(HBĐT) - Làng tôi nằm ven sông, con sông đã đi vào ký ức tuổi thơ của thời trẻ thơ. Lũ chúng tôi thời đó có người đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, người còn lại cũng ngoài 80. Phía bờ sông là lũy tre làng xào xạc khi gió lào thổi về.

 

Gió lào thổi rạc bờ tre

Mới nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn

Chính trong sỏi đá, đất cằn

Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.

Dưới mái tre mát rượi, bao cuộc đời đã sống, những niềm vui, nỗi buồn dưới lũy tre làng vẫn mãi lấp lánh trong ký ức tuổi thơ. Đến bây giờ đi xa, bóng tre xanh trùm lên mái rạ, âm thanh rì rào gọi bình minh, tiếng thì thầm lắng đọng lúc đêm về cồn cào trong nỗi nhớ.

Thời giặc giã, tre là lũy, là thành, là người bạn thân của nhà nông đánh giặc giữ làng:

Thân gầy guộc lá mong manh

Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!

Tre đã góp phần che chở bao người cán bộ đến nằm đất ngủ sương lấy lũy tre làm hầm che chắn để cán bộ hoạt động trong cảnh bí mật nằm gai nếm mật. Bom đạn giặc dội xuống, cày xới ruộng đồng, tre bị bật gốc:

Tre bị bật gốc, rễ vẫn cắm sâu

Cây vẫn tươi xanh càm đậm màu sắc lá

Vẫn rì rào gió nhẹ đêm hè

Ôm trọn xóm làng giấc ngủ dân quê

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, tôi trở về quê trong cái hầm hập gió lào mà nhớ những năm xưa mẹ già đêm hè ngồi dưới lũy tre hóng mát, tay phe phẩy chiếc quạt nan để xua bớt cái nóng của làng quê của thời chưa có điện. Nay trở về quê, lũy tre dày đã được xén bớt để mở rộng đường làng được đổ bê tông đi lại thuận tiện mới thấy được sự phát triển của quê hương.

Trăng vàng soi sáng xuống làng đã ngày càng đổi mới, đời sống được ấm no, đủ đầy. Trong làng đêm về sáng bừng đường làng. Chiều hè, gặp cơn mưa rào khí trời bỗng mát mẻ. Theo cha đem nơm và bó đuốc ra bờ sông giăng soi bắt cá bống đem về cho mẹ làm kho mặn là món đặc sản cho miền quê trong những bữa cơm hè.

Sự phát triển nông thôn theo hướng đổi mới cây trồng, chăn nuôi nên thu nhập hàng năm nhiều gia đình đạt triệu phú, tỷ phú. Tháng 7 - tháng tri ân những liệt sỹ đã nằm lại nơi chiến trường, nghĩa trang đầu làng đỏ nến, hương thơm mà nhớ những bạn cùng trang lứa đã hy sinh ở thành cổ Quảng Trị. Hè về, nhớ thương lũy tre làng lại nhớ bạn cũ mà nhắc nhở chúng ta gắng sống vì người đã đi xa.


Tản văn của Văn Song


 

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục