(HBĐT) - Đầu những năm 1990, không ít bà con ở một số xã của huyện Đà Bắc đã thực hiện cuộc “Tây Nguyên tiến” với khát vọng tìm được “miền đất hứa” thuận lợi làm ăn kinh tế. Sau hơn 20 năm rời quê hương lập nghiệp, cuộc sống của những người con Hòa Bình xa quê ngày nào giờ đã đủ đầy, ấm no. Ra đi trong thuở hàn vi nhưng qua bao thăng trầm, giữa người ở lại quê hương và người đi vẫn keo sơn một tình máu mủ... Câu chuyện về chuyến xe Hào Lý (Hòa Bình) - Ngọc Hồi (Kon Tum) là minh chứng sợi dây thắt chặt cho tình nghĩa đó.

 

Người lái xe, người anh em!

 

Đầu những năm 1990, trước khó khăn chồng chất về phát triển kinh tế, nhiều bà con ở một số xã của huyện Đà Bắc như: Hào Lý, Cao Sơn, Vầy Nưa, Tiền Phong đã lên đường theo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào 2 tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum và Gia Lai để xây dựng vùng kinh tế mới. ông Dương Văn Tỵ (nhà xe Tỵ Diễn), tổ 1, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình là một trong những người trực tiếp đưa bà con đi vào miền đất mới.

 

Tranh thủ thời gian ông Tỵ đang nghỉ sau chuyến đi từ Tây Nguyên ra, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông tại nhà riêng. Đã bước sang tuổi 64 nhưng ông Tỵ vẫn mang vẻ phong trần của những bác tài chuyên chạy  đường dài. “Nhà mình là xe đầu tiên mở ra tuyến này, cũng xuất phát từ nhu cầu được đi lại thăm hỏi sức khỏe nhau của bà con ở 2 tỉnh thôi. Đến nay, đã qua 5 đời xe rồi. Ngày đi thì vô cùng khó khăn nhưng phải công nhận, bà con Hòa Bình mình rất chịu khó làm ăn, giờ thì đời sống nhiều nơi rất khá giả”, ông Tỵ mở đầu câu chuyện.

 

Bà con nhà mình – cách xưng hô xuất hiện qua mỗi câu chuyện mà ông Tỵ say sưa kể cho chúng tôi về cuộc sống mới, ngôi nhà mới, về hàng chục tấn thóc, ngô, cà phê mà bà con thu hoạch được hàng năm. Mỗi tháng 9 chuyến, 3 xe chạy vào các ngày mùng 8, 12, 16, 18, 22, 26 và 28 âm lịch, ông và các đồng nghiệp lại lên đường chở những người “khách ruột”. Trong những chuyến xe đó, người ra thì mang theo gạo, tiền biếu họ hàng; còn người vào thì những rau rừng, măng đắng như một lời nhắc nhở về nguồn cội. Nhiều khi chỉ đơn giản là những lời hỏi thăm vội vã mỗi khi xe đi qua nhà. “Vào mùa măng đắng thì chuyến nào cũng chở rất nhiều, có khi một chuyến chở gần 2 tấn măng vào, bà con trong này họ thích măng ở quê mình lắm”, ông Tỵ chia sẻ.

 

 

Bà con xã So Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum múa hát trong ngày

kỷ niệm 25 năm thành lập xã.

 

Theo chia sẻ của ông Tỵ, để nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình, bà con ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) thường lấy tên xã, xóm ở quê để đặt tên cho nơi mình đang sinh sống. Đó là các xóm như Cao Sơn, Hào Lý, thôn Hòa Bình, Vầy Nưa, Tiền Phong. Trong các dịp lễ, tết, bà con vẫn mặc áo, váy truyền thống và biểu diễn những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. ở Ngọc Hồi, bên cạnh những đồi cà phê, rừng cao su bạt ngàn, vẫn thấp thoáng đâu đó những mái nhà sàn khang trang.

 

An cư ở vùng đất mới

 

Nhớ về những ngày đầu mà người thân, hàng xóm của mình lên đường vào Tây Nguyên, nhiều bà con ở xã Hào Lý (Đà Bắc) thừa nhận, họ cũng ít nhiều lo lắng. “Trước năm 1990, đã có một số bà con được di rời vào Long An để khai hoang, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chạy nước lại gặp mùa nước nổi nên bà con chỉ trụ lại trong thời gian ngắn. Một số chạy lên vùng Di Linh (Lâm Đồng), một số trở về quê. Do đó, trong chuyến vào Tây Nguyên, tâm lý của người đi và người ở lại đều có những lo lắng”, đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hào Lý cho hay. Còn hiện tại: “Hàng năm, tỉnh, huyện đều tổ chức những chuyến đi thăm bà con trong Tây Nguyên. Mỗi chuyến đi đều tràn ngập tình thân mến và cảm nhận rõ sự đổi thay tích cực trong đời sống kinh tế của bà con. Đến giờ phút này, có thể nói, bản thân những người ở ngoài Bắc như chúng tôi phải phấn đấu nhiều mới bắt kịp anh em của mình trong đó”, đồng chí Đinh Văn Xuân phấn khởi.

 

Ông Đinh Văn Kín, xóm Tân Tiến, xã Hào Lý (Đà Bắc) cũng không giấu nổi niềm vui vì những người thân của ông đã “an cư, lạc nghiệp” ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). ông Kín cho biết: “Anh em vào trong đó trồng cà phê, cao su nên thu nhập cao hơn nhiều so với ngoài này. Bây giờ, điều kiện kinh tế đã ổn định, điện thoại liên lạc, xe cộ đi lại đều rất thuận tiện nên dù khoảng cách có xa xôi nhưng tình cảm vẫn luôn gắn bó. Dù đời sống khá giả nhưng anh em vẫn gìn giữ bản sắc của dân tộc mình và hòa nhập rất tốt với lối sống trong đó”.

 

Không chỉ chí thú làm ăn, ổn định kinh tế, theo lãnh đạo và người dân ở xã Hào Lý cho biết, nhiều người con của Hòa Bình đang nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền các xã. Qua trò chuyện với ông Cảnh, một người dân ở xã Bờ Y, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm mà bà con dành cho nơi mình đã sinh ra. “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”, câu thơ trĩu nặng tính triết lý mà nhà thơ Chế Lan Viên viết trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” như thay lời muốn nói cho cả người đi và người ở lại. Chuyến xe khách của gia đình ông Tỵ vẫn bon bon hành trình kết nối của mình. Những người con Hòa Bình ở quê hương thứ 2 thì vẫn luôn hướng về phía trước để thay đổi cuộc sống và nhìn về nơi chôn nhau, cắt rốn để có thêm những động lực. 

 

                                                                               Viết Đào

Các tin khác


Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 phóng viên, biên tập viên

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có 35 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” 

Ngày 17/5, UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham gia hội thi có 10 đội đại diện cho trên 300 "Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực các hoạt động hướng về người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân, khắp các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn tỉnh sôi nổi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) về vật chất, tinh thần. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Công đoàn các cấp, NQĐH XVII Công đoàn tỉnh và NQĐH XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Cảnh báo các thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hạ

Chập điện gây cháy hoàn toàn ngôi nhà sàn ở xã Mường Chiềng

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 14h ngày 16/5 đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Đây là ngôi nhà sàn của gia đình ông Xa Văn Rộng, sinh năm 1962.

Thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI

Ngày 16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục