Vết thương chiến tranh đã làm khuôn mặt ông dị dạng, nhiều khi ông nhớ nhớ, quên quên nhưng lúc tỉnh táo nhất, ông Khang vẫn muốn mẹ Hùng và ông Lâm đến với nhau. Ông cố xin vào công ty của Hùng cũng vì được ở gần anh nhất. Sự im lặng đó như một vết dao âm thầm cứa vào tâm can ông Lâm bấy lâu nay.
Hùng trấn tĩnh lại quay sang bảo Mạnh:
- Cậu làm sao tìm lại được cha tôi, dù phải đi đến đâu chăng nữa.
Phía cuối con đường, những tia nắng chiều vẫn còn rực rỡ.


Truyện ngắn của bùi việt phương

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục