(HBĐT) - Vẫn nhớ lần đầu khi đến các Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia: A1 (Điện Biên), Trường Sơn, Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang), hay đọc các trang viết về những lần đi bốc mộ đồng đội ở Nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) qua trang ký của nhà văn Đoàn Tuấn…

Bao điều thiêng liêng, ý nghĩa ùa về trong lòng. Đất nước hòa bình rồi, gió đã thôi mang mùi đạn bom, trời xanh, mây trắng; không còn thấy những vệt pháo, vệt tên lửa đỏ trời như mùa đông năm 1972 trên bầu trời quê nhà… càng thấm thía về những hy sinh vô bờ của những người con đất Việt trên chiến trường trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xen lẫn và ùa về đồng hành, liên tưởng trong lòng chính là hình ảnh những người mẹ, người chị, người vợ… cùng đất nước đi qua các cuộc chiến tranh. Họ đẹp, ấm áp và hiên ngang trong cuộc sống đời thường; tha thiết, trữ tình và lấp lánh trong thơ, trong nhạc, trong hội họa, phim ảnh…

Có gia đình nào trên đất nước này mà không có con, em tham gia, đóng góp công sức, máu xương cho ngày toàn thắng Mùa xuân năm 1975… Cho nên vẫn còn nhớ hình ảnh bà, mẹ năm nào, ngồi âm thầm hàng đêm, mỗi chiều về bên hiên nhà, ngoài ngõ sau ngày các anh lên đường nhập ngũ. Những giọt nước mắt âm thầm chảy vào trong để người lên đường an tâm, vững bước "chân cứng đá mềm”. Những năm tháng chiến tranh… nơi tiền phương, có sự gian khổ hy sinh, vất vả của người chiến sỹ, còn nơi hậu phương là nỗi trăn trở, đau đáu, phấp phỏng chờ đợi cùng tháng năm. Mẹ ngóng con, vợ chờ chồng. Và họ chính là điểm tựa vững vàng để "người ra trận” yên tâm chắc tay súng. Bởi họ, ở hậu phương cũng "ba đảm đang” tay cày, tay súng, bảo vệ xóm làng, chăm lo nhà cửa, nuôi dạy con  nên người. Ở đất nước mình, từ Bắc vào Nam, có gia đình nào không là một phần của cuộc kháng chiến hàng chục năm đằng đẵng ấy. Vì thế, sự hy sinh không thể đo đếm và những người mẹ như một tượng đài bất tử bởi những chịu đựng, hy sinh vô bờ bến. Một thi sỹ nào đó đã khái quát hình ảnh người mẹ tảo tần chịu khó và rất giàu đức hy sinh qua câu: Mẹ đang gánh ra giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”. Hay: "Mấy cuộc chiến tranh mẹ gánh cùng một lúc/ Chiến tranh bao giờ chấm dứt/ Nếu một đứa con của mẹ không về” (Hữu Thỉnh). Người mẹ miền Bắc, người mẹ miền Trung, người mẹ Nam Bộ… cùng dân tộc đi qua các cuộc chiến tranh bằng bản lĩnh và đức hy sinh không gì có thể đo đếm nổi. Trong cuộc sống hòa bình hôm nay, mỗi khi nghĩ về những người mẹ, người chị, trong góc tâm hồn của mỗi người không thể nào quên những câu thơ, câu hát "Ba lần tiễn đưa con, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về, mình mẹ lặng im” (Đất nước - Tạ Hữu Yên - Phạm Minh Tuấn). Trong cuộc đời mỗi người, thật hạnh phúc khi đến với mỗi vùng miền đất nước để được biết, cảm nhận và gặp gỡ được những tấm lòng, những tấm gương sáng ngời của những người mẹ  Việt Nam anh hùng. Xin một lần được đến Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở trên đỉnh núi Cấm (thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để được thắp nén hương thơm thành kính dâng lên bao bà mẹ Việt Nam đã tần tảo, chịu thương chịu khó, dâng hiến tất cả vì Tổ quốc. Để được biết nhiều hơn những nỗi đau thầm lặng vô bờ bến và đức hy sinh cao cả của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam) có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Một người mẹ có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, nhưng tượng trưng cho bao hình tượng của người Mẹ Việt Nam: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Hay một "Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn: Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù… Hay  người mẹ trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: "Sợi tóc màu mây trắng/ Kể tôi nghe ngày xưa mẹ đưa cơm qua vách cấm”... Bao bà mẹ quên đi nỗi đau riêng để cùng đất nước đi đến ngày toàn thắng.

Chiến tranh khốc liệt đã qua đi, nhưng nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình. Nhiều người mẹ mòn mỏi mong tìm được một phần xương cốt của con trở về với Đất mẹ. Cũng vì thế mà mỗi đêm tháng 7 - tháng tri ân những Anh hùng liệt sỹ,  như xoa dịu bớt nỗi đau của những người mẹ cùng năm tháng. Bên nhà hàng xóm, câu hát về Mẹ Việt Nam lại vang lên như nhắn nhủ, như sẻ chia, tâm tình: Mẹ ơi, mẹ như dòng sông nắng/ Mẹ ơi, mẹ như Trường Sơn/ Mẹ sinh người lính, thủy chung vẹn tròn/ Mẹ như mây trắng, như cánh lá sen/ Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi! (Khúc hát ru của người mẹ lính - An Thuyên).


Tùy bút của Bùi Huy 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục