(HBĐT) - Phố lên đèn cũng là lúc mỗi người sau một ngày làm việc mệt mỏi đều muốn trở về bên gia đình nhưng lại có những con người vẫn hàng ngày cần mẫn, âm thầm và lặng lẽ làm công việc làm sạch đô thị như một guồng quay không ngừng nghỉ. Nếu ví bụi bẩn, rác thải, cái khắc nghiệt của thời tiết như cát ở sa mạc thì họ - những công nhân vệ sinh môi trường đô thị chính là “hoa xương rồng trên cát”.

 

Lấy cực nhọc làm niềm vui, động lực

 

Với người có thâm niên 19 năm trong nghề như chị Bùi Thị Thanh Huyền, tổ trưởng tổ xúc thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình, nỗi vất vả, cực nhọc mỗi ngày được chị lấy đó là niềm vui, động lực để phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Một con người bình dị, hay cười là những ấn tượng đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với chị.

 

Một buổi làm việc của chị Bùi Thị Thanh Huyền, tổ trưởng tổ xúc thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình tại điểm tập kết rác của phường Hữu Nghị.

 

Tổ xúc của chị Huyền có 13 thành viên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là duy nhất chị là phụ nữ lại là tổ trưởng. Việc quản lý 12 đồng nghiệp nam không phải dễ dàng, thế nhưng với kinh nghiệm và uy tín của mình, chị luôn điều hòa, phân phối công việc phù hợp nên tổ của chị thường xuyên được lãnh đạo Công ty khen thưởng vì có thành tích. Trực tiếp “bám càng” chị trong một buổi làm việc bắt đầu từ lúc 19 h, chúng tôi mới thấy được nỗi vất vả của chị và đồng nghiệp, nhưng bên cạnh đó cũng thấy được nhiệt huyết với công việc trong con người chị. Cứ đều đặn 2 tuần làm ca tối rồi đến 1 tuần làm ca sáng, ngày nào làm tối thì cũng phải tầm 1, 2 giờ sáng khi rác được thu gom hết và chở đến Nhà máy xử lý rác thải ở huyện Lương Sơn, chị mới được trở về nhà.  Vất vả là vậy nhưng chị chưa bao giờ nản chí và bỏ dở công việc bởi có gia đình luôn ủng hộ, động viên hết lòng.

 

Chị Huyền tâm sự: “Vất vả nhất là mỗi dịp tết đến, chúng tôi phải làm tăng ca và bắt đầu công việc từ 23 Tết, Năm ngoái, có lần phải 2 ngày liền tôi làm việc liên tục không về nhà. Từ khi quay lại tổ xúc đến nay, đêm giao thừa nào cũng vậy, chúng tôi cứ phải 5 giờ sáng mùng 1 Tết mới về đến nhà sau khi hoàn thành công việc, ai nấy đều mệt nhoài đón năm mới. Tuy vậy, mọi người vẫn thường động viên nhau tiếp tục cố gắng, chúc tụng nhau ngay trên ca bin xe chở rác, đối với chúng tôi, những khoảnh khắc đó là vô giá”.

 

Khác với đồng nghiệp của mình, chị Nguyễn Thị Tâm, tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường số 3 bắt đầu công việc từ năm 2010 đến nay. Nhiệm vụ chính của chị và 16 người trong tổ là làm sạch trục đường chính, hè phố các phường Hữu Nghị, Tân Thịnh, Thịnh Lang và thu gom rác lên xe đẩy rồi chở về các điểm tập kết rác. Công việc vất vả, giờ giấc “trái khoáy”, chồng lại đi làm xa nên một mình chị vừa phải hoàn thành nhiệm vụ Công ty giao phó lại vừa chăm lo cho 2 đứa con. Thế nhưng, chị luôn nhiệt tình, hăng say với công việc, chăm lo chu đáo cho gia đình và xứng đáng là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo. Chị Tâm chia sẻ: “Đã 6 đêm giao thừa tôi chưa được đón năm mới cùng gia đình bởi đặc thù của công việc. Khu vực tổ tôi phụ trách có cầu Hòa Bình là điểm bắn pháo hoa hàng năm nên cứ sau 15 phút pháo hoa rực trời, chờ cho mọi người về quây quần bên gia đình, chị em tôi lại động viên nhau dọn sạch xác pháo để đảm bảo mỹ quan thành phố. Năm nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng mùng 1 Tết, tôi mới được về bên gia đình”.

 

Không chỉ mẫu mực trong công việc, với tư cách là ủy viên BCH chi đoàn, chị Tâm luôn năng động, đi đầu trong các phong trào, hoạt động văn nghệ, thể thao của cơ quan. Chính vì vậy, chị được T.ư Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương “Cá nhân tiên tiến vì cộng đồng” năm 2016.

 

Phía sau những tiếng cười

 

Người chúng tôi tìm đến tiếp theo là chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân tổ vệ sinh môi trường số 1. Sinh ra ở Yên Bái, lớn lên ở Phú Thọ, 15 tuổi chuyển lên sống với bà ở Hòa Bình. Xa bố mẹ lại nghỉ học khi mới học hết lớp 6 do điều kiện gia đình quá khó khăn, chị đã trải qua đủ thứ việc mà đáng lẽ, ở tuổi đó, chị phải được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Chính cái khó, khổ từ nhỏ đã nuôi nấng và rèn dũa ý chí, nghị lực của chị. 5 năm làm việc tại Công ty, chị chưa lần chậm trễ, dở dang trong công việc. Người chồng và hai đứa con trai, công việc ổn định cuộc sống là tài sản lớn nhất đối với chị. Thế nhưng, tai họa ập đến khi gia đình phát hiện chồng chị bị ung thư giai đoạn cuối vào tháng 2 năm ngoái. Cũng từ đó, chị chủ động xin cấp trên ưu tiên cho làm ca từ 5 rưỡi chiều đến 10 giờ tối và 3 giờ đến 6 giờ sáng để ban ngày nuôi thêm con lợn, con gà cải thiện bữa ăn cho gia đình và tăng thêm chút thu nhập. Bao nhiêu đồng lương của chị đều phải dồn vào tiền thuốc men cho chồng. Hai con trai của chị cũng phải chịu không ít thiệt thòi khi ở tuổi đáng lẽ được vui chơi cùng bạn bè mỗi khi tan học lại luôn chân, luôn tay việc nhà giúp mẹ mỗi ngày đi học về.

 

Chị Thủy được phân công phụ trách khu vực Phương Lâm, cứ 5 rưỡi chiều, chị lại xăm xăm bộ “đồ nghề” và đến địa điểm quen thuộc, hôm thì kịp ăn bát cơm nguội trước khi đi làm, hôm thì tối muộn chừng 23 giờ khi hết ca chị mới về dùng cơm tối. An ủi lớn nhất với chị chính là sự động viên từ gia đình và đồng nghiệp trong tổ. “Tôi cũng ít có thời gian dành cho mấy đứa nhỏ. Mỗi đêm giao thừa, không được bên gia đình nhiều lúc thấy tủi thân lắm nhưng trong lòng tự nhủ không được gục ngã nên tôi mới bám trụ được công việc đến ngày hôm nay”, chị Thủy tâm sự. Hoàn cảnh éo le không thể ngăn bước chân nhỏ bé của người phụ nữ đó, hàng năm, chị luôn được cơ quan tuyên dương với thành tích xuất sắc trong công việc. Đối với chị Thủy “khó khăn, vất vả chính là lúc để tôi luyện bản thân” và đó cũng là tâm niệm mà chị sẽ mang theo suốt cuộc đời.

 

                                                                                   Thanh Sơn

 

 

Các tin khác


Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 phóng viên, biên tập viên

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có 35 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” 

Ngày 17/5, UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham gia hội thi có 10 đội đại diện cho trên 300 "Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực các hoạt động hướng về người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân, khắp các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn tỉnh sôi nổi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) về vật chất, tinh thần. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Công đoàn các cấp, NQĐH XVII Công đoàn tỉnh và NQĐH XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Cảnh báo các thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hạ

Chập điện gây cháy hoàn toàn ngôi nhà sàn ở xã Mường Chiềng

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 14h ngày 16/5 đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Đây là ngôi nhà sàn của gia đình ông Xa Văn Rộng, sinh năm 1962.

Thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI

Ngày 16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục